Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần cơ chế đấu thầu mới cho biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền
Thứ ba: 08:35 ngày 23/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về sửa đổi, bổ sung quy định mua thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ bản quyền nhằm giảm giá thuốc, vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã thống kê kết quả trúng thầu trên cả nước, chỉ ra giá thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền cao hơn nhiều lần giá thuốc generic nhóm một (thuốc tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc).

Đây là một trong những nguyên nhân gây lãng phí quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). BHXH Việt Nam dẫn chứng, thuốc tiêm biệt dược gốc Ceftriaxon 1g giá trúng thầu trung bình 181.440 đồng/lọ, trong khi thuốc tương đương nồng độ, hàm lượng chỉ có giá 25.414 đồng/lọ. Thuốc tiêm biệt dược gốc Meropenem giá 700.306 đồng/lọ, nhưng thuốc nhóm một chỉ 296.101 đồng/lọ... Đáng chú ý, thuốc Oxaliplatin biệt dược gốc trúng thầu 3,927 triệu đồng/lọ, trong khi thuốc nhóm một chỉ 871.774 đồng/lọ.

Bên cạnh tình trạng chênh lệch giá lớn, nhu cầu sử dụng biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền vẫn còn cao tại các bệnh viện tuyến cuối. Kết quả khảo sát tình hình sử dụng đối với 30 biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền đã có thuốc nhóm một thay thế cho thấy, bệnh viện tuyến cuối dùng tới 24% trong tổng chi phí thuốc của bệnh viện. Thực tế nêu trên cho thấy, có sự bất hợp lý trong cơ cấu sử dụng thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền cũng như chưa có biện pháp quản lý giá phù hợp đối với loại biệt dược này.

Thuốc biệt dược gốc thường được hưởng bảo hộ bản quyền 20 năm, khi hết thời hạn đó, các chi phí phát minh đã được bù đắp và có lãi, thì các nhà sản xuất có chính sách về giá phù hợp để đông đảo người bệnh được tiếp cận thuốc. Thế nhưng, số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, thời gian qua, thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền cứ đấu thầu là trúng và trúng với giá rất cao. Nguyên nhân do cơ chế đấu thầu chưa tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Theo Thông tư 11/2016/TT-BYT, thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền vẫn thuộc nhóm biệt dược gốc, các thuốc này đấu thầu cùng “sân” với thuốc tương đương điều trị để có sự cạnh tranh, hạ giá thuốc. Thế nhưng, đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành danh mục các thuốc tương đương điều trị, cho nên, thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền nhưng vẫn có giá trúng thầu cao. Một nhà thầu cho biết, có thuốc biệt dược đưa ra giá dự thầu cao hơn giá mời thầu, nhưng vì không có lựa chọn thuốc nào khác, cơ sở y tế vẫn phải mua thuốc biệt dược gốc giá cao.

Các chuyên gia y tế cho rằng, để tạo sự cạnh tranh thì tất cả thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ bản quyền đều phải đấu thầu với thuốc generic có dữ liệu lâm sàng, an toàn, hiệu quả.

Bộ Y tế cần sớm ban hành danh mục thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền và danh mục thuốc generic có khả năng thay thế thuốc biệt dược, từ đó, đề nghị các nhà sản xuất có chính sách điều chỉnh giá kê khai. Đồng thời, cân đối tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc và thuốc generic tại các tuyến điều trị để thực hiện đấu thầu, thanh toán BHYT theo cơ cấu đó.

Theo tính toán của BHXH Việt Nam, thay đổi biện pháp quản lý giá biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền có thể tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; người bệnh có cơ hội dùng thuốc tốt, giá hợp lý. Do đó, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế đấu thầu mới cho thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền để sớm áp dụng cho các địa phương.

Nguồn Báo nhân dân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục