Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cải cách tiền lương xóa bỏ tình trạng "cào bằng", ngăn chặn "sân sau, biệt phủ"
Thứ năm: 14:18 ngày 10/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trả lời Báo điện tử Infonet về đề án cải cách tiền lương đang được Hội nghị Trung ương 7 bàn thảo, ĐBQH Bùi Văn Phương (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng, cải cách tiền lương sẽ song song với việc siết chặt quản lý các nguồn thu khác...

http://img.infonet.vn/w480/Uploaded/ngohuyen/2018_05_10/infonet_bui_van_phuong_1.jpg

ĐBQH Bùi Văn Phương: Chúng ta cũng không nên quá lo lắng chuyện nâng lương sẽ khiến cán bộ công chức giàu lên mà yên tâm nếu làm chặt nâng lương sẽ nghèo đi, không giàu như cũ đâu.

Hội nghị Trung ương 7 đang tiến hành bàn thảo đề án cải cách tiền lương. Là một ĐBQH, ông có thể chia sẻ quan điểm về nội dung này?

ĐBQH Bùi Văn Phương: Tiền lương hiện nay không phản ánh đúng sự cống hiến của người lao động mà theo "chủ nghĩa cào bằng”. Người ở lâu đương nhiên lương cao nhưng trên thực tế ở lâu chưa chắc cống hiến bằng người mới vào. Trong khi người trẻ bây giờ được học hành đào tạo cơ bản.

Theo tôi, cần thiết phải sắp xếp lại thang bảng lương. Nếu cứ giữ nguyên cách tính “cào bằng” như thế sẽ không động viên được sức trẻ sáng tạo, sự cống hiến. Trong khi một lượng lớn cán bộ “có thâm niên” đến cơ quan chỉ để ngồi chơi xơi nước hoặc như mọi người vẫn ví von “sáng cắp ô đi tối cắp về” thì cứ đến tháng lĩnh lương.

Với số lượng cán bộ công chức, viên chức khổng lồ như hiện nay, để thực hiện hiệu quả đề án, theo ông, việc tăng lương có nên tiến hành song song với việc tinh giản biên chế?

ĐBQH Bùi Văn Phương: Lâu nay người dân có thể hiểu không đúng về bộ máy công chức. Trên thực tế bộ máy công chức ăn lương nhà nước không nhiều mà chủ yếu nằm ở viên chức sự nghiệp tập trung ở hai lĩnh vực Y tế - Giáo dục.

Bởi vì  Nhà nước đang thực hiện chính sách bao cấp cho hai lĩnh vực này. Theo đó, nhà nước phải đầu tư từ xây bệnh viện, trường học và trả lương cho đội ngũ viên chức… người bệnh đi khám không mất tiền, trẻ em đi học cũng không phải đóng học phí.

Đấy chính là bao cấp lớn nhất mà nhà nước phải gánh chịu nhưng đấy cũng chính là tính ưu việt của chế độ.

Còn tổng số cán bộ công chức  trên cả nước chỉ sấp xỉ 600.000 người trên tổng số 4 triệu người hưởng lương ngân sách, như thế rõ ràng không nhiều. Lâu nay chúng ta  nói ngân sách giành 70% cho chi thường xuyên nhưng chi thường xuyên có tới 13 nội dung, trong đó có mục chi cho bộ máy hành chính quản lý nhà nước. Chứ hoàn toàn không phải như cách hiểu rằng chi 70% ngân sách cho nuôi bộ máy hành chính sự nghiệp.

Câu chuyện cải cách và tinh giản tới đây theo đúng tinh thần của Trung ương thì các đơn vị sự nghiệp sẽ thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhà nước không “nuôi” nhưng tùy điều kiện ở những vùng sâu vùng xa hoặc trẻ em loại nào thì Nhà nước sẽ tính toán để bao cấp.

Tôi cho rằng làm như thế các đơn vị công lập sẽ phải tự chỉnh đốn lại mình khi chịu sức ép cạnh tranh của cơ chế thị trường. Nếu không tự đổi mới chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng giảng dạy cũng như thái độ phục vụ thì các bệnh viện tư nhân, trường học dân lập sẽ chiếm lĩnh ưu thế. Điều này theo tôi là cần thiết, nhà nước chỉ bao cấp cho những đối tượng yếu thế, còn để như hiện nay là nhà nước đang bao cấp tràn lan.

Dù cách tính lương hiện nay theo ông và nhiều chuyên gia đánh giá là lương thấp, nhưng nhiều công bộc của dân vẫn có biệt phủ, siêu xe và có tiền cho con đi du học… Ông có lo ngại nếu lương tăng lên thì đối tượng này còn giàu hơn nữa hay không?

ĐBQH Bùi Văn Phương: Đó là thực tế mà ai cũng nhìn thấy. Nếu chỉ trông vào lương (người cao cũng chỉ hơn 10 triệu/tháng) thì làm sao có thể có biệt phủ, có xe sang... Nếu một cán bộ chỉ sống bằng lương và các khoản phụ cấp thì tích cóp cả đời may ra làm được nhà gọi là có chỗ ở chứ không thể làm như biệt phủ hay cung điện nguy nga.

Thế nhưng vì sao vẫn có những người làm được nhà to, xe đẹp, tài sản khổng lồ? Câu chuyện của chúng ta là kiểm soát các nguồn thu khác ngoài lương còn lỏng lẻo. Ai cũng biết tiền đưa đến cho những người có chức sắc ở đâu: Đó là từ các dự án đầu tư công, qua doanh nghiệp sân sau khai khống giá chia nhau;  từ phí “bôi trơn” thông qua những kẽ hở luật pháp... Những người thực thi công vụ đã lợi dụng kẽ hở đó để vòi doanh nghiệp nếu muốn lọt qua.

Vấn đề là đừng có lo ngại cải cách tiền lương xong thì cán bộ công chức giàu hơn nữa. Mà cải cách tiền lương sẽ song song với việc siết chặt quản lý các nguồn thu khác… thì người ta có tiền lương đủ sống sẽ không sinh ra chuyện nhũng nhiễu. Đồng thời siết chặt cơ chế kiểm soát thì cũng chẳng thể vòi được, còn đâu mà vòi, muốn vòi cũng không vòi được…

Vì thế xét trên mặt bằng chung, phải cải cách tiền lương để đảm bảo sức lao động mà người lao động bỏ ra theo sự đóng góp của mỗi cá nhân. Nhưng song song với đó là cơ chế kiểm soát chặt chẽ các thu nhập khác ngoài lương.

Đó là những nhiệm vụ phải làm rất đồng bộ. Chúng ta cũng không nên quá lo lắng chuyện nâng lương sẽ khiến cán bộ công chức giàu lên mà yên tâm nếu làm chặt nâng lương sẽ nghèo đi, không giàu như cũ đâu. Kẽ hở kia mà làm chặt thì còn đâu mà vòi vĩnh!

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Infonet

Tin cùng chuyên mục