Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mức độ hài lòng của các cá nhân, doanh nghiệp đối với cung cách phục vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố được nâng cao từ 86% của năm 2014 lên 97% của năm 2023 và có thời điểm được đánh giá đạt 100%.
Người dân tìm hiểu các bộ thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại bộ phận Một cửa UBND phường 3.
Trong những năm qua, thành phố Tây Ninh từng bước nâng cao thứ hạng cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số, duy trì và triển khai nhiều mô hình hay trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số góp phần quan trọng tạo động lực để Thành phố phát triển.
Nhiều mô hình hay
Nhằm hỗ trợ cho người dân trong thủ tục làm hồ sơ, bản vẽ xin cấp giấy phép xây dựng, thời gian gần đây, Phòng Quản lý đô thị Thành phố thành lập tổ hỗ trợ tại bộ phận Một cửa Thành phố. Khi tiếp nhận thông tin theo yêu cầu của công dân, các thành viên của tổ hướng dẫn và vẽ miễn phí cho người dân đối với các công trình nhà ở cấp 4 đơn giản để phục vụ cấp phép xây dựng theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Thành phố duy trì các mô hình hỗ trợ người dân làm TTHC có thể kể đến như: “Ngày không viết, ngày không hẹn” đối với những TTHC được xác định có thời gian giải quyết trong ngày hoặc không cần xác minh khi có đầy đủ thông tin. Những thủ tục này được ưu tiên giải quyết và trả kết quả ngay, không phát sinh giấy hẹn với người dân.
Mô hình “Tuổi trẻ Thành phố đồng hành cùng dịch vụ công trực tuyến” và tổ công nghệ số cộng đồng. Mô hình này vô cùng thiết thực và hiệu quả, là bước chuyển mình mạnh mẽ của Thành phố trong chuyển trạng thái tiếp nhận hồ sơ từ trực tiếp sang trực tuyến.
Theo đó, đoàn viên, thanh niên và tổ viên đã đi đến từng hộ dân tuyên truyền cho người dân biết, hiểu và tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia, cách nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công, cách thanh toán trực tuyến trên dịch vụ công và nhận kết quả bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc bưu chính công ích; tuyên truyền về cấp căn cước công dân, về định danh điện tử nhằm hình thành dữ liệu số về dân cư bảo đảm tiến độ theo quy định.
Hiệu quả mang lại của mô hình là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc nộp hồ sơ TTHC, người dân có thể ngồi ngay tại nhà vẫn có thể nộp được hồ sơ hành chính mà mình cần và có trong quy định của bộ TTHC.
Các mô hình đi vào hoạt động một cách bài bản, khoa học đã làm thay đổi cung cách phục vụ của cán bộ, công chức Thành phố và phường, xã; thay đổi thói quen của người dân và doanh nghiệp trong việc nộp hồ sơ TTHC.
Đây cũng là điều kiện quan trọng, sẵn sàng để UBND Thành phố thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến tại các bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hai cấp; không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp đối với những TTHC được công bố là TTHC trực tuyến kể từ ngày 1.11.2022.
10 tháng năm 2023, bộ phận Một cửa hai cấp trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận gần 25.000 hồ sơ TTHC, trong đó, tiếp nhận trực tuyến chiếm gần 95%; hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,86%.
Thanh toán trực tuyến đạt gần 76%. Có trên 21.800 hồ sơ được cấp kết quả điện tử, đạt trên 87% (khi cấp kết quả điện tử, người dân không cần đến bộ phận Một cửa để nhận kết quả giải quyết như trước đây và kết quả này được lưu vào kho dữ liệu cá nhân trên Cổng dịch vụ công). Số hồ sơ, kết quả giải quyết đã số hoá được khai thác và sử dụng lại thông tin là gần 12.000 hồ sơ, đạt trên 48%. Chứng thực điện tử trên 13.800 hồ sơ.
Mức độ hài lòng của các cá nhân, doanh nghiệp đối với cung cách phục vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố được nâng cao từ 86% của năm 2014 lên 97% của năm 2023 và có thời điểm được đánh giá đạt 100%.
Xây dựng thành phố Tây Ninh trở thành đô thị thông minh
Thành phố Tây Ninh được Tỉnh uỷ chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Theo tinh thần chỉ đạo này, Thành phố đã xây dựng đề án trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
Báo cáo tham luận tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Thành phố, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý- Trưởng Phòng Nội vụ Thành phố cho biết, qua hơn 2 năm triển khai, Thành phố đã thành lập 64 Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số trên 530 thành viên; xây dựng và vận hành hệ thống camera giám sát an ninh đặt tại Công an Thành phố với tổng số 183 camera gắn trên 72 điểm, tuyến đường, tổng kinh phí đầu tư gần 45 tỷ đồng.
Thành phố xây dựng và vận hành phần mềm quản lý công việc nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả và tiến độ các nhiệm vụ được giao đối với từng cá nhân, đơn vị trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và phường, xã (hiện đang thí điểm tại Phòng Nội vụ, được vận hành toàn Thành phố trong quý I.2024).
Đây là những dữ liệu riêng của thành phố Tây Ninh xây dựng trong năm 2023, sẽ được tích hợp và chia sẻ dữ liệu với tỉnh trong năm 2024 phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung của tỉnh.
Đồng thời, khi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 13 nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là hệ thống chiếu sáng thông minh kết hợp các cảm biến tiếng ồn, cháy nổ, rác thải; hoàn thiện các dữ liệu về quy hoạch chi tiết, dữ liệu đất đai, hộ nghèo, bảo trợ xã hội; dữ liệu quản lý hộ kinh doanh và một số dữ liệu khác phục vụ cho công tác chuyển đổi số của thành phố Tây Ninh.
UBND Thành phố đã có kế hoạch hợp tác toàn diện với Tập đoàn Viễn thông Viettel Tây Ninh trên một số nội dung chuyển đổi số như vận hành dùng thử hệ thống IOC trên cơ sở chia sẻ dữ liệu hiện có của tỉnh và phát triển thêm một số phân hệ cần thiết phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành của Thành uỷ, UBND Thành phố được kịp thời, hiệu quả, chính xác trong thời gian tới; kiến nghị tích hợp phần mềm quản lý công việc của Thành phố với phần mềm Egov.
Với lộ trình và kế hoạch thực hiện chi tiết và cụ thể, hứa hẹn trong một tương lai không xa, thành phố Tây Ninh sẽ trở thành đô thị thông minh, hiện đại, thân thiện và đáng sống.
Phương Thuý