Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới biển Hoa Đông và vì vậy, Tokyo có lý do để lo ngại về sự gián đoạn trật tự hàng hải ở đây.
So với thời Chiến tranh Lạnh, các mối quan tâm về an ninh của Nhật Bản ngày nay rất khác. Trong Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản tập trung chủ yếu vào vùng “Viễn Đông”, khu vực mà người Nhật thường gọi là Bắc Philippines.
Khu vực Biển Đông không được xem là quan trọng và không được người Nhật chú trọng quá nhiều.
Ngày hôm nay, Biển Đông trở thành một trong những mối quan tâm chính của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Trong bài báo được đăng vào năm 2012 có nhan đề Nền an ninh dân chủ kim cương của châu Á, ông Abe đã viết: “Nếu Nhật Bản thua cuộc, khu vực biển Đông sẽ còn bị quân sự hóa hơn nữa”.
Bài báo này được xuất bản chỉ một ngày trước khi ông Abe nhậm chức thủ tướng lần thứ hai.
Các chuyên gia Nhật bản cho rằng Tokyo có lợi ích chiến lược ở Biển Đông và vì thế cần quan ngại các hành động của Trung Quốc. Trong ảnh, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Ảnh: Maritime Issue.
Tạo ra tình thế nguy hiểm, làm "chùn bước" các nước
Thủ tướng Shinzo Abe đã viết trong bài báo năm 2012 rằng Biển Đông dường như đang trở thành “Cái hồ của Bắc Kinh”.
Trong bài bình luận đăng trên Maritime Issues, tiến sĩ Satoru Nagao, chuyên gia về chiến lược quân sự và các vấn đề Nhật Bản - Ấn Độ, cho rằng điều này có nghĩa là Biển Đông sẽ trở thành một vùng biển đủ sâu cho lực lượng hải quân của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) đặt các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại đây.
Nếu Trung Quốc triển khai các tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân ở Biển Đông, họ sẽ tạo ra một tình huống nguy hiểm, khiến các nước "chùn bước" khi căng thẳng xảy ra. Khi đó, nếu xung đột nổ ra ở Biển Đông, nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân là rõ ràng. Với tình hình như vậy, liệu có quốc gia nào dám chấp nhận rủi ro ở Biển Đông?
Việc xem xét những điều kiện để Trung Quốc triển khai các tàu ngầm có vũ trang hạt nhân ở Biển Đông cũng rất quan trọng. Nó sẽ không còn ý nghĩa răn đe nếu tàu ngầm Mỹ đặt sát tàu ngầm Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc cần đảm bảo rằng tàu ngầm của họ không bị phát hiện bởi tàu, máy bay hoặc radar của nước khác.
Do đó, Bắc Kinh sẽ phải ngăn chặn tất cả các tàu nước ngoài có khả năng phát hiện tàu ngầm Trung Quốc đi vào khu vực quốc gia này có ảnh hưởng ở Biển Đông.
Và đó chính xác là việc Trung Quốc đang làm.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp, sau đó triển khai tên lửa hành trình diệt hạm và tên lửa đất đối không. Ảnh: ATMI.
Bước đầu tiên của hoạt động này là xây dựng các đảo nhân tạo dùng làm căn cứ cho tàu ngầm tạo thành một tam giác chiến lược.
Bước thứ hai là triển khai tên lửa, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và tàu chiến để ngăn các tàu và máy bay nước ngoài khác có thể phát hiện tàu ngầm Trung Quốc đi vào khu vực. Cuối cùng, Trung Quốc có thể triển khai các tàu ngầm được trang bị tên lửa hạt nhân.
Trung Quốc vẫn chưa thành công ở bước một và bước hai vì quốc gia này chưa xây dựng các đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống hạm và phòng không có thể đẩy lùi tàu và máy bay nước ngoài trên các đảo nhân tạo đã được xây dựng.
Bên cạnh đó, quốc gia này đã dùng máy bay ném bom tầm xa làm máy bay tuần tra, một số máy bay trong đó thậm chí có khả năng được vũ trang hạt nhân.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể sớm xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cung cấp năng lượng cho các lực lượng Trung Quốc trong khu vực. Sau khi Trung Quốc xây dựng xong nhà máy hạt nhân, các quốc gia khác sẽ ngần ngại tấn công vì lo ngại rò rỉ phóng xạ. Điều này có nghĩa là chính nhà máy hạt nhân sẽ là một công cụ răn đe tấn công hiệu quả.
Dần dần, Trung Quốc sẽ đẩy các nước khác ra khỏi Biển Đông và hoàn tất các “pháo đài” phòng thủ của họ.
Tác giả Nagao nhận định Bắc Kinh khó mà chi nhiều tiền như vậy để xây dựng các đảo nhân tạo với lý do chỉ đơn thuần là kinh tế, thay vào đó, họ hẳn phải có tính toán về an ninh.
Trung Quốc lập luận rằng nước này có thể sử dụng sự hiện diện của mình ở Biển Đông để bảo vệ bờ biển và các khu vực công nghiệp quan trọng với việc phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Tàu khu trục Wayne E. Meyer của Mỹ ngày 13/8 đã tiến gần các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Vào tháng 11/2013, Trung Quốc đã thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông. Điều này cho phép Trung Quốc yểm trợ cho các tàu hải quân của mình và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quốc gia này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xây dựng các giàn khoan dầu trong khu vực, nhiều giàn khoan trong số đó còn được trang bị radar. Các chuyên gia Nhật Bản tin rằng các giàn khoan dầu này sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho việc triển khai khí tài của hải quân và không quân Trung Quốc.
"Những nước cùng chí hướng phải có hành động"
Trung Quốc không thể nào giấu các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân ở những nơi mà các tàu và máy bay khác có thể phát hiện ra. Vì thế, tiến sĩ Satoru Nagao cho rằng việc triển khai tàu ngầm, tàu chiến chống ngầm và máy bay tuần tra chống ngầm sẽ rất hiệu quả trong việc kìm hãm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Việc giúp các quốc gia ven biển trong khu vực cải thiện khả năng và năng lực an ninh hàng hải của riêng mình cũng vô cùng quan trọng. Mỹ và các đồng minh của như Anh, Pháp, Canada, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng có thể gửi tàu chiến, máy bay và tàu ngầm và Ấn Độ có thể huấn luyện lực lượng tàu ngầm mới ở khu vực.
Theo chuyên gia Nhật Bản Hideshi Tokuchi viết trong một bài bình luận khác trên Maritime Issues, sự mở rộng quá mức của một cường quốc lục địa về phía biển sẽ thu hẹp vùng đệm an ninh với cường quốc biển khác và làm đảo lộn sự cân bằng quyền lực hiện tại trong khu vực.
Theo tính toán chiến lược của Trung Quốc, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông và quần đảo Trường Sa ở Biển Đông được coi là một phần của "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Các hoạt động của Trung Quốc ở hai vùng biển này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, Nhật Bản có lý do để lo ngại về sự gián đoạn trật tự hàng hải ở Biển Đông.
Ông Hideshi Tokuchi cũng cho rằng các nước cần nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn khoảng trống quyền lực và giữ gìn sự cân bằng quyền lực ở khu vực Biển Đông. Các quốc gia có cùng chí hướng nên làm bất cứ điều gì có thể để tăng cường sự hiện diện, bao gồm các cuộc tập trận chung thường xuyên hơn và các chuyến thăm cảng trong khu vực.
Do đó, các quốc gia này cần phải hợp tác và chủ động thể hiện sự hiện diện của họ trong khu vực bằng các lực lượng hải quân, không quân và trên bộ.
Tàu ngầm Nhật Bản Kuroshio tham gia tập trận quân sự ở Biển Đông. Ảnh: South China Morning Post.
Nguồn Zing