BAOTAYNINH.VN trên Google News

KỶ NIỆM 77 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2.9:

Cách mạng tháng 8.1945 và thành tích “tiền kháng chiến” tại Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 19/08/2022 - 00:25

BTN - Cuộc mít-tinh đã được quần chúng hưởng ứng đông chưa từng thấy tại sân vận động. Sau khi nghe cán bộ diễn thuyết, đoàn người kéo đi khắp các ngã đường trong Thị xã để biểu dương lực lượng biểu tình và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cách mạng.

Mít tinh tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn (ảnh tư liệu).

Đúng ngày này 77 năm trước, cuộc Cách mạng tháng Tám (CMT8) năm 1945 lật đổ chế độ thực dân - phong kiến - phát xít giành chính quyền về tay nhân dân Việt Nam bùng nổ và nhanh chóng lan rộng khắp ba miền, thời ấy gọi là “ba kỳ”: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, chỉ trong vòng một tuần lễ (19.8 đến 25.8.1945) đã hoàn toàn thắng lợi trên khắp đất nước ta.

Tại Tây Ninh, dưới sự lãnh đạo, tổ chức của Ban Cán sự Đảng tỉnh, cuộc khởi nghĩa diễn ra và thắng lợi vẻ vang chỉ trong một ngày 25.8. Cho đến nay, sau 77 năm, các nhân chứng của sự kiện lịch sử CMT8 đều không còn ai. Nhưng trong các dịp kỷ niệm 60 năm, 70 năm CMT8, người viết bài này đã có dịp tiếp xúc, thu thập tư liệu từ hai vị cán bộ tiền khởi nghĩa từng có mặt tại tỉnh đường Tây Ninh ngày 25.8.1945.

Đó là 2 cụ Lâm Phước Tôn và Lâm Quang Vinh. Điều hết sức đặc biệt ở hai ông cùng họ, cùng mang thứ Hai, cùng là cán bộ tiền khởi nghĩa, cùng có mặt tại tỉnh đường Tây Ninh trong ngày đầu cách mạng giành chính quyền lại hoàn toàn không có họ hàng với nhau. Ông Hai Tôn là dân Bạc Liêu, có bằng Thành chung, làm việc cho Pháp ở Campuchia; ông Hai Vinh là dân Tây Ninh, ở An Hoà, Trảng Bàng.

Ông Hai Tôn cho biết, ông được ông Trần Văn Đẩu, một vị lãnh đạo Việt Minh Tây Ninh giác ngộ cách mạng và đưa vào tổ chức “nhóm Đảng Quán Cơm” từ cuối năm 1944 khi ông làm việc ở đồn điền cao su Memot của Pháp ở Campuchia, nhưng thường hay lên xuống sở cao su Bình Linh, Chà Là vì ông có vợ ở đấy. Sau khi tham gia Việt Minh, ông Hai Tôn về ở hẳn tại Quán Cơm, đường ngã tư Bình Minh lên Tua Hai ngày nay. Nơi đây là cơ sở cách mạng của Ban cán sự Đảng tỉnh, do ông Huỳnh Văn Thanh (Mười Thanh) đứng đầu, cùng các ông Phạm Tung (Năm Tung), Trần Văn Mạnh (Hai Mạnh), Trần Văn Đẩu, Trần Kim Tấn, Nguyễn Công Bằng; các bà Mỹ Lan (vợ Mười Thanh), Ba Lá (chị ruột ông Bằng)...

Các vị này đều là đảng viên, cư ngụ ở nhiều nơi khác chỉ thỉnh thoảng họp mặt tại Quán Cơm dưới danh nghĩa các “lái cây” đến gặp quan chức kiểm lâm Phạm Tung để xin “đóng dấu kiểm” lên gỗ lâm sản. “Thường trú” tại Quán Cơm có vợ chồng ông Hai Khoảnh, chủ quán và các ông Hai Tôn, Bảy Mì, Bảy Của với danh nghĩa nhân viên của quán.

Cuối năm 1944, ông Mười Thanh liên lạc với Xứ uỷ Nam bộ, nắm được chương trình hành động của Việt Minh và triển khai thành lập Mặt trận Việt Minh Tây Ninh với nội dung hoạt động tập hợp, đoàn kết toàn dân chống thực dân, phát-xít để giải phóng dân tộc.

Trước CMT8, các ông thường xuyên gặp nhau để phối hợp vận động công nhân hãng đường Thanh Điền, công nhân các đồn điền cao su, công chức, trí thức các cơ quan tỉnh của chính quyền Pháp thuộc. Khi phát-xít Nhật đảo chính Pháp từ tháng 3.1975, tại Tây Ninh, quân Nhật chỉ nắm quyền về an ninh, quân sự, còn bộ máy chính quyền thuộc Pháp vẫn được giữ nguyên.

Quan trọng nhất là lãnh đạo Việt Minh tỉnh vận động được ông Lâm Thái Hoà, một người rất có uy thế với chính quyền, quân đội Pháp ở Tây Ninh để móc ráp với lực lượng Cộng hoà vệ binh của Pháp ở “thành Săng-đá” (nay là Bộ CHQS tỉnh) và lực lượng Thanh niên tiền phong. Trong ngày 23.8, ông Mười Thanh chủ trì hội nghị thành lập Ban lãnh đạo khởi nghĩa tại nhà ông Tư Đẩu ở thị xã Tây Ninh, giao nhiệm vụ cho từng thành viên tổ chức huy động các lực lượng quần chúng tham gia cuộc mít-tinh tại sân vận động Tây Ninh vào ngày 25.8.

Sáng sớm ngày 25.8, từ các hướng chung quanh Thị xã nhiều lực lượng rầm rập kéo vào sân vận động. Cánh các xã vùng “Ngũ long” Bến Cầu đi đường sông Vàm Cỏ Đông tập hợp ở hãng đường Thanh Điền từ chiều hôm 24,8 do ông Hai Mạnh chỉ huy; cánh xóm Vịnh, Quán Cơm do ông Tư Đẩu tổ chức; cánh Trường Hoà, thực chất là Bình Linh, Chà Là do các địa phương này khi ấy là một ấp thuộc xã Trường Hoà, do ông Hai Tôn hướng dẫn; và cánh vệ binh Cộng hoà - Thanh niên tiền phong do ông Lâm Thái Hoà chỉ huy.

Về cuộc mít-tinh này, sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tái bản năm 2018) viết: “Tại Tây Ninh, trước ngày giành chính quyền, Uỷ ban Khởi nghĩa đã cử người liên lạc với chỉ huy quân Nhật vận động họ giữ thái độ trung lập, vận động cảnh sát giữ dinh Tỉnh trưởng đứng về phía cách mạng.

Ngày 23 cử hai cán bộ xuống Sài Gòn xin chỉ thị của Xứ uỷ, một người ở lại dự mít-tinh, một người quay về ngay triệu tập cán bộ, đảng viên và cốt cán tổ chức cuộc mít-tinh vào sáng 25 để ủng hộ Mặt trận Việt Minh ra công khai. Cuộc mít-tinh đã được quần chúng hưởng ứng đông chưa từng thấy tại sân vận động.

Sau khi nghe cán bộ diễn thuyết, đoàn người kéo đi khắp các ngã đường trong Thị xã để biểu dương lực lượng biểu tình và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cách mạng. Đến 2 giờ chiều thì kéo vào dinh Tỉnh trưởng buộc y phải giao chính quyền cho cách mạng một cách êm thấm, không đổ máu”.

Về phía hành động của lực lượng Thanh niên tiền phong và Vệ binh Cộng hoà, một người trong cuộc là ông Lâm Quang Vinh (Hai Vinh) cho biết, ông ở An Hoà, Trảng Bàng, nhưng sở dĩ ông có mặt trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Tây Ninh là vì năm ấy ông tham gia phong trào Thanh niên tiền phong. Khoảng tháng 7 năm 1945, Hai Vinh từ Trảng Bàng lên thị xã Tây Ninh học quân sự tại đình Hiệp Ninh do ông Lâm Thái Hoà phụ trách lớp học.

Gia đình ông Lâm Thái Hoà ở cách đình Hiệp Ninh khoảng 150 mét. Ít ai biết được rằng ngôi nhà của thủ lĩnh Thanh niên tiền phong Lâm Thái Hoà cũng là nơi thỉnh thoảng nhóm Ðảng Quán Cơm, tức là tổ chức Ðảng đầu tiên của tỉnh tổ chức hội nghị để tránh né những cặp mắt cú vọ của bọn tay sai thực dân, phát xít.

Về lớp học của Thanh niên tiền phong, ông Hai Vinh cho biết, lớp học tập trung khoảng 50 cán bộ Thanh niên tiền phong từ các địa phương trong tỉnh, ăn, ở, học tập ngay trong ngôi đình Hiệp Ninh. Bề ngoài là lớp huấn luyện thể dục thể thao, thực chất là lớp huấn luyện quân sự, học viên được học từ tập hợp đội hình đến sử dụng vũ khí với những khẩu súng do hai anh sĩ quan Vệ binh Cộng hoà từ thành Săng-đá bí mật đưa ra.

