BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần cân nhắc thời gian thí điểm chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện 

Cập nhật ngày: 17/01/2024 - 14:25

BTNO - Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 16.1, Quốc hội thảo luận tại tổ góp ý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý phát biểu thảo luận tại Tổ.

Phát biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo để bảo đảm mục đích của Nghị quyết là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chứ không phải là áp dụng cho các nội dung khác của chương trình mục tiêu quốc gia.

Liên quan đến việc tổ chức thực hiện, đại biểu đề xuất dự thảo Nghị quyết nên tập trung phân quyền cho cấp tỉnh thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn 2024 - 2025 và việc thí điểm giao thẩm quyền cho cấp huyện chỉ bắt đầu áp dụng từ giai đoạn 2026 - 2030.

Vì theo đại biểu, khi áp dụng phân cấp, phân quyền vào triển khai thực hiện trong giai đoạn 2024-2025 sẽ gặp nhiểu lúng túng ở bước đầu, đồng thời trong dự thảo  quy định về phân cấp, phân quyền khá nhiều và tối đa cho cấp tỉnh, nên sau khi cấp tỉnh thực hiện suôn sẻ, rút ra những khó khăn, vướng mắc lúc đó bắt đầu thực hiện giai đoạn phân cấp, phân quyền cho cấp huyện thì sẽ hợp lý hơn.

Đại biểu Thuý cũng đề nghị, việc phân cấp, phân quyền hiện nay cho cấp tỉnh nên theo hướng Chính phủ đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu, nguyên tắc để bảo đảm các địa phương không tùy tiện, còn cách thức thực hiện, tổ chức thực hiện như thế nào, phân bổ ra sao thì giao cho cấp tỉnh.

Ngoài ra, không chỉ phân cấp cho địa phương cấp tỉnh được chủ động trong việc cơ cấu phân bổ trong nội bộ một chương trình mục tiêu quốc gia mà mong muốn lớn hơn nữa đó là được phân cấp, phân quyền giữa các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cũng tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này, vì theo đại biểu việc ban hành Nghị quyết đã tạo sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện của các địa phương hiện nay, thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước;

Bên cạnh đó, việc thực hiện góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang làm chậm tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân - đối tượng thụ hưởng trực tiếp.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần cân nhắc quy định về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại khoản 5, Điều 4, đại biểu Phương đề xuất chọn phương án 1 nên ưu tiên thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ trì liên kết vay để đầu tư tài sản phục vụ hoạt động phát triển sản xuất có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế lại quy định về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ cơ sở để chuẩn bị cho giai đoạn 2 triển khai thực hiện toàn diện và tốt hơn.

Đại biểu Phương thống nhất việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp vì tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của địa phương để các công trình quy mô nhỏ lẻ mang tính chất thường xuyên, có tính đầu tư được thực hiện tốt, góp phần giải tỏa những ách tắt hiện nay.

Tố Tuấn -  Hữu Lộc