BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cải cách thủ tục: Việc 10 năm, mới làm 2 năm

Cập nhật ngày: 09/11/2010 - 11:47

Ngày 9.11, quốc hội dành trọn ngày nghe và thảo luận báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010”.

Phạm vi của cuộc giám sát được tiến hành trong cả nước từ 17.9.2001 đến 31.12.2009, tập trung vào các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đọc báo cáo kết quả giám sát.

Ghi nhận một số cải cách nổi bật như đơn giản hoá TTHC (thành tựu của đề án 30), nhưng đoàn giám sát cũng chỉ ra "điểm nghẽn" chính là khâu cán bộ, công chức.

"Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao", Uỷ ban Pháp luật nhận định. Trong khi đó, mức độ chuyên nghiệp, tính chuyên sâu, kỹ năng hành chính và cả đạo đức, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Doanh nghiệp tự in hoá đơn: Kiểm soát rủi ro gian lận?

Nhiều cải tiến đã được thực hiện trong các thủ tục về đất đai. Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, chính việc phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện các TTHC về đất đai và quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành của Nhà nước, điển hình như việc giao đất làm sân golf, cho thuê đất trồng rừng.

Chưa kể, nhiều địa phương đã phát sinh thêm thủ tục như yêu cầu nộp thêm nhiều giấy tờ không cần thiết, trái quy định của pháp luật (như nộp bản sao sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, sơ đồ thửa đất; thủ tục đăng ký biến động vẫn phải nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận, văn bản xác minh việc chấp hành pháp luật đất đai ...). Rồi thủ tục trùng lặp, không minh bạch rõ ràng, dẫn đến việc dân phải đi lại nhiều lần, tạo tâm lý bất bình.

Trong khi đó, quy định cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhằm tạo thuận lợi cho người dân, song việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể thực hiện đồng thời với chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở (do nhà ở được xây dựng sau).

Hồ sơ đăng ký quyền sở hữu nhà ở còn phức tạp. Quy trình giải quyết kéo dài, trách nhiệm không rõ.

Tương tự, nhiều cải cách trong lĩnh vực thuế đã được ghi nhận, song những cải cách này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chẳng hạn, việc cho phép DN tự khai, tự nộp thuế theo Luật Quản lý thuế được xem là tín hiệu tích cực.

Nhưng, hàng năm, Nhà nước mới kiểm tra được khoảng 20% số doanh nghiệp thực hiện tự khai, tự nộp thuế. "Việc thiếu kiểm tra, thanh tra có thể dẫn đến tình trạng gian lận thuế, gây thất thoát đối với nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Qua báo cáo kiểm toán cho thấy, nhiều doanh nghiệp bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng, trong đó phần lớn là tăng thu từ thuế", đoàn giám sát phân tích.

Mặt khác, việc quy định cho phép doanh nghiệp đăng ký mẫu và tự in hoá đơn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhưng tiềm ẩn rủi ro do không kiểm soát được số lượng hoá đơn được in, phát hành, có thể dẫn đến tình trạng mua bán, gian lận hoá đơn, chứng từ, gây khó khăn cho công tác quản lý hoá đơn, chứng từ.

Phương án áp dụng thủ tục hải quan điện tử cũng được xem là đột phá. Nhưng, thực tế lại mới chỉ ở một số cục, chi cục hải quan các tỉnh, thành phố và áp dụng đối với một số công đoạn, quy trình nhất định.

Đụng chạm lợi ích

Cải cách TTHC đã được thực hiện suốt 10 năm. Nhưng, đáng chú ý, đoàn giám sát QH cho rằng, "công việc thực chất mới chỉ thực hiện từ khi triển khai đề án 30 vào tháng 7.2008".

Một trong những trở ngại được cho là do thói quen quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu (“xin - cho”) và đụng chạm đến lợi ích cục bộ của nhiều cơ quan và của cán bộ, công chức.

"Để cải cách, thực hiện, vận hành có hiệu quả thì yếu tố con người là khâu quyết định. Do đó, bên cạnh việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ thì cần đặc biệt quan tâm đến đạo đức công vụ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, coi trọng cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện trong nội bộ của cơ quan, tổ chức; thực hiện công khai đầy đủ, cụ thể về TTHC, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức để nhân dân giám sát", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói.

Đoàn giám sát của QH cũng khuyến cáo, trong quản lý nhà nước còn đặt ra những thủ tục không cần thiết hoặc là nghĩ thay, làm thay trách nhiệm của người dân hoặc làm hạn chế quyền của người dân mà lẽ ra Nhà nước cần phải ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và tạo ra cơ sở pháp lý để mọi cá nhân, tổ chức chấp hành. Từ đó hướng dẫn thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm thì hiệu quả sẽ cao hơn.

 

* Chiều 9.11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Các đại biểu tiếp tục tập trung đánh giá về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương qua 10 năm thực hiện và kết quả đạt được những tồn tại hạn chế nguyên nhân của những tồn tại hạn chế này; Tình hình thực hiện và kết quả cải cách TTHC trong một số lĩnh vực cụ thể bao gồm: đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan đã bảo đảm được mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đồng thời đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước chưa?

Các đại biểu cũng đánh giá về việc thực hiện cơ chế một cửa, “một cửa liên thông”, sự phối hợp giữa cơ quan trong thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”. Về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ thực hiện; Những kiến nghị giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh thủ tục cải các TTHC tới được nêu trong báo cáo giám sát đã hợp lý và đầy đủ chưa, và Quốc hội có cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về giám sát cải cách TTHC hay không.

Thảo luận các vấn đề trên, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với Báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cải cách TTHC đã có những chuyển biến tích cực, từng bước tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, TTHC trên nhiều lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, thiếu công khai, minh bạch và còn là rào cản đối với sản xuất, kinh doanh, tạo kẻ hở cho nhũng nhiễu, tiêu cực.

Về cải cách TTHC các lĩnh vực đất đai; nhà ở, xây dựng nhà ở, Báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã có những cải cách quan trọng. Các quy định về giao đất, cho thuê đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư chi tiết, rõ ràng đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho địa phương tổ chức thực hiện. Những cố gắng này đã được người dân và doanh nghiệp cũng như các địa phương đồng tình ủng hộ.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) phát biểu ý kiến

Đã giảm thiểu các TTHC gây phiền hà

Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động về đất đai… Hiện nay, chúng ta đã hình thành hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận (GCN). Thống nhất cấp 1 loại GCN về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tạo điều kiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản chỉ phải làm thủ tục cấp GCN một lần tại một cơ quan nhà nước. Hồ sơ địa chính đã được xây dựng, quản lý thống nhất ở một đầu mối, khắc phục tình trạng nhiều cơ quan quản lý, đã giảm ít nhất 1/2 thời gian giải quyết các TTHC so với trước đây.

Ngoài ra, nhiều quy định mới đã được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức như trong việc xin cấp GCN và đăng ký biến động về đất như: bổ sung các thủ tục đăng ký biến động đối với tài sản mà trước đây chưa quy định; giảm thời gian xem xét cấp GCN lần đầu... Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ trong việc kiểm tra hồ sơ trước khi tiếp nhận để tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Các đại biểu cũng đồng tình với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về những hạn chế, bất cập như: Việc phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện các TTHC về đất đai và quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành của Nhà nước, điển hình như việc giao đất làm sân gôn, cho thuê đất trồng rừng. Ở nhiều địa phương chưa tuân thủ đúng quy định như: yêu cầu nộp thêm nhiều giấy tờ không cần thiết, trái quy định của pháp luật. Quy định cấp một GCN quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên thực tế cũng đã phát sinh những vướng mắc.

Theo Báo cáo giám sát, hiện nay, các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng (GPXD) đã được đơn giản hơn, việc thẩm định hồ sơ được thực hiện theo cơ chế "một cửa liên thông”. Tuy nhiên, đại biểu Tống Văn Thoóng (đoàn Lai Châu) cũng nêu vấn đề: Người dân luôn có mong muốn có đất, có nhà thì cũng phải có GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Nhưng thực tế, để có được những giấy tờ nói trên là hết sức khó khăn và còn nhiều bất cập. Đại biểu nêu ví dụ người dân đến xin GPXD được trả lời khu vực đó, phố đó chưa có quy hoạch nên chưa cấp phép. Cuộc sống đòi hỏi tồn tại và phát triển nên người dân vẫn phải tiến hành xây nhà để ở. Khi cơ quan chức năng kiểm tra đến thì lỗi vi phạm thuộc về dân. Những bất cập này là do vẫn đòi hỏi quá nhiều giấy tờ và mất quá nhiều thời gian.

Từ những vướng mắc trên, đại biểu Tống Văn Thoóng đề nghị cần tăng cường chất lượng chuyên môn cán bộ cơ sở đáp ứng công việc được giao; Nội dung cải cách hành chính ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện và công khai.

Giải trình thêm về các vấn đề đại biểu quan tâm trong lĩnh vực đất đai, Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên ghi nhận các ý kiến đã phản ánh xác đáng phản ánh đúng bức tranh về TTHC về đất đai ở các địa phương.

Luật Đất đai sửa đổi sẽ dành riêng 1 chương về cải cách TTHC

Phát biểu làm rõ thêm các ý kiến này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, Bộ đã tiến hành 5 đoàn đi tổng kết việc triển khai Luật Đất đai ở các địa phương, từ những tổng kết này, hiện Bộ đang chuẩn bị một dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, trong đó dành riêng 1 chương nói về cải cách TTHC liên quan đến việc quản lý sử dụng đất đai, trong đó quy định cụ thể về trình tự thủ tục giao đất, thuê đất, cấp GCN cho người  sử dụng đất, đăng ký sử dụng đất...

Về các thủ tục rườm rà phức tạp đại biểu nêu, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, hiện còn 85 thủ tục hành chính, trong đó cấp tỉnh 41 thủ tục, cấp huyện 33 thủ tục, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao 6 thủ tục và cấp xã 5 thủ tục. Bộ đã rà soát bước đầu thay thế 66 thủ tục bằng 54 thủ tục mới, sửa đổi bổ sung 18 thủ tục, bãi bỏ 2 thủ tục. Giảm được 52% chi phí, thời gian tới Bộ sẽ tiến hành giảm đến 30-50% thủ tục này.

Việc ban hành Nghị định 69/2009/NĐ- CP ra đời đã rút bớt 11 bước xin giao đất tương đương với 6 năm đến nay chỉ còn 1/3 thời gian. Thực tế 1 số dự án còn được rút ngắn nhiều hơn nữa. Cũng theo ông Nguyên, việc đăng ký làm thủ lần đầu trước đây là 55 ngày, nay rút ngắn còn 30 ngày. Việc cấp lại chỉ còn 20 ngày.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng cho biết việc cấp 1 loại giấy, 1 cửa, do 1 cơ quan cấp đã thực hiện ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Đến nay, theo thống kê đã cấp trên 65 vạn giấy...

(Theo Vietnamnet/VOV)