Về chuyện “giành chính quyền” tại dinh tỉnh trưởng Tây Ninh (trụ sở UBND tỉnh ngày nay), ông Hai Vinh hồi tưởng: “Buổi trưa ngày Uỷ ban Khởi nghĩa tổ chức mít tinh ở sân vận động tỉnh (khuôn viên trụ sở Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Viễn thông Tây Ninh ngày nay - NV), độ khoảng mười giờ rưỡi, anh Lâm Thái Hoà chỉ huy phân đội Thanh niên tiền phong, trong đó có tôi, đi tiếp quản dinh tỉnh trưởng.

Sau này, anh Hoà cho tôi biết, cha anh- một vị bác sĩ quân y trong quân đội Pháp, vốn là bạn với Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh nên được Uỷ ban Khởi nghĩa chỉ đạo tìm cách vận động Tỉnh trưởng đầu hàng Việt Minh. Dù đã biết trước chuyện ấy qua lời kể của anh Lâm Thái Hoà, nhưng tôi cũng không tránh khỏi bất ngờ khi thấy quân mình đi chiếm dinh quan đầu tỉnh mà không vấp phải sự kháng cự nào”.

Ðến khoảng 2 giờ chiều, Uỷ ban Khởi nghĩa của tỉnh vào tiếp nhận chính quyền, ông Lê Văn Thạnh tuyên bố không còn là Tỉnh trưởng Tây Ninh và xin phép Uỷ ban cho gia đình ông được tiếp tục ngụ tạm trên tầng lầu của dinh, và chấp nhận mọi sự định đoạt của chính quyền cách mạng.

Đặc biệt, cuộc CMT8 Tây Ninh còn có thành tích bắt sống được tên thực dân đầu sỏ của Pháp khi chúng lăm le quay trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Về thành tích này, ông Hai Vinh kể: “Buổi chiều hôm đó, lúc trời sắp hoàng hôn, anh Lâm Thái Hoà và tôi lên tầng lầu, ra bao-lơn dinh Tỉnh trưởng đứng ngắm cảnh khu trung tâm tỉnh lỵ với dòng rạch Tây Ninh ngay trước dinh và khu phố chợ sầm uất bên kia cầu Quan. Chợt anh Hoà nhìn lên bầu trời xa xa phát hiện một chiếc máy bay loại B26 của Mỹ bay theo hướng cặp sông Vàm Cỏ Ðông về phía quận Châu Thành.

Từ trong thân máy bay có hai chấm đen lao ra bung dù. Lâm Thái Hoà phán đoán là có giặc Tây nhảy dù, anh chạy bay xuống lầu báo cáo lãnh đạo Uỷ ban Khởi nghĩa. Lập tức, anh được lệnh điều động một tiểu đội Thanh niên tiền phong hành quân lên Châu Thành lùng bắt giặc”.

Đối với hai tên giặc Pháp bị ta bắt ngay trong ngày Việt Minh Tây Ninh nắm chính quyền, ông Hai Vinh cho biết: “Thằng Tây bị anh Lâm Thái Hoà bắt có thân phận lớn lắm, nó tên là Cedile, cấp bậc đại tá, được Chính phủ Pháp phong chức Cao uỷ Cộng hoà Pháp.

Thật ra, sau khi kết thúc thế chiến thứ hai, phe Ðồng minh thắng trận, các nước thực dân phương Tây như Anh, Pháp đã thoả thuận với nhau, thuộc địa của nước nào trước thế chiến thì nước đó tiếp tục đô hộ. Vì vậy, khi quân Anh thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân Nhật ở miền Nam nước ta thì họ phải tạo điều kiện cho thực dân Pháp quay trở lại Ðông Dương.

Ðại tá Cedile nhảy dù xuống Tây Ninh là để “đi tiền trạm” móc nối với phái bộ Anh để đón quân Pháp kéo qua sau. Vì vậy, sau khi Cedile được lãnh đạo Việt Minh trao cho đại diện phái bộ Anh đưa về Sài Gòn chừng nửa tháng thì Pháp quay lại tái xâm lược nước ta”.

Lúc này cả miền Nam, trong đó có Tây Ninh bắt đầu cuộc trường chinh “đi trước về sau” trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến thắng lợi cuối cùng.

Nguyễn Tấn Hùng