Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cách mạng Tháng Tám (19.8.1945) - Dấu ấn mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội
Thứ bảy: 12:48 ngày 19/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với truyền thống “Trung dũng, kiên cường”, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao độ để vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phấn đấu xây dựng tỉnh nhà.

Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19.8.1945. Ảnh tư liệu

Vào một ngày của mùa thu cách đây 78 năm (19.8.1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã đứng lên làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Sau chiến thắng của Cách mạng tháng Tám năm 1945, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm kháng Pháp và 21 năm chống Mỹ, làm nên chiến thắng 30.4.1975 vĩ đại, thống nhất đất nước, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Năm tháng qua đi, nhưng chiến thắng Cách mạng tháng Tám (19.8.1945) và Ngày Quốc khánh (2.9.1945) mãi là dấu son chói chọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cao trào cách mạng diễn ra trên khắp cả nước với khí thế sôi nổi.

Ngày 9.3.1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào. Tháng 3.1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4.1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân.

Tháng 8.1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8.1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (nay là nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Tây Ninh

Ngày 19.8.1945, Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi ở Hà Nội. Trong khi đó ở Tây Ninh, Mặt trận Việt Minh đã kịp thời lãnh đạo quần chúng rải truyền đơn, khẩu hiệu “Đả đảo chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh” và kêu gọi chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 23.8.1945, được tin Sài Gòn đang khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Ban Cán sự Đảng tỉnh cử đồng chí Trần Kim Tấn và nữ đồng chí Trương Mỹ Lan liên lạc với Xứ uỷ để xin chỉ đạo hành động. Nhận được chỉ thị của Xứ uỷ, tỉnh đã cử ra Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền.

Khoảng 14 giờ ngày 25.8.1945, đoàn cán bộ từ Sài Gòn mang chỉ thị giành chính quyền của Xứ uỷ lên Tây Ninh. Ban lãnh đạo giành chính quyền tỉnh triệu tập hội nghị mở rộng gồm các thành viên Ban lãnh đạo hành động và một số cán bộ nòng cốt để lập kế hoạch giành chính quyền. Hội nghị quyết định chỉ huy động lực lượng khoảng 500 quần chúng có trang bị đầy đủ, đột nhập dinh tỉnh trưởng và chiếm các công sở.

Theo kế hoạch, một bộ phận xung kích đã đột nhập vào bên trong dinh tỉnh trưởng, tước súng của hai tên lính gác giao lại cho lực lượng bảo vệ để chiếm giữ và bảo vệ trật tự, an toàn trong khu vực dinh tỉnh trưởng.

Mọi việc đều tiến hành nhanh gọn, không gặp phải một sự kháng cự nào của địch. Các đồng chí trong Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền cùng với đoàn cán bộ đi từ Sài Gòn lên bằng ô tô có cắm cờ đỏ sao vàng vào dinh tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh được gọi ra, yêu cầu nộp sổ sách, giấy tờ và giao chính quyền. Trước khí thế cách mạng, Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh đáp lại: “Chúng tôi đã có chuẩn bị chờ các ông”.

Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền buộc Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh phải gọi những người cầm đầu các công sở đến, ai có vũ khí phải mang theo (lúc này, lực lượng tự vệ đã triển khai chiếm xong các công sở), lực lượng cách mạng tước hết súng. Việc chuyển giao chính quyền tỉnh được giải quyết xong ngay trong đêm 25.8.1945.

Chỉ trong một ngày đêm (25.8.1945), chính quyền nguỵ từ tỉnh đến quận đều sụp đổ hoàn toàn, và ba ngày sau, chính quyền các xã đều thuộc về tay nhân dân. Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Tây Ninh đã diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng với cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở Tây Ninh thắng lợi rực rỡ.

Từ khi các cơ sở Đảng đầu tiên được thành lập, là hạt nhân cho sự ra đời của Ban Cán sự Đảng tỉnh (9.1944) đến khởi nghĩa giành chính quyền, đội ngũ đảng viên chỉ có 25 đồng chí, nhưng các đảng viên đều vượt qua thử thách, tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, luôn gắn bó với quần chúng, tuyên truyền giác ngộ quần chúng đứng trong tổ chức cách mạng, tạo được đội quân chính trị đông đảo vùng lên thành cao trào rộng khắp toàn tỉnh, khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám thành công.

Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh tiếp tục cùng cả nước thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ 9 chống pháp. Từ tiếng súng đầu tiên ở Suối Sâu (ngày 8.11.1945) đến kết thúc cuộc kháng chiến (tháng 7.1954), chiến trường Tây Ninh là một trong những nơi khó khăn nhất của “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Tiếp đó, trong 21 năm chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, dân và quân Tây Ninh phải đương đầu một cuộc chiến khó khăn, ác liệt hơn. Tuy chịu nhiều đau thương, mất mát, nhưng Đảng bộ, dân và quân Tây Ninh vẫn vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó, hy sinh, cùng quân, dân cả nước làm nên cuộc chiến thắng 30.4.1975 vĩ đại.

Sau ngày 30.4.1975, trong khi cả nước được độc lập, bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội thì Tây Ninh phải tiếp tục bước vào một cuộc chiến mới, cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đồng thời, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do tập đoàn phản động Pol Pot gây ra; chi viện sức người, sức của kiến thiết tỉnh Kampong Cham (Campuchia) chí tình, chí nghĩa trong suốt 10 năm (1979-1989).

Thành tựu nổi bật của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh qua 48 năm xây dựng và phát triển

Sau năm 1975, tỉnh nhà được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới từ một xuất phát điểm rất thấp. Cơ sở hạ tầng bị phá huỷ nặng nề, 60/73 xã trong tỉnh bị tàn phá hoàn toàn, hơn 9.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Toàn tỉnh không có một công trình thuỷ nông quan trọng nào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; hoạt động công nghiệp gần như không có; đại bộ phận nhân dân sống trong nghèo khó, hàng vạn đối tượng chính sách cần được chăm lo.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với truyền thống “Trung dũng, kiên cường”, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao độ để vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phấn đấu xây dựng tỉnh nhà.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng, lợi thế, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tây Ninh không ngừng phát triển, giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh liên tục tăng. Năm 2022, lần đầu tiên sau nhiều năm, 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với Nghị quyết năm của Tỉnh uỷ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 3.700 USD, cao gấp 1,78 lần so năm 2015.

Từ một tỉnh thuần nông, Tây Ninh đã tăng trưởng công nghiệp khá, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời (tỉnh đã đưa vào hoạt động Cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng có tổng vốn 9.100 tỷ đồng, đưa Tây Ninh thành một trong những "thủ phủ" về điện mặt trời của cả nước).

Từ chỗ không có mặt hàng nào xuất khẩu, đến giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh đạt 19 tỷ USD, tăng bình quân 10%/năm; năm 2022, tình hình kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD.

Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm tinh chế, mở rộng mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước thực hiện 26.989 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 4,07% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 18.188 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 5.781 tỷ đồng, đạt 52,6% dự toán.

Năm 2022, Tây Ninh là một trong những tỉnh có tỷ lệ thu hút đầu tư cao trong cả nước, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành. Các dự án đầu tư trong và ngoài nước là nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu quốc gia như Sun Group, Vingroup, TTC Group… đã có dự án đầu tư tại Tây Ninh. Tỉnh cũng đã khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống các tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen và các công trình phụ trợ, tạo tiền đề vững chắc để Tây Ninh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2030.

Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả tích cực; có 61/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo kế hoạch đến cuối năm có 65/71 xã đạt chuẩn, trong đó 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Cùng với kinh tế, các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt nhiều thành tựu nổi bật. Chất lượng khám, chữa bệnh, giáo dục - đào tạo, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở… tiếp tục được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tốt.

Các chính sách xã hội, chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo được triển khai có hiệu quả; Hằng năm giải quyết việc làm tăng thêm trên 16.000 lao động. Kết quả rà soát hộ nghèo đa chiều của tỉnh năm 2022 còn 1,09% (với 3.499 hộ), vượt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao về giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (từ 0,1%-0,15%) (nằm trong top 5 tỉnh có hộ nghèo thấp nhất nước). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,25% so với dân số toàn tỉnh.

Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự được nhân rộng. Quan hệ hợp tác với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia được tăng cường, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng” trên tuyến biên giới.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, bản lĩnh chính trị, tư duy và năng lực lãnh đạo được nâng lên. Cấp uỷ các cấp tập trung thực hiện hai nhiệm vụ “phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; chủ động lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, đổi mới tư duy, sáng tạo trong triển khai, tổ chức thực hiện.

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vừa triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống và kiểm soát thích ứng, an toàn với dịch Covid-19, vừa thực hiện các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, bảo vệ an toàn sức khoẻ, ổn định đời sống nhân dân; quan tâm hỗ trợ, chi trả cho hơn 500.000 trường hợp bị ảnh hưởng Covid-19 hơn 1.000 tỷ đồng.

Kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là dịp để chúng ta càng hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử, thực tiễn của Cách mạng tháng Tám; nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn 78 năm qua vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nỗ lực, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hoàng Trần (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục