Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần “5 rõ” trong khâu đánh giá cán bộ
Thứ bảy: 09:13 ngày 14/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kỷ luật, kỷ cương tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong thực thi công vụ, là sức mạnh của một tập thể để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung.

Để siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tiền đề quan trọng là phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong một tập thể với nhiệm vụ được giao; có tiêu chí đánh giá cán bộ sát đúng, trên tinh thần “5 rõ” đã được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả”.

Nhận diện biểu hiện cán bộ “né nặng, tìm nhẹ”, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm

Kỷ luật, kỷ cương tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong thực thi công vụ, là sức mạnh của một tập thể để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung. Đây cũng có thể coi là một động lực nội tại góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, qua đánh giá tình hình thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đã thẳng thắn nêu trong bài phát biểu trước kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh vừa qua: “Kỷ luật, kỷ cương công vụ có lúc, có nơi chưa tốt, biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực còn xảy ra; một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ tham mưu chưa thể hiện khát vọng lớn, quyết tâm cao, còn tâm lý sợ rủi ro, sợ trách nhiệm dẫn đến biểu hiện né tránh, đùn đẩy, trì trệ trong công việc, ảnh hưởng hiệu quả quản lý và môi trường đầu tư…”.

CBCCVC tiếp nhận hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Nhận diện những biểu hiện về kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa thực sự nghiêm, Sở Nội vụ cho rằng, về trạng thái tâm lý chung có thể chia thành 4 nhóm. Nhóm thứ nhất: không phân biệt rạch ròi đúng sai, nhìn việc gì cũng thấy nhạy cảm, phức tạp dẫn đến không dám làm, không tin tưởng vào chính mình để tham mưu, đề xuất, ra quyết định dẫn đến trì trệ công việc.

Nhóm thứ hai, phân biệt được đúng sai, hiểu rõ vấn đề nhạy cảm hay không nhạy cảm nhưng không tâm huyết, thiếu quyết tâm chính trị, làm cầm chừng theo kiểu được chăng hay chớ, phát triển được thì tốt, không phát triển cũng không sao.

Nhóm thứ ba, phân biệt được đúng sai, yếu tố nhạy cảm hay không nhạy cảm, có quyết tâm và khát vọng phát triển nhưng lại quá thận trọng, quá cầu toàn, luôn tuyệt đối hoá mọi vấn đề dẫn đến tự tạo áp lực, e dè, đắn đo trong tham mưu, giải quyết công việc, dẫn đến mất cơ hội tạo ra phát triển đột phá.

Nhóm thứ tư, biết rõ đúng sai, yếu tố nhạy cảm, nôn nóng quyết tâm, quyết liệt quá mức dẫn đến quyết “liều” có thể tạo đột phá phát triển nhưng dễ sai sót, vi phạm.

Nhận diện biểu hiện sợ rủi ro, sợ trách nhiệm trong một bộ phận CBCCVC, nhất là cán bộ tham mưu, cán bộ lãnh đạo quản lý, Sở Nội vụ nêu một số biểu hiện phổ biến như: việc thuộc thẩm quyền nhưng không thực hiện, tìm lý do để thoái thác, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, nhiệm vụ cho người khác; nhận nhiệm vụ nhưng không làm hoặc làm cho có, không thể hiện chính kiến tham mưu.

Hoặc việc gì, nhiệm vụ gì cũng thấy nhạy cảm, phức tạp, không tự tin nên không dám làm, không dám tham mưu, không quyết liệt, “bàn lùi, bàn ra” là chính. Thậm chí, việc đã đúng, đã rõ nhưng vẫn không dám quyết, kể cả tập thể đã thông qua, tự đặt thêm nhiều điều kiện, nhiều vấn đề mà pháp luật không quy định, làm cho vụ việc trở nên phức tạp, dẫn đến ngưng trệ; hoặc mặc dù biết rõ vụ việc, nội dung đó không sai, không phức tạp nhưng lại tạo yếu tố nhạy cảm làm cho cấp thẩm quyền e dè, dao động trong quyết định, chỉ đạo…

Những CBCCVC có những biểu hiện như trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền.

“Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả”

Theo Sở Nội vụ, tình trạng trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, vẫn còn không ít quy định pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng, chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, thậm chí không rõ áp dụng như thế nào cho đúng. Thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp mà pháp luật chưa bao trùm được hết.

Việc phân cấp, phân quyền còn hạn chế, xác định trách nhiệm chưa rõ giữa các bộ ngành trung ương, địa phương dẫn đến tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu.

Khi có tổ chức, cá nhân vi phạm thì việc quy trách nhiệm liên đới phạm vi đối tượng chịu trách nhiệm quá rộng, dẫn đến tâm lý bất an, sợ rủi ro, một số người có tư tưởng làm việc cầm chừng với tâm lý “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm sẽ không sai”.

Trong khi đó, khối lượng công việc ngày càng nhiều, áp lực lớn, nhất là tại những đơn vị có nguồn lực hạn chế, khiến CCVC e ngại nhận thêm nhiệm vụ; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có nơi chưa chặt chẽ dễ dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm khi có vấn đề phát sinh.

Nguyên nhân chủ quan là thực trạng trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC một số sở, ngành, địa phương vẫn còn bất cập, chưa đồng đều, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới.

Cụ thể, một số cán bộ tham mưu còn hạn chế về trình độ, nhận thức pháp luật nên việc hiểu và áp dụng pháp luật còn hạn chế, sai sót, tham mưu không đạt yêu cầu phải làm lại nhiều lần hoặc sợ rủi ro không dám tham mưu, gây ách tắc công việc.

Một số cơ quan, đơn vị phân công nhiệm vụ không đồng đều giữa các vị trí việc làm dẫn đến một số người ít va chạm công việc, thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh để hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm việc cầm chừng, đối phó, hình thức.

Để siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tiền đề quan trọng là phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong một tập thể với nhiệm vụ được giao; có tiêu chí đánh giá cán bộ sát đúng, trên tinh thần “5 rõ” đã được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả”.

Đây cũng là giải pháp quan trọng hàng đầu thực hiện song hành cùng các giải pháp về cải cách hành chính, chuyển đổi số, đào tạo cán bộ, biểu dương khen thưởng, tăng cường kiểm tra công vụ...

Theo Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ bảo đảm thực chất, khách quan, minh bạch; xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đủ và đúng trong thực thi công vụ.

Trên cơ sở đánh giá cán bộ để sắp xếp bố trí cán bộ đúng với năng lực, sở trường, nhu cầu công việc; kiên quyết thay thế, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ sở rủi ro, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc gây trì trệ, ách tắc công việc hoặc cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, cản trở, kìm hãm sự phát triển chung của tỉnh trên tinh thần “Ai không dám làm, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên để người khác làm, để cán bộ khác làm”.

Tuệ Lâm

Ngày 23.4.2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 142 về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. Ngày 23.5.2024, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 148 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Một trong những căn cứ tạm đình chỉ công tác cán bộ trong trường hợp cần thiết thuộc về kỷ luật, kỷ cương: “Cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao”.

Tin cùng chuyên mục