BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cải cách phải đi vào thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp 

Cập nhật ngày: 15/05/2019 - 08:27

BTNO - Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành trung ương và 63 địa phương trên cả nước diễn ra chiều ngày 14.5.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính (TTHC) và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông 4 tháng đầu năm 2019.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Tây Ninh.

Dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Tây Ninh có ông Trương Văn Hùng – Phụ trách Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND – UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, chuyên viên phụ trách công tác CCHC các sở, ban, ngành tỉnh.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, 4 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 700 quyết định công bố 13.386 TTHC quy định tại 132 văn bản quy phạm pháp luật để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; đã xử lý 934/1.049 phản ánh, kiến nghị (đạt 89,03%).

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh; đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hiện 100% văn phòng bộ, địa phương đã tiếp nhận nhiệm vụ tổ chức, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh.

Việc liên thông thực hiện TTHC hiện đã được một số bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, phối hợp hiệu quả. 100% các bộ, ngành, cơ quan, địa phương kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản với Trục liên thông văn bản quốc gia. Từ ngày 12.3.2019 đến 10.5.2019, đã có 28.024 văn bản gửi và 79.684 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Văn Hùng- Phụ trách Văn phòng Đoàn ĐBQH- HĐND- UBND tỉnh cho biết điểm nổi bật trong công tác CCHC của Tây Ninh thời gian qua là tỉnh đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công tỉnh trước khi có Nghị định 61 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và sau đó điều chỉnh chức năng theo Nghị định 61; toàn bộ các TTHC ở cấp tỉnh đều được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm (trừ một số thủ tục đặc thù theo quy định).

Ông Trương Văn Hùng- Phụ trách Văn phòng Đoàn ĐBQH- HĐND- UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Tính đến hết quý I.2019, Tây Ninh đã công bố xong quy trình nội bộ và quy trình điện tử giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh với tổng số 1.884 TTHC, đã nhập toàn bộ dữ liệu các TTHC này và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Hệ thống một cửa điện tử tập trung được triển khai 100% từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tây Ninh đã đưa vào hoạt động cổng dịch vụ công tỉnh Tây Ninh tại địa chỉ https://dichvucong.tayninh.gov.vn và thí điểm việc thực hiện giải quyết TTHC qua mạng xã hội zalo đối với 15 nhóm TTHC ở cả 3 cấp.

Tại hội nghị này, tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Tài chính xem xét lại Thông tư liên tịch số 88; đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì giải bài toán kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống một cửa điện tử của tỉnh và hệ thống phần mềm chuyên ngành để cán bộ công chức không phải thao tác 2 lần cho một bộ hồ sơ. 

Triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II.2019, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát TTHC từ khâu dự thảo; báo cáo tình hình, kết quả công tác kiểm soát TTHC hàng quý đúng hạn, chất lượng; hoàn thành việc công bố, công khai điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành sau cắt giảm để làm cơ sở kiểm tra, giám sát trước ngày 20.5.

Bên cạnh đó, kiện toàn bộ phận một cửa các cấp theo hướng tiếp nhận và giải quyết TTHC theo phương thức 4 tại chỗ; ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC để làm cơ sở thiết lập quy trình điện tử trên hệ thống thông tin một cửa điện tử. Phối hợp chặt chẽ trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của văn phòng Chính phủ; các bộ, ngành hoàn thành bộ câu hỏi – trả lời về những vấn đề thường gặp trong quá trình giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền.

Đối với việc thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, sẽ tổ chức kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản trong nội bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Người dân liên hệ nộp hồ sơ TTHC- Ảnh minh hoạ

Theo đó, sẽ thực hiện thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử có ký số từ ngày 15.5 đến 15.6 sau đó báo cáo tình hình về Văn phòng Chính phủ trước ngày 20.6. Đối với  các đơn vị cấp 2 (các đơn vị thuộc  bộ, sở, ban, UBND cấp tỉnh) sẽ thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử có ký số theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ ngày 15.6 đến 15.7 và giai đoạn 2 từ sau ngày 15.7.

Kết luận hội nghị, ông Mai Tiến Dũng- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, TTHC và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông phải được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cải cách đi vào thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; cần chọn các dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp cần nhất để thực hiện trước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ghi nhận các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trong hội nghị và sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với nhiệm vụ trọng tâm quý II.2019, ông Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, việc cải cách phải kiên trì, quyết liệt để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Phương Thuý