Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cái tết đầu tiên trên vùng quê nghèo biên giới
Thứ bảy: 13:29 ngày 03/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thoáng cái đã hơn nửa đời người. Những kỷ niệm như vừa mới đây thôi, vậy mà đã ba mươi năm kể từ cái tết đầu tiên xa nhà đến vùng biên giới Bến Cầu.

Cầu Bến Đình.

Tốt nghiệp đại học, tháng 9.1987, nhóm chúng tôi hai mươi bốn đứa nhận quyết định phân công về Tây Ninh công tác. P và tôi tình nguyện về huyện biên giới Bến Cầu. Lần đầu tiên trong đời tôi được ngồi trên chiếc xe Toyota 12 chỗ của UBND huyện (xe lên tận Sở Giáo dục đón các thầy cô mới).

Con đường từ Gò Dầu về Bến Cầu trải đá xanh, to bằng nắm tay, ngồi xe ô tô mà người cứ nẩy lên liên tục. Sát 2 bên mép đá lề đường là đường mòn nhỏ, những chiếc xe Honda 67 ngược chiều chở đầy thuốc lá ngoại nối đuôi nhau lao vun vút. Anh T ở Văn phòng UBND huyện cùng ngồi trên xe niềm nở hỏi thăm, động viên tôi: “Bến Cầu còn nghèo lắm, thiếu thầy, thiếu thợ.

Các thầy về đây với huyện tụi tôi quý lắm, rồi sẽ quen, các thầy sẽ gắn bó với Tây Ninh thôi”. Lời tâm sự của người Tây Ninh đầu tiên tôi tiếp xúc không ngờ là... định mệnh. Lúc nhận quyết định về Tây Ninh, tôi chỉ nghĩ sau 3 năm công tác, mình sẽ về với mẹ, dạy học ở quê mình, đó là niềm mong ước lớn lao mà trước khi tôi lên tàu vào Nam, mẹ tôi đã gạt nước mắt dặn dò.

Những ngày đầu tiên trên bục giảng, học trò của tôi ngơ ngác vì không nghe được tiếng nói của thầy. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi nghĩ có nên nói giọng Nam bộ hay giữ nguyên cái giọng trầm nặng miền Trung cha sinh, mẹ đẻ? Cuối cùng, tôi đã đi đến quyết định giữ lại giọng nói quê mình, đây là thử thách ban đầu tôi phải vượt qua.

Rồi chỉ thời gian ngắn sau, thầy trò cũng nghe, hiểu được nhau. Kiểm tra bài vở trong tập, thấy các em ghi chép đầy đủ, tôi mừng thầm trong bụng. Trong những năm ở Bến Cầu, cũng vì giọng nói của mình mà tôi gặp nhiều chuyện cười ra nước mắt, có lúc cũng thấy đụng chạm lòng tự trọng.

Trường THPT Nguyễn Huệ năm 1987 là ngôi trường cấp 2-3 đang xây dựng dở dang, không có khu tập thể. Tôi và P được phân ở chung một phòng trong dãy nhà của công nhân xây dựng. Căn phòng mái tranh, vách đất và bồ đã hư hỏng.

Tôi còn nhớ như in, một buổi chiều chủ nhật cuối năm, sân trường vắng lặng, khu tập thể không một bóng người, tôi ôm chiếc đàn guitar mà thẫn thờ không đánh nổi một âm thanh. Anh H- Bí thư Huyện đoàn Bến Cầu dừng chiếc xe đạp trước cửa phòng nhìn tôi, rồi nói: “Hay cậu về ở với mình, đừng ngại gì cả, nhà rộng lắm”.

Từ chối lời đề nghị chân tình yêu thương thật không dễ, tôi cứ thấy áy náy vô cùng, nhưng để thử thách, rèn luyện mình, tôi đành làm một người tốt như anh phải buồn lòng.

Cánh đồng bông súng.

Đêm những ngày cuối năm, trời se lạnh. Hai đứa tôi không một mảnh chăn, gió cứ hun hút từ phía cánh đồng thổi lòn qua vách, những tấm bản đồ che gió bị thổi tung. Cuối dãy nhà có anh bảo vệ công trình quê ở miền Tây cũng không ngủ được, anh ôm chai rượu đế gọi cửa phòng tôi.

Lát xoài xanh chấm nước mắm, chuyền nhau ly rượu lạt mà ấm lòng. Nhưng sao vẫn không vơi được nỗi nhớ nhà. Buồn, rồi cảm hứng thành thơ: “Bến Cầu gió lạnh không mền đắp/ Rượu uống mềm môi vẫn thấy thèm”.

Bến Cầu những năm đó còn nghèo, người dân lam lũ, vất vả. Chiều ba mươi tết, những người làm thuê, làm mướn, “chẻ” hàng vội vã đạp xe từ cửa khẩu Mộc Bài về Bàu Gõ, trên xe đạp có móc miếng thịt heo, mớ bánh ú, vài lít nếp. Không khí tết ở huyện biên giới nghèo mới thoát khỏi chiến tranh buồn chi lạ.

Giáo viên lúc đó chẳng có chế độ gì ngoài mười sáu ký gạo của tháng sau được nhận trước. Các thầy cô khác đều về quê, về nhà người thân ở Sài Gòn, Đồng Nai. Tôi ở lại một mình trong dãy nhà tranh, các phòng đều xiêu vẹo, nghiêng về một hướng.

Tôi cũng chuẩn bị tết với gạo một lu, chao hai hũ, nước mắm một chai, rau muống vài bó. Có cả nồi thịt kho do một chị bán thịt heo ở chợ thương tình thầy giáo nghèo xa quê, lặng lẽ đến móc vào ghi đông xe đạp của thầy. Chiều ba mươi tết, học trò lớp chủ nhiệm chạy đến nói, ba má kêu đón thầy ra uống ly rượu cuối năm.

Nhà gần trường nên học trò cứ chạy qua chạy lại mời thầy nhiều lần. Tôi vội giấu nước mắt, xin lỗi các em và gửi lời cám ơn ba, mẹ, thầy không thể nào đi được... Nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ bao trùm hết suy nghĩ của tôi.

 Đêm giao thừa, nằm một mình trong dãy nhà tranh trống vắng, tôi như nghe tiếng gọi của cha, tiếng thì thầm của mẹ, nghe cả mùi hương trầm bay thoang thoảng... Những kỷ niệm tết quê cứ đong đầy. Ở nơi ấy, tôi biết mẹ tôi đang khóc vì nhớ con, em trai tôi cũng đang trông ngóng anh về, và cha thì chắc lặng lẽ không nói nên lời. Miên man suy nghĩ, tiếng gọi của L đánh thức tôi: “Thầy ơi, giao thừa rồi! Em cắm dây pháo vào đống đá mi trước cửa phòng đốt nhen”.

Sáng mồng một, biết thầy buồn, L và H đến sớm, thập thò trước cửa... Chúng mang bánh tét đến thăm thầy. Sáng mồng ba, học trò đến thăm rồi cùng mang bánh tét ra ăn. Không khí cái tết đầu tiên xa nhà nơi biên giới Tây Nam không thể nào quên đối với tôi. Thoáng chốc đã ba mươi năm rồi, Tây Ninh đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.

Chiều cuối năm về lại Bến Cầu, dự đám cưới con của L- đứa học trò ba mươi năm trước thập thò mang pháo sang đốt và mang bánh tét cho thầy. Nay em đã làm sui, mấy đứa trong lớp tôi chủ nhiệm hồi đó, nay cũng đã làm ông, làm bà...

 Con đường nhựa phẳng phiu từ trạm dừng chân Minh Anh rẽ về Bến Cầu miên man gió thổi. Hai bên cánh đồng nở đầy bông súng, đàn cò trắng vội bay lên khi có người dừng lại. Phong cảnh làm tôi nhớ đến cánh đồng Đìa Xù- Bến Cầu cuối những năm tám mươi, những lúc nhớ nhà, tôi thường đạp xe ra bờ kênh Đìa Xù tìm tĩnh lặng giữa đất trời.

Bến Cầu nay đã thay da đổi thịt, thị trấn vùng biên đang vươn mình đứng dậy. Nhìn ngôi trường mới bề thế, khang trang, cổng trường sừng sững, tôi vẫn nhớ, vẫn thương mái nhà tranh khu tập thể lụp xụp năm nào. Cầm ly bia, ly rượu ngoại các em mời thầy hôm nay, thầy giáo cũ vẫn thẫn thờ nhớ về những ngày xưa cũ, nhớ cái tết xa quê trên vùng biên giới nghèo nhưng nghĩa tình sâu nặng.

   Nguyễn Văn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục