Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Các tộc họ thời mở đất
Thứ tư: 14:06 ngày 20/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau nhiều thời giặc giã liên miên, khiến nhiều gia đình ly tán, đến thời bình, nhiều họ tộc ở Tây Ninh đã bỏ công sức đi tìm lại nguồn cội, gốc gác của tộc họ mình.

Đại hội họ Dương Tây Ninh tháng 11.2017.

Cây có gốc mới nở cành, xanh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu

Ðấy là hai câu thơ thường được chép nắn nót ở trang đầu trong các tập gia phả dòng họ ở Tây Ninh. Dù là những tập được ghi chép từ thời xa xưa như của họ Ðặng ở Trảng Bàng, hay những tập mới được viết gần đây của họ Nguyễn ở Tầm Long, xã Trí Bình, huyện Châu Thành do cụ Nguyễn Hồng Phan chấp bút.

Sau nhiều thời giặc giã liên miên, khiến nhiều gia đình ly tán, đến thời bình, nhiều họ tộc ở Tây Ninh đã bỏ công sức đi tìm lại nguồn cội, gốc gác của tộc họ mình. Nhiều cuốn sách cũ đã lem nhem chữ Hán được tìm lại và dịch ra tiếng Việt.

Một số vị cao tuổi tập hợp những chuyện truyền miệng của ông bà, cha mẹ... chép vào sách gửi lại cháu con. Truyền thống tốt đẹp của cha ông được khơi lại và ghi nhớ. Và bản thân việc ghi chép, hay sưu tầm tìm lại nguồn gốc họ tộc mình cũng đã là một việc “uống nước nhớ nguồn” trong truyền thống xa xưa dân tộc.

Một sự kiện liên quan đến dòng họ nổi bật trong năm 2017 là đại hội họ Dương Tây Ninh, được tổ chức ngày 19.11.2017 tại hội trường Tỉnh uỷ. Tại đại hội này, có gần 300 đại biểu họ Dương tham dự, bà Dương Thu Hiền được bầu làm Chủ tịch. Bà đang giữ cương vị Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh và là cháu một người họ Dương nổi tiếng: ông Dương Minh Châu- vị Chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Tây Ninh sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công.

Vậy, cũng nên điểm lại một số tộc họ từng có mặt ngay từ những ngày đầu gian khó trên đất Tây Ninh thời mở đất, lập thôn làng.

Nghiên cứu về các cộng đồng dân cư, dân tộc ở Tây Ninh, sách Miền Ðông Nam Bộ- con người và văn hoá của Tiến sĩ Phan Xuân Biên (Nxb Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh năm 2004) dành hẳn một chương IV. Từ một số thư tịch cổ và gia phả, ông cho rằng: “Có lẽ vùng đất mà vào năm 1809 lập nên làng Bình Tịnh (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng ngày nay) là nơi tụ cư sớm nhất của người Việt ở vùng đất Tây Ninh. Họ vốn có gốc từ lớp lưu dân miền Trung di cư đến xóm Ràng (nay thuộc xã Trung Lập, Củ Chi) vào khoảng cuối thế kỷ XVII (năm 1685) rồi toả dần lên phía Bắc, ven theo sông Vàm Cỏ kiếm đất sinh sống…”.

Cụ thể hơn về các họ tộc, tác giả có nhắc đến một số họ tộc khai cơ mở đất ở An Tịnh: “Ở ấp An Khương hay còn gọi là xóm Cây Sao, họ Phan được coi là họ đầu tiên đến lập nghiệp. Ở thôn An Phú (còn gọi xóm Hóc Ớt) có họ Hồ, thôn An Thành (Sình Tranh) có họ Lê (cao tổ Lê Văn Phi) sau đổi thành họ Nguyễn; thôn An Bình (Cây Cau) có họ Trương và hậu duệ là Trương Tùng Quân  và họ Ðinh; ở thôn An Thới (xóm Trầu) có họ Trần; ở thôn Tịnh Phong có họ Ðoàn và thôn An Ðước (Bàu Mây, Trà Nguồn) có họ Lê…”.

Một số thông tin liên quan đã từng được đăng trên báo Tây Ninh. Rằng theo Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức, cùng năm 1809 trên đất Tây Ninh không chỉ có thôn An Tịnh, mà còn các thôn Cẩm Giang, Thạnh Ðức và Thanh Phúc (nay là Thanh Phước). Vậy trên thực tế, vào đầu thế kỷ XIX đã có rất nhiều dòng họ đến Tây Ninh.

Ðặc biệt là năm 1836, khi phủ Tây Ninh được thành lập, với các chính sách khuyến khích lưu dân khai phá lập thôn làng trên vùng đất mới, số di dân đã tới đây lập nghiệp ngày một nhiều hơn.

Ðiểm lại các tư liệu thành văn, cả truyền tụng dân gian và một vài gia phả có thể thấy: có lẽ sớm nhất là họ Huỳnh với các vị có công mở mang, bảo vệ miền đất phía Bắc tỉnh như Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Nghệ- được dân các vùng thuộc TP. Tây Ninh và các huyện Tân Biên, Châu Thành tôn vinh là Quan lớn Trà Vong. Theo bản tiểu sử của các ngài được lập năm 1973 nhưng gốc gác- theo chuyện kể từ năm 1927 còn lưu tại miếu thờ đường Phan Châu Trinh, TP. Tây Ninh thì Huỳnh Công Giản sinh năm 1782, năm 27 tuổi đã cùng em trai là Huỳnh Công Nghệ đến vùng Tây Ninh quy dân lập ấp.

Vậy năm ấy là năm 1749. Những ấp cư dân Việt đầu tiên do các ngài lập nên là Tân Lập, Tân Hội và Tân Hiệp vẫn còn lưu lại trong các tên xã thuộc 2 huyện Tân Biên và Tân Châu hiện nay. Cùng thời với các ngài, ở các huyện phía Nam có họ Dương cũng đến định cư tại điểm chính là xã Gia Bình nay thuộc huyện Trảng Bàng.

Theo những nghiên cứu bước đầu của tác giả Dương Công Ðức trong sách Gia Bình xưa (NXB Văn Hoá Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh năm 2010), thì ngài Cao hoàng Thượng tổ họ Dương (Gia Bình) tên là Dương Tấn Phong đã đến làng Gia Bình khoảng từ năm 1700 đến muộn nhất là năm 1758.

Cũng vào thời điểm giữa thế kỷ XVIII, ở vùng đất nay là TP. Tây Ninh còn có họ Võ mà người đứng đầu là cụ Võ Văn Oai- người được lưu truyền là có công đánh giặc cướp bảo vệ dân lành ở khu vực Châu Thành và Thành phố hiện nay, cùng thời với Huỳnh Công Giản; cụ cũng được dân hai thôn làng suy tôn là thành hoàng, được thờ tại các ngôi đình Thái Bình (TP. Tây Ninh) và Thanh Ðông (xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành).

Họ Võ hiện tại cũng là một họ lớn cư trú tại xã Thanh Ðiền, cùng các tộc họ Ðỗ, họ Trương, họ Lâm, họ Nguyễn… Nói thêm một chi tiết về đình Thanh Ðông; ngoài vị thành hoàng họ Võ, các tộc họ được thờ với tư cách tiền hiền và hậu hiền là họ Ðỗ với họ Trương.

Lần theo các trang sử, hoặc sách sưu khảo và những chuyện truyền tụng dưới mái đình, chúng ta còn thấy nhiều dòng họ từng gắn kết với nhau để chống chọi với thú dữ, cải tạo thiên nhiên, xây dựng thôn làng hoặc chiến đấu chống giặc ngoại xâm ở khắp các miền đất.

Ðấy là các cụ Ðặng Văn Trước, năm 1818 đã có mặt ở Trảng Bàng chỉ huy việc đào kinh, lập chợ, dựng thôn Phước Lộc (nay là xã Gia Lộc). Cụ được triều Nguyễn sắc phong là thành hoàng đình Gia Lộc. Con trai cụ- Lãnh binh Ðặng Văn Tòng cũng là một tên tuổi lẫy lừng thời các phong trào nông dân và nghĩa sĩ nổi dậy chống Pháp, bất tuân lệnh triều đình trao 3 tỉnh miền Ðông cho giặc năm 1862.

Cùng họ Ðặng còn có Lãnh binh Ðặng Văn Châu cũng tham gia phong trào ấy, sau khi mất, ông được dân tôn vinh làm thành hoàng đình Thanh Phước (huyện Gò Dầu). Bên kia sông Vàm Cỏ Ðông, lại có Lãnh binh Két- người từng chọn miền Long Giang làm căn cứ. Theo xác minh của Ban quý tế đình thì ông có họ Lê, tên đầy đủ là Lê Ðình Két.

Ông cũng được dân miền đất Ngũ Long thờ làm thành hoàng ở đình Long Giang bên bờ sông Rạch Bảo, huyện Bến Cầu. Họ Lê cũng còn nhiều tên tuổi được lưu danh như Lê Văn Tâm, một vị tướng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ từng tham gia đại phá quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789.

Sau khi Nguyễn Ánh lấy lại quyền bính, ông về làng Gia Lộc mai danh ẩn tích, lập nên ngôi chùa am, nay là thiền viện Chơn Như. Bên các xã Truông Mít, Lộc Ninh có Lê Văn Hùng phất cao ngọn cờ chống Pháp những năm sau 1862. Ông đã bị địch bắt, đày ra Côn Ðảo và đã hy sinh.

Dòng suối nơi ông đóng quân khi xưa về sau mang tên suối Ông Hùng. Trên miền Tầm Long, Hoà Hội, tả hữu Vàm Cỏ Ðông thuộc huyện Châu Thành nay vẫn còn dấu tích hai vị tướng họ Lê là Lê Ngọc Dương và Lê Ngọc Báu. Một vị tiền hiền của miền đất Long Thành nay là 3 xã của huyện Hoà Thành chính là cụ Trần Văn Thiện. Cụ chủ trì khai phá bưng hoang, làm thuỷ lợi để lập nên xã mới Long Thành từ năm 1844. Khói hương thờ phụng cụ vẫn ngát thơm quanh năm trong ngôi đình xưa của xã Long Thành.

Trên đây chỉ là vài nét sơ lược về các tộc họ Tây Ninh thời mở đất. Còn biết bao dòng họ khác cũng đã gắn kết cùng nhau, làm nên miền đất Tây Ninh tươi đẹp ngày nay. Họ xứng đáng được tôn vinh không chỉ trong các miếu đền thờ dòng họ hay đình miếu các thôn làng.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục