BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cái bàn ủi “con gà” 

Cập nhật ngày: 29/07/2018 - 09:27

BTN - Ngày chưa có điện, nhà tôi toàn ủi đồ bằng bàn ủi than. Mẹ làm nông, ít có nhu cầu ủi đồ nhưng anh chị em tôi kẻ đi học, người đi làm nhà nước nên quần áo tuần nào cũng phải ủi.

Không giống bàn ủi điện nhỏ, nhẹ như bây giờ, cái bàn ủi than to nặng; hai bên hông sát đáy đục hai hàng lỗ thông gió. Nắp bàn ủi gắn tay cầm gỗ; phần đuôi xỏ chốt dính thân; phía trước mũi là một “chốt cài” dùng đóng/mở nắp, bên trên có hình con gà trống (vậy mới có tên bàn ủi “con gà”).

Miệng nắp bàn ủi (chỗ chụp xuống thân) không làm phẳng mà được cắt hình răng cưa, có tác dụng như hàng lỗ thông gió phía trên tạo luồng không khí đối lưu từ dưới lên để than luôn cháy đượm.

Do bận đi làm, đi học; tới thứ 7, chủ nhật mới là ngày anh chị em tôi “tổng giặt ủi” quần áo. Chiều thứ 7 giặt, tranh thủ phơi sao cho trưa chủ nhật vừa khô. Quơ hết đồ vô, chị Ba hô tôi đổ than tro cũ còn trong bàn ủi ra ngoài, thay than mới, nhóm bàn ủi.

Than gỗ đập nhỏ vừa phải, cho vô gần đầy lòng bàn ủi. Chờ mẹ nấu bếp, gắp vài hòn than củi cháy đỏ cho vô giữa làm mồi, sau đó khom lưng dùng chiếc quạt phành phạch quạt. Quạt tới lúc trán tôi đổ mồ hôi nhễ nhại cũng vừa lúc than trong bàn ủi bén cháy gần hết, đỏ phừng.

Chị Ba nhanh nhẹn đậy nắp, hất ngược “con gà” ra sau để khoá chốt, trải tấm mền gấp lên giường. Chưa. Còn quên một chuyện phải làm: chị hối anh Tư ra vườn cắt thêm tàu lá chuối tươi. Đặt tàu lá chuối xuống mền, chị cầm bàn ủi cẩn thận dí, đẩy nhẹ qua tàu lá.

Một tiếng xèo nhẹ, tàu lá chuối biến sẫm màu, hơi nước bốc lên nghi ngút. Xong “màn 1” với tấm lá chuối (giờ bị “đốt” nhăn nhúm), “màn 2” chị đưa bàn ủi thử lướt vài đường tới lui mạnh hơn lên tấm mền. Tới lúc bàn ủi di chuyển trơn tru, mặt mền hoá phẳng phiu chị mới yên tâm đặt bàn ủi xuống cái chân đế bằng nhôm, trải quần áo lên, bắt đầu “tác nghiệp”.

Sau này, khi “truyền nghề” ủi quần áo bằng bàn ủi con gà cho tôi, chị Ba có giải thích: thử bàn ủi trên lá chuối và tấm mền trước là để kiểm tra độ nóng và làm sạch mặt bàn ủi, đề phòng bàn ủi quá nóng khiến đồ bị cháy hoặc mặt bàn ủi dơ khiến đồ dơ theo. Tôi nghe, tai nọ xọ tai kia, không mấy lưu tâm. Có lần, vội ủi đồ để còn đi chơi, tôi lười không chịu “thử lá chuối” trước. Kết quả, vừa áp bàn ủi lên chiếc áo sơ mi đẩy nghe rin rít; giở vội lên thì -  ôi thôi - nguyên mảnh vải áo đã dính theo bàn ủi, bốc khói khét mù!

Ấy là nói chuyện về sau, chứ ban đầu thì quần áo chúng tôi vẫn phải nhờ chị Ba ủi giùm. Tôi với anh Tư làm “trợ lý” vòng ngoài, sai đâu chạy đó. Chị Ba khéo tay, ủi đồ thẳng nếp thẳng li dòm rất đã. Anh Tư cao, lãnh việc tròng đồ ủi xong vào móc, đem treo lên sào. Tôi thấp nhỏ chuyên việc “hậu cần”, lo củi lửa cho chị Ba.

Ngó vậy chớ làm “trợ lý củi lửa” cũng không phải dễ ăn: nhóm bàn ủi cho than cháy đỏ đã đổ mồ hôi; chốc chốc bàn ủi nguội hoặc đầy tro lại phải khệ nệ bê ra ngoài mở nắp quạt tro, châm thêm than mới. Hôm nào quần áo nhiều, phải nhóm 2 bàn ủi luân phiên (để chị Ba có ủi liên tục) kể như tôi quay mòng mòng…

Không sao, cực chút nhưng mà vui. Bằng chứng là chủ nhật nào tới tiết mục “tổng ủi đồ” anh em tôi cũng hào hứng lắm. Tính tôi vốn ưa sự chỉn chu, sạch sẽ. Nhìn những bộ áo quần vừa giặt xong nhăn nhúm loáng cái được ủi phẳng phiu dưới đôi tay mềm mại của chị Ba, tự nhiên mọi mệt nhọc tiêu tan. Hơn nữa, còn thấy rất biết ơn cái bàn ủi “con gà”…

Y Nguyên