Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cán bộ Tuyên giáo cơ sở - Góp phần ổn định xã hội
Thứ tư: 09:39 ngày 31/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác tuyên giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tham mưu cho cấp uỷ địa phương trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đảng viên, quần chúng nhân dân.

Chính những đóng góp của những cán bộ Tuyên giáo cơ sở đã góp phần tích cực đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo nên sự ổn định về an ninh, chính trị, tạo môi trường sống lành mạnh, văn minh cho xã hội.

Lắng nghe từ cơ sở

Ông Hồ Quang Phú- Bí thư khu phố Long Mỹ, phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành là một trong những người có thâm niên làm công tác tuyên giáo trên địa bàn. Từng là Phó Hiệu trưởng Trường đoàn trong những năm 1990, ông Phú có những nền tảng của một cán bộ Tuyên giáo, đó là bản lĩnh chính trị kiên định, đạo đức lối sống lành mạnh.

Nhưng, người làm công tác tuyên giáo phải nhanh nhạy trong nắm bắt tư tưởng, định hướng được dư luận. Để làm được điều này, ông Phú không ngừng học hỏi, trau dồi cho bản thân. Suốt 15 năm làm công tác tuyên giáo, từ năm 2005-2020, ông Phú tích cực phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể ở phường đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến người dân.

Những đợt tuyên truyền về công tác tuyển quân, phòng chống tội phạm, thành lập tổ liên gia về phòng cháy chữa cháy… luôn có sự tham mưu từ ông. Nhiệm vụ tuyên truyền mỗi thời điểm một khác nhau từ nội dung đến hình thức nhưng ông Phú luôn chủ động nắm bắt, tiếp cận những thông tin mới, cách làm hay để công tác tham mưu, tuyên truyền đạt hiệu quả nhất.

Ông Hồ Quang Phú (thứ hai, từ phải sang) được địa phương khen thưởng.

“Khoảng năm 2018, mạng xã hội Zalo đã bắt đầu được sử dụng nhiều, chúng tôi thành lập những nhóm Zalo để nắm bắt thông tin, tình hình trên địa bàn một cách nhanh nhất và chính xác nhất. Đặc biệt, thông qua những trang mạng xã hội, tôi đã có những bài viết phản biện đối với những thế lực thù địch, những đối tượng xấu, từ đó nâng cao cảnh giác cho người dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với đường lối cách mạng của Đảng ta”- ông Phú cho biết.

Với phương châm làm việc “Hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với nhân dân”, ông Phú đã xây dựng được đội ngũ “tai mắt” trong nhân dân. Từ đó, ông kịp thời nắm bắt được những diễn biến, xáo trộn trong đời sống bà con địa phương. Nhờ bám sát thực tiễn và có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành nên đã không để xảy ra những sự vụ, sự việc đáng tiếc ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương. Hầu hết qua vận động, thuyết phục, các đối tượng “tâm phục, khẩu phục”, chấp hành theo quy định của pháp luật.

Là địa bàn có đông đảo tín đồ tôn giáo Cao Đài, công tác nắm bắt tư tưởng, tình cảm của quần chúng càng quan trọng hơn. Một kỹ năng cần có của người làm cán bộ Tuyên giáo chính là khả năng vận động, thuyết phục, trao đổi với mọi người. Bằng cách đọc nhiều, trang bị cho mình những kiến thức vững vàng, ông Phú dễ dàng trao đổi với các tín đồ hơn.

“Bà con tín đồ của mình ở đây hầu hết đều chấp hành nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo. Tuy nhiên, cũng có những đối tượng, thành phần từ nơi khác đến, trà trộn, lôi kéo. Do đó, ngoài việc các đảng viên ở khu vực tuyên truyền, vận động, tôi cũng luôn tạo mối liên hệ mật thiết với các tổ nghi lễ. Từ đó, tôi vận động các chức sắc, chức viện trong tổ nghi lễ cùng mình phổ biến lại những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để mọi người hiểu rõ hơn, hạn chế những việc không hay xảy đến”- ông Phú chia sẻ.

Với những cách làm phong phú, tích cực, công tác tuyên giáo của phường Long Thành Bắc luôn dẫn đầu trong toàn Thị xã. Ông Phú cũng được UBND tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích trong tổ chức thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2010”.

Nhiệt tình, trách nhiệm, dù về hưu, ông Phú vẫn được địa phương tín nhiệm và bầu giữ chức Bí thư Chi bộ. Ông ngày càng học tập chính trị nhiều hơn, sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía đảng viên, theo dõi những tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân, để kịp thời kiến nghị, đề xuất lên cấp trên những vướng mắc, bất cập.

Nặng lòng với công tác tuyên giáo

Trước đây từng giữ vị trí Phó trưởng Công an, Chủ tịch UBMTTQVN, sau này ông Trương Hồng Quỳ chuyển sang làm công tác tuyên giáo tại phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành. Đến nay, dù đã về hưu 2 năm nhưng ông vẫn còn đóng góp tích cực nhiệm vụ tuyên truyền ở địa phương.

Ông nhớ lại, khi đó, dẫu nhiều bỡ ngỡ nhưng ông luôn nỗ lực để hoàn thành tốt công việc được giao. Với vai trò cán bộ phụ trách Tuyên giáo ở phường, ông Quỳ có trách nhiệm tham mưu cho Đảng uỷ phường triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến các chi bộ trực thuộc; hướng dẫn chi bộ triển khai tuyên truyền đến đảng viên, nhân dân để nghị quyết đi vào cuộc sống.

Ông Trương Hồng Quỳ chia sẻ kinh nghiệm làm công tác tuyên giáo cho thế hệ kế tiếp.

Theo ông Quỳ, để công tác đạt hiệu quả kịp thời, người cán bộ Tuyên giáo phải tích cực làm công tác tham mưu. Sau khi tiếp nhận các văn bản của cấp trên thì sắp xếp, xây dựng kế hoạch tham mưu phù hợp, triển khai kịp thời. Ông cũng thường xuyên tập luyện kỹ năng nói chuyện lưu loát khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền; thường xuyên nghiên cứu văn bản chỉ đạo để hiểu và triển khai hiệu quả.

Người cán bộ làm công tác tuyên giáo cũng cần thông thạo các kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, các trang mạng xã hội để kịp thời thông tin, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động, chống phá. Ông Quỳ cho biết, khi nhận công tác tuyên giáo, ông đã ngoài 50 tuổi. Đôi lúc, ông cũng sợ mình sẽ bị tụt hậu vì chưa theo kịp công nghệ.

Tuy nhiên, sau những buổi tập huấn, hướng dẫn của Thị uỷ, ông nắm bắt được và thích ứng với công nghệ nhanh chóng, bảo đảm công tác tốt. Để nâng cao kiến thức, ông Quỳ còn thường xuyên tìm hiểu thông tin, thời sự trong nước và quốc tế.

Bên cạnh chuyên môn, ông Quỳ cũng có lối sống tốt trong cộng đồng. Ông chia sẻ: “Là cán bộ Tuyên giáo, tôi xem trọng cái nghĩa, cái tình với xóm làng, gương mẫu trong các hoạt động; xây dựng gia đình theo lối sống văn hoá mới, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Ông Quỳ cho biết, công tác tuyên giáo trên địa bàn phường được thuận lợi khi được lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Khi gặp khó trong công tác, ông mau chóng tìm cách khắc phục. Ông Quỳ nói: “Tỷ lệ tập hợp đảng viên để tuyên truyền trên địa bàn chỉ đạt khoảng 80%-90% vì các lý do đảng viên lớn tuổi, đảng viên đi làm ăn xa. Để khắc phục thiếu sót này, chúng tôi chỉ đạo cho các chi bộ triển khai lại tại của buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, tập trung triển khai những nội dung chính để mọi người đều được tiếp cận”.

Ngoài đối tượng đảng viên, công tác tuyên truyền trong nhân dân cũng được ông Quỳ chú trọng. Để tuyên truyền đến người dân hiệu quả, Tuyên giáo địa phương phối hợp với các ban, đoàn thể trong các buổi sinh hoạt tổ tự quản, đoàn thể. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Người tuyên truyền phải có cách nói gần gũi, dễ hiểu để người dân dễ tiếp cận và thực hiện theo”.

8 năm gắn bó với công tác tuyên giáo, ông Quỳ cũng tích cực tham gia các hoạt động thi đua. Công tác tuyên giáo phường Hiệp Tân nhiều năm được Thị uỷ Hoà Thành khen thưởng. Bản thân ông Quỳ cũng được khen thưởng, động viên kịp thời.

Năm 2022, ông Quỳ nghỉ hưu, tuy không còn phụ trách công tác tuyên giáo của phường nhưng ông Quỳ vẫn được tin tưởng giao nhiệm vụ thông tin, truyền tải những văn bản hay phát động các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở chi bộ ông sinh hoạt. Và ông luôn nhiệt tình tham gia thực hiện. Có thể đó là thói quen của một cán bộ nhiều năm làm công tác tuyên truyền.

Khải Tường - Vi Xuân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục