BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần chú trọng đến chất lượng tăng trưởng

Cập nhật ngày: 23/10/2009 - 07:27

Sáng 23.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010.

Về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ, trong điều kiện chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn tới tình hình phát triển kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, ngân sách nhà nước của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, tổng thu ngân sách ở nhiều địa phương vẫn vượt so với dự toán Trung ương giao, thu nội địa đạt khá… điều này cũng góp phần làm cho tổng thu ngân sách nhà nước năm 2009 vượt so với dự toán 0,2%. Trong điều kiện khó khăn, nguồn chi cho an sinh xã hội vẫn đảm bảo, mức sống của người dân không bị ảnh hưởng lớn do suy thoái kinh tế. Việc tập trung nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển cơ sở hạ tầng là giải pháp đúng đắn.

Nên giữ mức bội chi ngân sách ở 6%

Nhiều đại biểu cho rằng mức bội chi ngân sách năm 2009 ở mức 6,9% và mức bội chi ngân sách năm 2010 theo báo cáo của Chính phủ ở mức 6,5% là quá cao. Đại biểu Hoàng Thị Hảo (đoàn Hải Dương) cho rằng, nếu bội chi ngân sách ở mức cao và kéo dài như vậy sẽ là nguy cơ tiềm ẩn làm mất an ninh tài chính và khiến cho lạm phát có thể quay trở lại. “Theo tôi, mức bội chi ngân sách nhà nước nên giữ ở mức 6%”, đại biểu Hoàng Thị Hảo đề nghị. Cùng chung ý kiến này, đại biểu Nguyễn Đăng Vang (đoàn Bình Định) cũng đề nghị mức bội chi nên ở 6% là hợp lý.

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến là Chính phủ cần có những giải pháp kiên quyết hơn trong việc kiểm soát nguồn thu từ thuế. Đại biểu Vũ Hoàng Hà (đoàn Đồng Nai) cho rằng, tình trạng nợ đọng thuế hiện nay vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nếu Chính phủ có những biện pháp kiểm soát hiệu quả thì sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Đại biểu Lê Thị Thu Ba (đoàn Đồng Nai) cũng đề nghị cần tăng cường sự kiểm tra của các cơ quan tài chính, thuế, giúp Chính phủ quản lý tốt hơn nguồn thu, tránh tình trạng trốn lậu thuế, nợ đọng thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Một nội dung cũng được nhiều đại biểu đề cập đó là công tác dự báo của Chính phủ trong việc đề ra các chỉ tiêu thu ngân sách hiện vẫn còn bất cập so với thực tế. Theo đại biểu Vũ Hoàng Hà (đoàn Đồng Nai), sở dĩ thu từ dầu thô năm 2009 không đạt so với dự toán là do công tác dự báo giá dầu thế giới chưa sát với tình hình thực tế. Cũng liên quan đến công tác dự báo, đại biểu Lê Đình Khanh và đại biểu Hoàng Thị Hảo (đoàn Hải Dương) đều cho rằng, việc dự báo giá dầu năm 2010 khoảng 65 USD/thùng trong điều kiện kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu sử dụng dầu sẽ tăng lên là chưa sát, Chính phủ nên nghiên cứu, tính toán giá dầu chính xác để đưa ra dự toán thu từ dầu thô hợp lý.

Các chương trình mục tiêu quốc gia nên đầu tư tập trung

Đánh giá nguồn chi ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Viết Lểnh (đoàn Bình Định) cho rằng, nhiều khoản chi đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trên tổng thể chung, đại biểu Nguyễn Viết Lểnh cho rằng, Chính phủ cần có đánh giá, cân nhắc trong việc đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, nếu chương trình nào không thực sự hiệu quả thì kiên quyết bỏ để tập trung cho các chương trình khác. Đại biểu Lê Thị Thu Ba (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc chi cho chương trình mục tiêu quốc gia là đúng, nhưng Chính phủ phải có sự thẩm tra kỹ, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí cho ngân sách mà hiệu quả mang lại không cao.

Cũng chung ý kiến này, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị Chính phủ khi chi chương trình mục tiêu quốc gia cho 62 huyện nghèo, cần tính toán đề ra một lộ trình cụ thể để có hướng đầu tư dứt điểm, tránh tình trạng mỗi năm đầu tư cho mỗi huyện một ít, không mang lại hiệu quả

Chỉ tiêu phải gắn với chất lượng tăng trưởng

Thảo luận về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010, các đại biểu dành nhiều quan tâm đối với các chỉ tiêu tăng trưởng Chính phủ đề xuất. Đồng tình với chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2010 dự kiến khoảng 6,5%, đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng chỉ tiêu này có thể thực hiện được. Đại biểu phân tích: “Theo dự tính, quý 4/2009, tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6,8%, quý 4 cũng là thời điểm có nhiều điều kiện để tập trung phát triển, và con số 6,8% sẽ tạo đà để đạt được mức tăng trưởng dự kiến của năm 2010. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới hiện nay cũng đang có chiều hướng hồi phục, một số nước đã hồi phục tốt như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, bên cạnh sự phấn đấu để đạt được mức tăng trưởng cần chú ý đến chất lượng tăng trưởng.

Nhiều đại biểu còn băn khoăn về chỉ tiêu xuất khẩu dự kiến tăng trưởng ở mức 6%. Phân tích của các đại biểu cho rằng, năm 2009, mức tăng trưởng xuất khẩu được điều chỉnh xuống 3%, nhưng dự báo của Chính phủ sẽ âm 9,9%, trong khi chỉ tiêu đặt cho năm 2010 phải đạt 6%, về lý thuyết sự tăng trưởng từ thấp lên cao là thuận. Tuy nhiên, thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu khó khăn hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng GDP, nhưng tăng trưởng GDP lại phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng xuất khẩu. Nếu tình hình quá khó khăn, xuất khẩu không đạt 6% thì chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% liệu có đạt được hay không hay chỉ tiêu về xuất khẩu không có ảnh hưởng gì tới chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Đại biểu Lê Quốc Dung nhấn mạnh, biện pháp để bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu đạt 6% là vô cùng quan trọng, nó làm nền tảng cơ sở để đạt được tăng trưởng GDP 6,5% cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo cán cân thanh toán, chống giảm nhập siêu…

Theo ý kiến nhiều đại biểu, chỉ tiêu về đầu tư xã hội cũng còn nhiều vấn đề phải thảo luận. Nhiều đại biểu cho rằng đây là một loại chỉ tiêu truyền thống vì thế có nên đặt ra mức phấn đấu hay không. Lâu nay, việc chạy đuổi theo chỉ tiêu này đã làm cho nền kinh tế phát triển về số lượng, về chiều rộng, chiều ngang mà không đi theo chiều sâu. Nguyên nhân có lẽ do chúng ta tung ra quá nhiều nguồn đầu tư xã hội, huy động quá nhiều sức lực của nền kinh tế, dẫn đến chỉ số ICOR cao mà đầu tư lại không hiệu quả.

Các đại biểu cho rằng chỉ tiêu này không nên xem là chỉ tiêu phấn đấu mà xem đây là biện pháp của Chính phủ thông báo cho Quốc hội biết có mức huy động xã hội như thế, nếu đặt thành một chỉ tiêu để phấn đấu là không hiệu quả, dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài. Thay vì đầu tư ngân sách vào các dự án công trình hãy kêu gọi đầu tư xã hội hoá để thay thế thì hiệu quả sẽ tốt hơn, việc sử dụng cũng sẽ tốt hơn. Về lâu dài, nên mở rộng xã hội hoá ở nhiều dự án, công trình: trường học, ký túc xá, bệnh viện, đường sá… Nhà nước sẽ tạo điều kiện về cơ chế, thuế, ưu đãi vốn… đã là hiệu quả. Đây là cách làm mới, tư duy mới Quốc hội mong muốn Chính phủ nghiên cứu để hạn chế việc đầu tư không hiệu quả.

Đại biểu Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) cho rằng việc thu, chi ngân sách, đặc biệt là chi ngân sách và bội chi ngân sách còn rất nhiều bất cập. Phần chi ngoài ngân sách rất lớn nhưng lại chưa đưa vào để Quốc hội kiểm soát: ODA, trái phiếu Chính phủ… Như vậy, bên cạnh chỉ tiêu chỉ theo ngân toán và bội chi theo dự toán còn cần phải tính bằng con số thực tế chi ngân sách ngoài dự toán. Bội chi ngoài ngân sách phản ánh: nợ nước ngoài của Chính phủ là bao nhiêu? An toàn trong cân đối vi mô về nợ Chính phủ là bao nhiêu?… Nếu chỉ công bố chi ngân sách và bội chi ngân sách trong dự toán thì không phản ánh hết được mức độ lạm phát bên ngoài, nợ Chính phủ bên ngoài…

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các Tờ trình của Chính phủ về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về những Dự án luật này. Các đại biểu cũng sẽ nghe Tờ trình của Văn phòng Quốc hội về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2010.

(Theo VOV News)