Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần ban hành 19 văn bản quy định chi tiết 6 luật vừa có hiệu lực
Thứ tư: 09:08 ngày 04/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hôm 3/7, tại phiên họp thường kỳ tháng 6, các thành viên Chính phủ đã nghe Bộ Tư pháp trình bày báo cáo về tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý II năm 2018.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng tập trung cho công tác xây dựng thể chế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo kế hoạch, các bộ phải xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thầm quyền 151 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh gồm 60 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và 91 văn bản quy định chi tiết các luật chưa có hiệu lực.

Tính đến ngày 30/6, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 93/151 văn bản.

Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các bộ đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin lùi thời hạn trình và nợ ban hành văn bản.

Các bộ, ngành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật; đặc biệt, chỉ đạo việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị và dự án, dự thảo văn bản đầy đủ, chính sách rõ ràng, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật.

Các bộ chủ động soạn thảo, để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 47 văn bản quy định chi tiết các luật và nội dung được giao quy định chi tiết có hiệu lực trong thời gian tới, nhất là 19 văn bản quy định chi tiết 6 luật có hiệu lực từ ngày 1/7.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhất trí với báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng phải tập trung cho công tác xây dựng thể chế nhiều hơn, tốt hơn nữa. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không đăng ký đưa vào chương trình những dự án luật mà chưa hiểu rõ bản chất vấn đề, nội dung, tác động.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét về đề nghị xây dựng Nghị định quy định quản lý cát, sỏi lòng sông.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đây là vấn đề bức xúc. Bên cạnh việc xin chủ trương xây dựng nghị định, Bộ đã tiến hành công tác soạn thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan để làm sao, sau khi Chính phủ thông qua chủ trương thì có thể ban hành trong thời gian sớm nhất, phấn đấu là trong tháng 7 này.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thống nhất thông qua chủ trương xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý cát sỏi lòng sông. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm sao ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, đồng thời cũng tránh việc “phải chạy đi xin nhiều”mà trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải rất rõ ràng.

Bên cạnh đó, cũng cần ứng dụng tiến bộ khoa học, đẩy mạnh việc sử dụng các vật liệu thay thế.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ đã có nghiên cứu đối với lĩnh vực vật liệu thay thế và sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý, giải quyết vấn đề này. Bộ trưởng cho biết, hiện đã xuất hiện một số mô hình sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên. Bộ cũng đã nghiên cứu việc xử lý cát nhiễm mặn cho nhu cầu xây dựng.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về dự án Luật Kiến trúc; phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý một số vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2017, dự thảo Nghị định quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài…

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục