Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cấm dịch vụ đòi nợ vì lo biến tướng thành băng nhóm tội phạm
Thứ tư: 09:32 ngày 27/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong 2 phương án, Ủy ban TVQH trình việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì có tình trạng lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Chiều 26/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Với nội dung chính sách về đầu tư kinh doanh, ông Thanh cho biết quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đã tính đến yếu tố quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, nội dung về bảo đảm quốc phòng, an ninh còn được quy định ở các điều, khoản khác của dự thảo luật.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện về quốc phòng, an ninh và bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn.
Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

Phương án 1, giữ quy định như dự án luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua, dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.


Dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm. Ảnh minh họa: PLO.

Phương án 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình nội dung không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6, mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý Nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

Về việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh "bào thai" để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề “Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người” tại điểm đ khoản 1 Điều 6.

Với lần sửa đổi này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về ưu đãi đầu tư theo hướng quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng, như áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án, nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi...

Dự thảo cũng bổ sung hình thức ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Nguồn Zing

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục