Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhật ký của một gia đình “F0”:
Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy…
Chủ nhật: 23:06 ngày 05/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày nào cũng nghe tụi nhỏ khoe bà cho con ăn ngon lắm. Con gái sau 14 ngày lên hẳn 2kg. Con trai khoe, đêm qua còn được ông bà gọi dậy cho xem trực tiếp truyền hình bóng đá vòng loại 3 World Cup, trận Việt Nam gặp Saudi Arab.

Trong phòng cách ly F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ.

Ðầu tháng 8.2021, các tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đã hơn mười ngày, Thành phố Hồ Chí Minh đã là tâm dịch ở miền Ðông Nam bộ. Trong số bốn tỉnh giáp ranh Thành phố, quê ngoại Tây Ninh có số ca nhiễm bệnh thấp nhất.

Tuy vậy, đã hơn hai tháng gia đình nhỏ của mình không được về thăm quê ngoại. Bởi lẽ nơi mình ở, quận Gò Vấp vốn là nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên trong Thành phố. Nghe đâu từ ngày 5.8, quận này bắt đầu tiêm vaccine cho tất cả mọi người dân từ 18 tuổi trở lên…   

Ngày 4.8: - Con trai Ruby bắt đầu sốt. Trước đó 1 ngày nghe Ruby ho vài tiếng, cứ ngỡ là do con mở máy lạnh, lại còn mở quạt quạt thẳng vào mặt nên bị viêm họng. Ði bộ ra tiệm thuốc gần chung cư mua thuốc cho con. Ði đường mang khẩu trang, kính chống giọt bắn cẩn thận, ra nhà thuốc cũng không dám đứng gần ai, mua xong về ngay.

Ngày 5.8: - Tới phiên con gái Candy bị sốt, chắc là lây từ anh hai Ruby, đi mua thuốc lần nữa thôi.

Ngày 6.8: - Chồng kêu hơi đau họng, sốt, vợ cũng bắt đầu đau họng nên lại đi mua thuốc. Ra tiệm thuốc cũng cẩn thận lắm, còn hỏi anh dược sĩ có khi nào dính Covid không, sao cả nhà đều bệnh cùng lúc? Dược sĩ hỏi lại có đi đâu, làm gì không? Trả lời, chồng em làm việc online hai tháng nay rồi, em chỉ đi loanh quanh siêu thị, Co.opfood mua đồ này nọ thôi.

Anh nói chắc không phải, tạm yên tâm quay về. Về nhà, thấy Ban quản lý chung cư thông báo căn A10.5 cách A10.9 nhà mình mấy căn bị Covid, bắt đầu cảm thấy hoang mang vì hộ A10.5 bán trà sữa, vài hôm trước chồng có sang mua đem về nhà uống.

Ngày 7.8: - Lên Trạm Y tế phường 14 xin xét nghiệm, test nhanh dương tính cả hai vợ chồng, sau đó làm luôn cái xét nghiệm Realtime PCR. Y tế phường kêu về nhà cách ly chờ. Ði thẳng về nhà đóng cửa, nhắn tin nhờ chị bạn trong chung cư mua giùm thuốc hạ sốt, gạo, đồ ăn này nọ với tư thế chuẩn bị đi cách ly.

Ngày 8.8: - Nhắn tin Trạm trưởng Trạm y tế hỏi kết quả PCR. Ðiều không mong cũng đến. Vợ chồng đều dương tính, BQL chung cư test nhanh 2 đứa nhỏ đều dương tính. Quá sợ, không dám gọi điện về nội, về ngoại.

Ðêm 8.8, đăng facebook: “Ờ, F0 thôi mà, cố lên tôi ơi! Cả nhà sẽ cùng nhau vượt qua. P/s: Rất xin lỗi những người quen, bạn bè mình đã từng tiếp xúc, dù luôn tuân thủ 5K”. Tự trấn an như vậy để không hoảng hốt.

Nửa đêm, ông bà ngoại gọi điện thoại, bà lo lắng mếu máo, ông tỉnh táo hơn, chúng mày dính hết có khi rủi mà may, đi cách ly thì đi cả nhà, không thì gửi cháu cho ai… Cùng lúc có chị Linh, bạn của cô giáo dạy tiếng Nhật bên Trường Ðông Du hồi trước, gọi điện hướng dẫn cách tập thở, các tư thế nằm, ngồi để bảo vệ phổi và kêu mua liền cái máy đo nồng độ oxy SpO2. Lập tức đặt mua máy Sp02 ở nhà thuốc, dặn sáng sớm ship hàng nhanh.

Ngày 9.8: - Trạm y tế phường xuống xét nghiệm hai đứa nhỏ. Ngỡ còn lâu, ai dè 16 giờ kém 15 phút, Trạm lại đến báo kết quả đồng thời hốt cả nhà vô khu cách ly.

Facebook ngày 9.8: “Cứ đinh ninh mai mới bị hốt đi, ai dè bị hốt nhanh như một cơn gió. Không sao, I am fine!!! P/s: Gia đình em sẽ quay lại và mạnh khoẻ”. Không ngờ, mấy câu “còm” ngắn ngủi, lại nhận được tới trăm mấy lời động viên phấn đấu chống dịch...

16 giờ có mặt ở khu cách ly liên phường, là một trường tiểu học ở ngay phía sau chung cư. Ngồi chờ một lát, mấy em tình nguyện viên dẫn lên nhận phòng sau khi phổ biến nội quy khu cách ly: không được mang thuốc, gừng, sả vào…

Chồng rinh đồ lên lầu 2 hơi bị nhiều nên bắt đầu mệt, phải một lúc lâu mới đỡ. Khu cách ly bố trí bệnh nhân tầng 2, có triệu chứng lâm sàng ở tầng trệt. Còn bệnh nhân tầng 1, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ lại ở lầu 1, lầu 2.

Ngày 10.8: - Chồng đỡ mệt hơn, nhưng con trai Ruby thì ho rất nhiều, vẫn sốt. Cả nhà ăn uống sinh hoạt lòng vòng trong phòng, đồ ăn có cô chú Bình và cô con gái cùng cách ly chung phòng xuống tầng trệt lấy giúp. Sáng 8 giờ có đồ ăn sáng, trưa 12-12 giờ 30, chiều 18 giờ có cơm kèm nước suối đóng chai.

Ngày 11.8: - Tối qua con trai ho nhiều, sáng trông rất mệt và sốt, đi vệ sinh cách phòng ở vài căn mà phải nghỉ mấy bận. Gọi số y tế rồi dẫn xuống chỗ bác sĩ khám, cho thuốc hạ sốt, dặn mai xuống khám lại coi có phải uống kháng sinh không.

Vừa đưa Ruby lên phòng thì chồng kêu mệt, báo SpO2 có 90% và nói xuống bác sĩ khám coi sao. Vị bác sĩ đứng tuổi, tên Bảo, dùng ống nghe khám phổi xong nói với anh bác sĩ trẻ: “Anh này tình trạng giống ông hồi nãy, phổi có dấu hiệu đông đặc”.

Nghe mấy lời đó mà sợ quá trời quá đất. Khám xong, bác sĩ cho bệnh nhân chuyển luôn vô phòng cấp cứu thở oxy. Lát sau thấy chồng có vẻ ổn, hỏi khoẻ chưa, chồng gật đầu và bảo vợ lên lầu 2 lo cho hai đứa nhỏ.

Ngày 12.8: - Sáng sớm xuống phòng cấp cứu, chồng nói mới đi vệ sinh vô mệt lắm, không chịu nổi. Bác sĩ đến khám cho thở oxy tới mức 5 nhưng SpO2 cũng chỉ 92%-93%. Bác sĩ bảo bệnh nhân không được tự đi vệ sinh nữa, cái gì cũng làm tại giường, không được bỏ ống oxy ra.

Mình nhắn tin cho chị bạn bên chung cư nhờ mua giúp ít dụng cụ vệ sinh nhưng không có nên phải mua bịch tã người lớn gửi vô. Ðến chiều lên phòng bệnh nhẹ, nhờ cô chú Bình nhắn tin cho người nhà mua được bộ dụng cụ vệ sinh nằm gửi vô, mừng hết biết. Tối gửi gắm cô chú trông giùm hai đứa nhỏ để xuống tầng trệt chăm chồng. Không dám để chồng qua đêm một mình trong phòng cấp cứu nữa.

Ngày 13.8: - Con trai đã khoẻ, con gái và mẹ vẫn bình thường như không bệnh hoạn gì cả, nhưng tình trạng chồng ngày càng nặng, ho rất nhiều, mỗi lần ho là mặt mũi tím tái nhàu nhĩ nhìn tội lắm.

Hỏi bác sĩ Bảo có thuốc gì đỡ ho không, bác nói là bệnh này phải ho, ho để tống đàm ra ngoài cho phổi thông thoáng, đặc biệt là không được nằm nhiều, nằm nhiều cái phổi sẽ tiêu luôn. Cứ ho là phải có người vỗ lưng nhiều vô cho tống đàm ra, rồi bác chỉ cách vỗ lưng.

Mỗi lần bác sĩ vô phòng thấy bệnh nhân nào nằm là sẽ la, càm ràm suốt, đến khi ngồi lên mới thôi. Rồi bác đi đo SpO2 cho từng người, ai SpO2 thấp bác dạy tập thở cho SpO2 tăng lên, rồi chỉnh dây mask thở cho từng người sao cho thoải mái và hít được oxy nhiều nhất.

Với những bệnh nhân nặng không có người thân bên cạnh, bác sĩ điện về y tế phường bảo kiếm người thân là F0 nhẹ hốt lên để chăm sóc. Trong thời gian chờ người thân đến, bác sĩ để ý chăm mấy người đi một mình rất kỹ, kể cả khi bệnh nhân đi vệ sinh bác cũng đi theo.

Một chị chung phòng bị nặng mà không có người thân kể, làm như ở trong phòng bác sĩ có camera, hễ chị đi vệ sinh là thấy bác đi theo trông chừng. Quả thật, bệnh nhân Covid rất cần người kề cận hỗ trợ chăm sóc tích cực để giành lấy cơ may sống còn.

Ngày 14.8: - Tình trạng chồng ngày càng nặng, mức oxy nâng dần lên 6, 7, 8 rồi 9 luôn, mà thở vẫn rất mệt. Ðã vậy do uống kháng sinh bị tiêu chảy nữa. Ngủ cũng không được nhiều vì phòng cấp cứu rất đông, cán bộ y tế, tình nguyện viên và bệnh nhân ra vô liên tục.

Chồng chỉ ăn được cháo mà hộp cháo bé xíu phải chia ra ăn 3 lần, mỗi lần ăn phải tháo ống oxy ra, đút lia đút lịa được một phần ba hộp cháo là gắn oxy vô để thở, thở cả 10 phút sau mới ăn tiếp được.

Mấy ngày sau, vợ gần như “bám trụ” luôn ở phòng cấp cứu, “khoán trắng” hai con cho vợ chồng chú Bình và cô con gái. Ruby và Candy không được nằm chơi iPad suốt mà phải theo giờ giấc ông bà quy định đàng hoàng, lại được chị gái con cô chú hướng dẫn tập thể dục, tập thở và dẫn đi vệ sinh, tắm rửa và giúp đỡ việc ăn uống rất chu đáo.

Ði cách ly điều trị Covid mà gặp được đồng hương thật may mắn nào bằng. Chú Bình cũng là dân gốc Tây Ninh. Hai ông bà thật hiền và phúc hậu. Ngày nào mình cũng chỉ chạy lên được chút xíu thăm hai đứa nhỏ rồi gửi gắm cô chú. Nhờ vậy hai con có vẻ khoẻ hơn rất nhiều, gần như không có bệnh.

Ngày 17.8: - Hôm nay nhờ được chị bạn bên chung cư nấu ít yến sào chưng đường phèn, hạt sen cho chồng bồi dưỡng. Bà chị nhà có yến thô, ngồi nhặt lông rồi chưng gửi vô. Ðối với bệnh nhân, ngày nào bác sĩ cũng khám phổi, cho uống thuốc kháng viêm, kháng đông ngày hai cữ sáng, chiều. Vừa thở oxy vừa vỗ lưng các kiểu.

Ngày 18.8: - Sáng, bác sĩ khám nói bệnh tình trạng chồng khả quan hơn rất nhiều, phổi khoẻ rồi, bắt đầu giảm oxy để chuẩn bị cai oxy. Nhưng đến tối bác sĩ đo nhiệt độ thì phát hiện chồng bị sốt. Bác có vẻ băn khoăn sao phổi đã ổn rất nhiều rồi mà lại bị sốt, dự định cho chồng chuyển sang bệnh viện Gò Vấp.

Mình lo quá, gọi điện cho ông anh họ bên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, anh bảo yên tâm khi nào chuyển viện báo anh chạy qua tìm cách giúp đỡ. Ðêm đó mưa giông lớn kinh khủng, xem báo mạng thấy đưa tin TP. Hồ Chí Minh có mưa đá hạt to bằng ngón tay cái. Chờ tới nửa đêm bệnh viện báo vẫn chưa có giường. Ngủ thôi, không chờ nữa.

Ngày 19.8: - Sáng chồng lại sốt 39 độ, bác sĩ cho uống thuốc hạ sốt. Ðến chiều thì sốt có giảm, vẫn chưa nghe bệnh viện báo có giường để chuyển viện. Buổi chiều hai đứa nhỏ lại có danh sách hết cách ly, được về nhà vì kết quả xét nghiệm hai đứa hai ngày trước âm tính.

Thật khó xử vì ba mẹ chúng vẫn chưa âm tính. May sao gia đình cô chú Bình ở cùng phòng cũng có danh sách về. Cô Bình nói để cô chú đưa hai đứa nhỏ về nhà cô chăm giúp cho vài bữa, khi nào vợ chồng con được về thì qua đón hai cháu, nhà cô chú cũng không xa chung cư. Nghĩ tới nghĩ lui hai vợ chồng đành quyết định cho hai đứa nhỏ theo về ở nhà cô chú.

Ngày 20.8: - Hôm nay chồng hết sốt, bác sĩ nói, thôi không chuyển viện nữa, ở lại bác điều trị tiếp, cho uống thuốc 1 tuần, nếu sốt lại là bác “bấm nút” cho đi luôn.

Ngày 25.8: - Tình hình là chồng không sốt lại, bác sĩ nói phổi không còn bị gì hết. Bác nói xét nghiệm hai vợ chồng nếu âm tính, CT lớn hơn 30, cai oxy ổn bác cho về. Lúc này, bác hạ xuống cho chồng thở oxy mức 3 thôi. Ăn uống hay vệ sinh có thể bỏ ống oxy ra đi được, nhưng vẫn mệt và phần trăm SpO2 còn bị tụt.

Ngày 26.8: - Bác sĩ cho xét nghiệm lại, nói OK, sắp về được rồi. Vợ chồng mừng khấp khởi.

Ngày 27.8: - Bác sĩ khám bảo vẫn còn viêm phổi nhẹ, cần phải ở lại thêm vài bữa, đồng thời bác cho toa nhờ mấy em tình nguyện viên mua thuốc vô uống tiếp vì loại kháng sinh này khu cách ly không có.

Ngày 30.8: - Mấy hôm nay chồng bỏ oxy ra được nhiều hơn, đi dạo vòng vòng trong phòng rồi ra sân. Buổi sáng được cho lên lầu 1, tầng điều trị bệnh nhẹ. Lên đây yên tĩnh ngủ nghỉ thoải mái nên chồng khoẻ lên nhiều. Bác sĩ cho lấy máu xét nghiệm lại, nếu ổn thì cho về.

Ngày 1.9: - Buổi trưa có danh sách khám sức khoẻ. Sau khi khám, bác sĩ cho về, thế là cám ơn bác rồi hí hửng dọn đồ về.

Facebook chiều 1.9: “Tèng téng teng, hai vợ chồng được về nhà rồi nha. Tối nay được nằm trên cái giường êm ái của mình rồi”.

Facebook 3.9: “Vui quá là vui. Hôm nay gia đình mình chính thức đoàn tụ, hai bạn nhỏ đã được cô chú Bình đưa đi xét nghiệm sau 14 ngày cách ly tại nhà cô chú có kết quả âm tính và đưa về chung cư “trả con” cho bố mẹ chúng.

Nhà mình đã chiến thắng “cô Vy”, dù cũng bị hành “lên bờ xuống ruộng” lắm. Chân thành cảm ơn cô chú rất nhiều, không bà con thân thuộc gì nhưng cô chú đã chăm hai đứa nhỏ để mẹ chúng an tâm chăm bố bệnh nặng.

Ngày nào cũng nghe tụi nhỏ khoe bà cho con ăn ngon lắm. Con gái sau 14 ngày lên hẳn 2kg. Con trai khoe, đêm qua còn được ông bà gọi dậy cho xem trực tiếp truyền hình bóng đá vòng loại 3 World Cup, trận Việt Nam gặp Saudi Arab.

Cảm ơn quý bác sĩ, nhân viên y tế, các bạn tình nguyện viên ở phường đã hết lòng hết sức ngày đêm chăm sóc bệnh nhân. Cả khu cách ly liên phường chỉ có hai bác sĩ, năm sáu nhân viên y tế và tình nguyện viên mà phải chăm mấy trăm bệnh nhân, vất vả không kể xiết...”.

Ngày 3.9: - Giờ thì gia đình nhỏ đã vượt qua cửa ải sinh tử, cả bốn F0 đều khỏi bệnh và có đủ kháng thể để miễn nhiễm Covid gần cả năm nữa dù không kịp tiêm vaccine theo lời kêu gọi của bác Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh. Và trong thời gian tới, dài hạn hơn, chắc chắn là gia đình nhỏ cũng sẽ được tiêm vaccine để cùng miễn nhiễm cộng đồng, sống trong thế giới có dịch.

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”

(Thơ Kahlitt Gibran, Nguyễn Nhật Ánh dịch).

Nguyễn Trần Hạ Uyên

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục