Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Ông Lê Anh Tuấn, Phó ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị mạnh dạn xem xét những chính sách của Trung ương không phù hợp thì cần điều chỉnh. Vẫn theo ông Tuấn, kêu gọi đầu tư đừng tính mình sẽ thu được bao nhiêu tiền, cần có cách nhìn tổng thể, dài hạn.

|
Khám bệnh cho trẻ em tại Bệnh viên Đa khoa tư nhân Cao Văn Chí.
Ngày 26.5, tại phiên họp thường kỳ, UBND tỉnh đã cơ bản đồng ý thông qua Đề án “Đẩy mạnh xã hội hoá trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hoá và thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020” do Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Mục đích chính của Đề án là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá và thể dục thể thao theo chủ trương của Chính phủ, phát huy hiệu quả xã hội hoá trong các hoạt động giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tá, văn hoá và thể dục thể thao.
XÃ HỘI HOÁ - CHƯA ĐƯỢC NHƯ TRÔNG ĐỢI
Tại Tây Ninh, từ ngày 31.1.2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 192/QĐ-UBND (Quyết định 192) về tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá và thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ khi triển khai Quyết định 192 đến nay, chủ trương xã hội hoá trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục thể thao đã thu được một số kết quả.
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giai đoạn 2011-2015, tỉnh thu hút được 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 166,29 tỷ đồng. Tuy nhiên, số trường, số lượng giáo viên và học sinh ngoài công lập ở các ngành học còn chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, tỷ lệ học sinh ngoài công lập ở bậc mầm non chỉ đạt 9,07%, ở cấp trung học cơ sở chiếm tỷ lệ 0,08% và cấp trung học phổ thông (THPT) chiếm tỷ lệ 1,93%. Các chỉ số nêu trên đều thấp hơn so với kế hoạch đề ra tại Quyết định 192. Từ khi triển khai Quyết định 192 đến nay, tỉnh chưa thu hút được dự án thành lập trường đại học nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như kế hoạch đã đề ra. Đối với giáo dục nghề nghiệp, tỉnh đã thu hút được 6 cơ sở dạy nghề, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 cơ sở dạy nghề ngoài công lập đi vào hoạt động, góp phần đa dạng hoá các loại hình và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động.
Về y tế, giai đoạn 2011-2015, có 1 phòng khám đa khoa tư nhân, 1 bệnh viện đa khoa tư nhân ra đời và đi vào hoạt động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 phòng khám đa khoa tư nhân và 2 bệnh viện đa khoa tư nhân đang hoạt động. Các cơ sở y tế này có đầy đủ các chuyên khoa với trang thiết bị tiên tiến, góp phần nâng số giường bệnh viện tư nhân của tỉnh từ 50 giường lên 85 giường (tăng 70%).
Trong lĩnh vực văn hoá, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 đơn vị hoạt động nghệ thuật, trong đó có 19 đơn vị hoạt động nghệ thuật theo Luật Doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Về thể dục thể thao, giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án đầu tư về lĩnh vực thể thao. Hiện nay tỉnh có 500 cơ sở kinh doanh thể thao do tư nhân đầu tư, chiếm trên 65% tổng số cơ sở thể thao trên toàn tỉnh. Hầu hết các cơ sở xã hội hoá thể thao đều có sự đầu tư lớn về kinh phí nên thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện. Tuy nhiên, hiện nay việc xã hội hoá Công ty cổ phần Bóng đá Tây Ninh, Trung tâm Thi đấu đa năng của tỉnh chỉ được thực hiện một phần, còn hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước; chưa chuyển nhà tập bóng bàn của tỉnh sang loại hình ngoài công lập như kế hoạch.
Theo đánh giá chung về kết quả xã hội hoá trong các lĩnh vực vừa nêu, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ở lĩnh vực giáo dục, nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục và xã hội hoá giáo dục đã có những chuẩn biến tích cực, môi trường giáo dục đã có những khởi sắc đáng kể.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song kết quả thu được từ chủ trương xã hội hoá cũng còn nhiều hạn chế. Theo giải thích của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân hạn chế là do công tác tuyên truyền, vận động thực hiện xã hội hoá chưa tạo được sự đổi mới đồng bộ trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về chủ trương xã hội hoá. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xã hội hoá còn bất cập, lúng túng cả trong định hướng, quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Nhận thức về xã hội hoá trên các lĩnh vực của các thành phần kinh tế và của toàn xã hội chưa cao, chưa phát huy hết tiềm lực trong cộng đồng và xã hội cho sự phát triển chung của địa phương. Việc hình thành các cơ sở ngoài công lập còn mang tính tự phát, chưa có quỵ hoạch chiến lược trung và dài hạn. Các cơ sở ngoài công lập quy mô còn nhỏ. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trong công tác quản lý, nhiều nơi còn có sự phân biệt đối xử giữa cơ sở công lập và ngoài công lập. Kinh tế-xã hội của địa phương còn khó khăn, vị trí địa lý không thuận lợi; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhu cầu của người dân chưa nhiều nên chưa tạo được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Ngân sách tỉnh còn hạn chế nên chưa thể đền bù, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư hoặc hỗ trợ nhà đầu tư về kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hoá…
THÀNH LẬP THÊM NHIỀU CÔNG TRÌNH Y TẾ, GIÁO DỤC…
Theo mục tiêu chung của Đề án “Đẩy mạnh xã hội hoá trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, văn hoá và thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020”, Tây Ninh sẽ từng bước giảm đầu tư từ ngân sách nhưng vẫn bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước để định hướng, thúc đẩy các lĩnh vực phát triển đồng bộ, có hiệu quả.
Cụ thể, đối với giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, mục tiêu Đề án đưa ra là thu hút từ 1-2 dự án đầu tư xây dựng trường học bán trú tại địa bàn các huyện và thành phố. Đến năm 2020, tỷ lệ học sinh ngoài công lập mầm non chiếm 10%, tiểu học chiếm 0,5%, THCS chiếm 1%, THPT chiếm 2%. Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới quy mô các cơ sở giáo dục công lập, cụ thể là sáp nhập, chuyển sang tư thục hoặc xã hội hoá các trường THPT: Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Trung Trực, Trần Quốc Đại, Thực nghiệm giáo dục phổ thông và một số trường có điều kiện. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các trường công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Về lĩnh vực y tế, sẽ kêu gọi đầu tư hợp tác với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để đầu tư khu dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao; mời gọi nhà đầu tư hợp tác với Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh Tây Ninh để đầu tư xây dựng bệnh viện chuyên khoa phụ sản với quy mô 50-100 giường bệnh theo mô hình hợp tác công tư. Kêu gọi đầu tư hợp tác với Bệnh viện Đa khoa huyện Gò Dầu để đầu tư xây dựng khu dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao với quy mô 100 giường bệnh theo mô hình hợp tác công tư. Mời Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn (VRG) đầu tư giai đoạn 1 phòng khám đa khoa kỹ thuật cao tại Khu công nghiệp Phước Đông. Giai đoạn 2 của kế hoạch này là nâng cấp thành bệnh viện với quy mô 75-100 giường bệnh, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư tại mỗi huyện 1 phòng khám đa khoa với đầy đủ các chuyên khoa tại các huyện Trảng Bàng, Tân Châu, Tân Biên và Dương Minh Châu nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, giảm tải áp lực cho các bệnh viện công.
Về văn hoá và thể thao, dự kiến thành lập thêm khoảng 10 tủ sách tư nhân, 2 rạp chiếu phim tư nhân. Chuyển Trung tâm Văn hoá tỉnh và một số Trung tâm Văn hoá huyện sang hoạt động theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tiếp tục xã hội hoá hoạt động của Công ty cổ phần Bóng đá Tây Ninh để chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý và hoạt động theo mô hình câu lạc bộ chuyên nghiệp. Chuyển hoạt động của Trung tâm thi đấu đa năng của tỉnh sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; nhà tập bóng bàn của tỉnh sang loại hình ngoài công lập.
KÊU GỌI ĐẦU TƯ XÃ HỘI HOÁ, ĐỪNG TÍNH SẼ THU ĐƯỢC BAO NHIÊU
Phát biểu ý kiến về bản Đề án, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục gặp một số vướng mắc, tính khả thi không cao, ví dụ chuyện chuyển một số trường THPT công lập thành trường tư thục không nhận được sự đồng tình của dư luận, ngay cả trong ngành giáo dục cũng không tán đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng, muốn đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, y tế thì hai ngành này cần có quy hoạch cụ thể, sau đó công khai thông tin trên báo chí để kêu gọi đầu tư. Ví dụ, ở khu công nghiệp hiện cần bao nhiêu trường mầm non, xây trường ở đâu, chính sách thu hút như thế nào... cần phải thật cụ thể. Ông Lê Anh Tuấn, Phó ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị mạnh dạn xem xét những chính sách của Trung ương không phù hợp thì cần điều chỉnh. Vẫn theo ông Tuấn, kêu gọi đầu tư đừng tính mình sẽ thu được bao nhiêu tiền, cần có cách nhìn tổng thể, dài hạn.
VIỆT ĐÔNG