Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cán bộ, đảng viên không còn đủ uy tín thì nên từ chức
Thứ hai: 16:11 ngày 17/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Quy định 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương đề cập đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Quy định 08-QĐi/TW yêu cầu cán bộ, đảng viên khi không còn đủ uy tín thì phải tự giác từ chức, không chờ tới tổ chức xử lý.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017-2018 . Ảnh: VIỆT DŨNG

Quy định 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương đề cập đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, có những điểm mới, gắn với việc chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa và chống lợi ích nhóm, tham vọng quyền lực; chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đặc biệt, Quy định 08-QĐi/TW yêu cầu cán bộ, đảng viên khi không còn đủ uy tín thì phải tự giác từ chức, không chờ tới tổ chức xử lý.

Hàng triệu cán bộ, đảng viên gương mẫu 

Nêu gương là một truyền thống cao đẹp của Đảng ta, có từ khi Đảng ta mới thành lập. Thế hệ cộng sản đầu tiên, những lãnh tụ tiền bối của Đảng như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần… đã nêu tấm gương chói lọi của người cộng sản Việt Nam, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân. Để giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, hơn 160.000 cán bộ đảng viên của Đảng ta đã hy sinh. 

Trong xây dựng bảo vệ, đổi mới chủ nghĩa xã hội, hàng triệu cán bộ đảng viên đang âm thầm, lặng lẽ hy sinh trên mọi mặt trận ở nơi tuyến đầu, bám sát tận cơ sở. Các tấm gương cộng sản bình dị này là lời hiệu triệu, là động lực lôi cuốn, động viên tổ chức và dẫn dắt nhân dân ta lập nên những kỳ tích cách mạng trong suốt hơn 88 năm qua.

Đảng ta luôn quan tâm đến việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Gần đây, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) kết hợp với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã xuất hiện hàng triệu tấm gương cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu, từ đồng chí Tổng Bí thư cho đến các đảng viên ở cơ sở. Đây là kết quả đáng tự hào mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đem lại; là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy đổi mới toàn diện, đồng bộ và tạo ra những thành quả cách mạng to lớn về mọi mặt của đất nước.

Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên - nhất là đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu - đã được quy định cụ thể, như Quy định 101-QĐ/TW (năm 2012), Quy định 55-QĐ/TW (năm 2016). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng tự hào, chúng ta không khỏi day dứt khi có hàng ngàn cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đến nay đã có 59 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị; 13 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 13 tướng lĩnh công an, quân đội…) và 490 tổ chức Đảng bị thi hành kỷ luật.

Mới đây nhất là việc khởi tố 2 cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân (trước đó đã bị xóa tư cách Thứ trưởng Bộ Công an, giáng cấp bậc hàm từ Thượng tướng xuống Trung tướng) và Bùi Văn Thành (trước đó đã giáng cấp bậc hàm từ Trung tướng xuống Đại tá, cách chức Thứ trưởng Bộ Công an và xóa tư cách Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an).

Đây thật sự là tấm gương xấu, làm hại đến thanh danh, uy tín của Đảng, đe dọa đến vận mệnh của Đảng, thành quả của nhân dân và thật sự là quốc nạn “nội xâm” hiện nay của nước ta. Phải chăng, đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp để Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII phải ban hành Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương?

“Xây” cùng với “chống” kịp thời

Quy định 08-QĐi/TW đã chỉ rõ đối tượng nêu gương là toàn bộ cán bộ, đảng viên nhưng trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương Đảng. Về nội dung có 8 vấn đề phải nêu gương, nhằm giải quyết 5 mối quan hệ lớn mà người cán bộ chủ chốt phải tự giác, gương mẫu thực hiện. Đó là trách nhiệm gương mẫu đối với Tổ quốc, nhân dân và Đảng; đối với chức trách, nhiệm vụ được giao; đối với bản thân và gia đình, người thân. 8 nội dung nêu gương này chính là nhằm “xây” các giá trị chuẩn mực về tư cách của người cán bộ cách mạng trong điều kiện hiện nay.

Đặc biệt, Quy định 08-QĐi/TW có những điểm mới, gắn với việc chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa như các vụ việc vừa qua và về lợi ích nhóm, về tham vọng quyền lực; về tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

8 nội dung phải nêu gương rất cụ thể, dễ hiểu, dễ làm và mang tính định lượng chứ không hô hào khẩu hiệu chung chung. Chẳng hạn, không được lợi dụng để chỉ đạo đấu thầu; sử dụng người đức tài, không được chỉ định người thân… Các nội dung nêu gương phản ánh đúng thực chất cũng như đòi hỏi của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đặc biệt, Quy định 08-QĐi/TW có một điểm mới là yêu cầu những cán bộ, đảng viên không thực hiện được những nội dung nêu gương, không còn đủ uy tín nữa phải tự giác từ chức, không cần đợi tới tổ chức xử lý.

Như vậy, việc ban hành Quy định 08-QĐi/TW là rất cần thiết và kịp thời. Vấn đề là, cách thức tổ chức thực hiện như thế nào để đảm bảo quy định này đi vào cuộc sống? Thực tế vừa qua có nhiều cán bộ, đảng viên cấp cao vi phạm, không còn đủ uy tín, như trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm rất nghiêm trọng nhưng đã “không chủ động từ chức” và vẫn đi tiếp xúc cử tri (vào tháng 5-2018). Cử tri, người dân cũng vì thế mà phản ứng.

Quy định 08-QĐi/TW không mang tính chế tài nên để quy định này đi vào cuộc sống thì phải gắn với các quy định khác của Đảng, như Quy định 102-QĐ/TW (năm 2017) về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định 07-QĐi/TW về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, kết hợp với việc xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghĩa là bên cạnh công tác tổ chức, công tác tư tưởng răn đe theo Quy định 08-QĐi/TW thì đòi hỏi sự đồng bộ về các hình thức chế tài, đến từ hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán, kể cả điều tra, xử lý những kẻ vi phạm, tha hóa. Cho nên, Quy định 08-QĐi/TW có nhiều nội dung mang tính “xây” và mặc dù “xây” là chính, “xây” là cơ bản, “xây” là quyết định, thì cũng phải “chống” kịp thời, có kết quả cụ thể. Đồng thời, đặt toàn bộ các hoạt động này trong sự giám sát của nhân dân cùng sự kiểm tra, giám sát của Đảng.

8 nội dung “chống” để đảm bảo 3 vấn đề lớn

Quy định 08-QĐi/TW yêu cầu ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết “chống” 8 nội dung, nhằm đảm bảo 3 vấn đề lớn đối với cán bộ, đảng viên hiện nay. Thứ nhất, kiểm soát để nghiêm khắc với bản thân trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Thứ hai, kiểm soát để làm chủ bản thân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và không để xảy ra sai phạm. Thứ ba, kiểm soát cả người thân, gia đình trong việc nêu gương, không để cho người thân trong gia đình xa hoa, xa xỉ, vướng vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Nội dung “chống” theo Quy định 08-QĐi/TW cũng rất cụ thể, rõ ràng, đặt tên, chỉ việc vào những nội dung hiện nay mà cán bộ, đảng viên và nhân dân bức xúc nhất do sự tha hóa, vi phạm, sai phạm của đảng viên. Đặc biệt là sai phạm của cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn đã “biến của công thành của ông”, “bố về con vào”, “con ông cháu cụ”… “Chống” này là cũng để phục vụ cho “xây”. Bởi đây là sự cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe nghiêm khắc đối với sự tự giác rèn luyện, phấn đấu của người cán bộ, đảng viên.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục