Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Tây Ninh:
Cần cân nhắc việc phân loại các tổ chức tín dụng
Thứ ba: 09:38 ngày 16/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15.1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh đánh giá cao cơ quan soạn thảo với các nội dung của dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này.

Theo đại biểu, liên quan đến các quy định về giới hạn cấp tín dụng, đại biểu hoàn toàn ủng hộ chủ trương giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng đối với các khách hàng tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, theo đại biểu, khi giảm tỷ lệ này, cần phải dự liệu và giải quyết được các khó khăn có thể gặp phải, chẳng hạn như môi trường tín dụng của Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.

Các đại biểu đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tham dự Kỳ họp chiều 15.1

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, dự thảo hiện nay còn mở rộng phạm vi người có liên quan, điều này đồng nghĩa với việc nhóm người có liên quan sẽ nhiều hơn. Quy định này mặc dù hạn chế được các rủi ro khi cấp tín dụng cho nhóm đối tượng mang tính “hệ sinh thái” nhưng sẽ là quy định làm khó tổ chức tín dụng khi thực hiện hoạt động cấp tín dụng.

Đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo có thể cân nhắc thêm phương án phân loại các tổ chức tín dụng theo tổng số vốn tự có với mỗi nhóm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng sẽ khác nhau. Bởi lẽ, quy mô vốn của các tổ chức tín dụng hiện nay liên tục gia tăng và có sự phân hoá giữa các ngân hàng thương mại. Do đó, không nên cào bằng, áp dụng tỷ lệ chung cho tất cả các ngân hàng thương mại.

Liên quan đến quy định về vấn đề xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đại biểu hoàn toàn thống nhất với chủ trương luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu được quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và tháo gỡ được các vướng mắc khi áp dụng Nghị quyết 42.

Theo đại biểu, khi các quy định này được ban hành thì việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã có nhiều tiến triển tích cực, bảo đảm được phần nào quyền lợi của các bên, thúc đẩy sự chủ động thanh toán của khách hàng.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Bên cạnh đó, các quy định về xử lý nợ xấu đã giảm thiểu được tình trạng “chây ì”, không hợp tác của khách hàng. Đại biểu cũng cho rằng nợ xấu ngân hàng không phải là vấn đề thời điểm, mà là thường trực và gần như gắn liền với quá trình hoạt động ngân hàng. Vì vậy, việc luật hoá các quy định về nợ xấu, về quyền thu giữ tài sản, quyền ưu tiên thanh toán… sẽ là nền tảng quan trọng để xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, tạo nên một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, dự thảo đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong từng điều khoản của Luật sẽ tạo hành lang vững chắc cho chính các nhân sự tại cơ quan này khi hỗ trợ tổ chức tín dụng thu hồi nợ…

Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để hoàn thiện Luật hoặc văn bản dưới luật về các vấn đề dư luận quan tâm, chẳng hạn như: quy định pháp luật về tố tụng phải được chỉnh sửa theo hướng rút ngắn thời gian xử lý, tinh gọn các thủ tục hành chính; về điều kiện khoản nợ đủ điều kiện thu giữ, đề xuất bỏ nội dung giới hạn là món nợ đang không bị tranh chấp được thụ lý bởi Toà án.

Tố Tuấn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục