Thời Sự - Chính trị   Xây dựng Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cái làm nên uy tín của người đảng viên 

Cập nhật ngày: 16/07/2023 - 23:51

BTN - Thái độ và tinh thần đối với chủ trương đổi mới là thước đo phẩm chất, năng lực, vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên.

Trong một bài viết từ những năm 90 của thế kỷ XX, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- tác giả cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, lúc này chưa giữ trọng trách người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đã sớm nhận thấy và chỉ ra rằng, để có uy tín trong nhân dân, người đảng viên phải có thái độ đúng đắn. Thái độ và tinh thần đối với chủ trương đổi mới là thước đo phẩm chất, năng lực, vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên.

30 năm qua, điều kiện đất nước, xã hội khác trước rất nhiều, nhưng nói rằng “xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức và con người” thì những điều Tổng Bí thư nhận thấy và chỉ ra trong bài viết cho đến nay còn tính thời sự, thậm chí nóng bỏng hơn cả thời điểm, bối cảnh những năm đất nước mới bắt đầu công cuộc đổi mới.

Không được lợi dụng lòng tin của nhân dân.

Tác giả viết, đã một thời gian dài, người cộng sản chiếm được uy tín tuyệt đối trong nhân dân. Dưới mắt của nhiều người, người cộng sản là một mẫu mực tuyệt vời, một con người rất đẹp, đáng yêu, đáng phục. Người cộng sản gần như đồng nghĩa với chủ nghĩa anh hùng, với sự kiên cường bất khuất, hết lòng hết sức chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Đã có biết bao cuốn sách, biết bao bài thơ ca ngợi hết lời phẩm chất và khí phách của người cộng sản. Phương châm sống và hành động của mọi người, nhất là của thanh niên, là: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương những người cộng sản!”...

Thế mà những năm gần đây, hình ảnh người cộng sản dường như không còn sức hấp dẫn, dưòng như đã bị phai mờ. Đối với lớp người lớn tuổi đã từng chiến đấu hy sinh hoặc đã từng sống những tháng năm khắc nghiệt của cuộc đấu tranh quyết liệt, hình ảnh người cộng sản dường như chỉ còn là một vầng hào quang, một ký ức hoặc một giấc mơ đẹp. Đối với những thanh thiếu niên mới lớn, hình ảnh người cộng sản dường như quá xa xôi, lạ lẫm.

“Vì sao như vậy? Vì sao chỉ một thời gian ngắn mà uy tín của người cộng sản giảm sút nhanh như vậy”- tác giả đặt vấn đề. Và luận giải, nêu cụ thể từng nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất, sâu xa nhất, chính là ở bản thân đội ngũ đảng viên.

Trước bước phát triển mới của cách mạng, bên cạnh số đông đảng viên vững vàng, không bị đồng tiền và danh vọng cám dỗ làm hoen ố phẩm chất, có một bộ phận đảng viên đã không giữ được vai trò tiên phong, gương mẫu của mình, tự thủ tiêu vai trò của mình, thậm chí có một số người thoái hoá, hư hỏng, không còn xứng đáng với tư cách và danh hiệu đảng viên.

Có những người mang danh cộng sản hoặc nhân danh cộng sản, lợi dụng uy tín của Đảng, lợi dụng lòng tin của nhân dân đối với Đảng để làm những điều xấu xa, trái với đạo lý, làm hại uy tín của Đảng. Có người vốn dĩ là đảng viên cộng sản đã từng xông pha trong lửa đạn, sống chết với dân, được dân nuôi, dân che chở nhưng nay trở thành người có chức, có quyền, bị đồng tiền, danh lợi cám dỗ, họ sớm quên đi những năm tháng đồng cam cộng khổ với dân để rồi sống xa dân, vô trách nhiệm với dân, tự biến mình thành “quan cách mạng”, lộng quyền, tham nhũng, sống phè phỡn, đè đầu cưỡi cổ dân... Chính những người này đã làm hại thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng.

Công cuộc đổi mới đòi hỏi Đảng phải tự đổi mới mình, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Muốn thế, Đảng phải ra sức củng cố đội ngũ của Đảng, nâng cao vai trò, trách nhiệm và uy tín đảng viên.

Trước kia, người đảng viên cộng sản sống và hành động theo đạo lý “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Họ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống gia đình êm ấm, hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình, dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, thậm chí sẵn sàng lên máy chém, ra trường bắn, vui vẻ chết vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân.

Và vì thế họ có uy tín lớn. Có thể nói đó là mẫu hình người cộng sản của giai đoạn trước. Còn trong giai đoạn hiện nay, mẫu hình người cộng sản thế nào? Cái gì thể hiện vai trò tiên phong của người cộng sản, cái gì tạo nên uy tín đảng viên? Lâu nay Đảng ta vẫn thường chỉ rõ, đảng viên phải là người tiêu biểu cho những phẩm chất cách mạng tốt đẹp nhất của giai cấp công nhân, là mẫu mực của con người mới xã hội chủ nghĩa.

Đảng viên là người chiến sĩ tiên phong, có nghị lực cách mạng và tinh thần trách nhiệm cao nhất, phấn đấu thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, đóng góp tích cực nhất cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Điều lệ Đảng và nhiều nghị quyết của Đảng đã chỉ ra những nhiệm vụ, những đòi hỏi đối với người đảng viên. Nhưng vấn đề đặt ra là trong công cuộc đổi mới hiện nay, những yêu cầu đó cần được cụ thể hoá như thế nào? Làm thế nào để phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, củng cố được uy tín của Đảng?

Đảng viên phải có thái độ đúng đắn

Đảng viên phải tích cực đối với công cuộc đổi mới, đi đầu thực hiện đổi mới, kiên định lập trường cách mạng, trung thành với lý tưởng cộng sản, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, vững vàng, không dao động trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào.

Đổi mới là một yêu cầu khách quan, là đòi hỏi nghiêm ngặt của thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta nhằm nhận thức đúng hơn về chủ nghĩa xã hội, khắc phục những mặt trì trệ, đẩy nhanh quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách hợp quy luật, đạt hiệu quả cao, củng cố và tăng cường chủ nghĩa xã hội.

Trách nhiệm và nghĩa vụ của đảng viên là nhất trí với đường lối, chủ trương của Đảng, bằng mọi cách phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, đưa sự nghiệp đổi mới của nước ta đi đến thắng lợi. Cả lý luận và thực tiễn xưa nay đều chứng minh rằng, đảng cách mạng chân chính phải bao gồm những người đồng tâm nhất trí, đoàn kết thống nhất, không thể có tình trạng đảng viên của Đảng lại không tán thành đường lối, quan điểm của Đảng, không thực hiện nghị quyết của Đảng. Thái độ và tinh thần đối với chủ trương đổi mới là thước đo phẩm chất, năng lực, vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên.

Tác giả cuốn sách, tại thời điểm đó đã tỉnh táo, nắm chắc quy luật của sự phát triển, ông viết: “Đổi mới là một quá trình, là một cuộc vận động cách mạng có rất nhiều phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có định hướng đúng và có bước đi vững chắc, không thể nóng vội, giản đơn, cực đoan.

Thực tế ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới cho thấy, đổi mới không thể tiến hành một cách chủ quan, bất chấp quy luật, bất chấp những nguyên tắc đã được thử thách. Trong đổi mới có thể xảy ra những xáo trộn, mất ổn định, thậm chí rối loạn ở bộ phận này hay bộ phận khác nhưng trên toàn cục, ở những nét cơ bản thì phải ổn định. Trong đổi mới không tránh khỏi những vấp váp, sai lầm”.

Tác giả viết tiếp, thái độ đúng đắn của người cộng sản là phải bình tĩnh, tỉnh táo, không hốt hoảng bi quan, không hoang mang dao động. Người cộng sản hơn quần chúng bình thường chính là ở chỗ, vào những lúc khó khăn thử thách, họ luôn luôn vững vàng, kiên định lập trường cách mạng, giữ vững nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội.

Lúc này, hơn ai hết, người cộng sản phải kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ lý tưởng và sự nghiệp của Đảng, bảo vệ lợi ích của nhân dân, giữ gìn tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, ủng hộ những nhân tố mới đúng đắn, phê phán và đấu tranh với những biểu hiện mơ hồ, cực đoan, thiếu cảnh giác với những âm mưu và thủ đoạn phá hoại của kẻ thù.

Chính lúc này là lúc thử thách sự kiên định, bản lĩnh, lòng trung thành của mỗi đảng viên, kiểm nghiệm những nhận thức quan điểm, ý thức tư tưởng của mỗi người cộng sản: đổi mới hay bảo thủ, vững vàng hay dao động, nhiệt thành xây dựng hay cơ hội chủ nghĩa... Các tổ chức đảng có thể qua đây xem xét, sàng lọc, xốc lại đội ngũ của mình.

Mác và Ăng-ghen xác định: “Chỉ có những người chứng minh bằng cả cuộc đời mình sự trung thành với lý tưởng cộng sản, tích cực đấu tranh để thực hiện lý tưởng đó, nghiêm túc phục tùng kỷ luật thống nhất của Đảng, mới có thể là đảng viên”. Lênin cũng khẳng định: “Chỉ có đảng cộng sản nếu nó thực sự là đội tiên phong của giai cấp cách mạng... nếu nó gồm tất cả những chiến sĩ cộng sản người hoàn toàn có ý thức và trung thành, có học vấn, được giáo dục và được tôi luyện bằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng bền bỉ”.

Việt Đông

(còn tiếp)