BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần có chính sách ưu tiên đối với người làm công tác cơ yếu

Cập nhật ngày: 01/11/2011 - 11:40

Người làm cơ yếu thực hành trên máy thông tin

Chiều 1.11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Cơ yếu (gồm 5 chương, 37 điều).

Nội dung chính được các đại biểu Quốc quan tâm trong dự án Luật Cơ yếu là chế độ chính sách đối với người làm công tác cơ yếu.

Đại biểu Điểu K’Rứ (đoàn Đắk Nông) cho rằng: Người làm công tác cơ yếu rất vất vả do phải có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ mật mã quốc gia. Vì vậy, cần phải có chính sách, chế độ phụ cấp thỏa đáng. Theo đó, người làm công tác cơ yếu là quân nhân, công an nhân dân được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp, các chế độ, chính sách khác theo quy định đối với quân nhân, công an nhân dân.

Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân thì được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp, các chế độ chính sách khác như đối với quân nhân và được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

Tuy nhiên, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP HCM) lại cho rằng, dự án Luật Cơ yếu quy định rất khắt khe đến tiêu chuẩn chọn lựa, trình độ chính trị, trách nhiệm đối với người làm cơ yếu nhưng chế độ chính sách phụ cấp cho người làm cơ yếu còn thấp so với nhiều ngành, nghề khác. Thực tế là trong hoạt động cơ yếu, có những cán bộ làm việc đến 20 năm nhưng phụ cấp hàng tháng chỉ có 260.000 đồng/tháng.

Đại biểu Võ Thị Dung kiến nghị, dự thảo Luật Cơ yếu cần sửa đổi chế độ chính sách đặc thù đối với người làm công tác cơ yếu nói chung.

Cần có một chế độ, chính sách đặc thù đối với người làm công tác cơ yếu nói chung, không nên phân biệt người làm cơ yếu trong Quân đội, Công an nhân dân hay dân sự. Bởi vì, công việc đặc thù của ngành cơ yếu là giống nhau, người làm cơ yếu phải chịu trách nhiệm như nhau. Đó là ý kiến của đại biểu Phùng Khắc Đăng (đoàn Sơn La).

Để tận dụng những cán bộ có kinh nghiệm, kiến thức làm việc trong ngành Cơ yếu, nên kéo dài thời gian làm việc của họ đến 55 tuổi. Nếu người nào đến tuổi nghỉ hưu thì có thể ký hợp đồng thời hạn để họ yên tâm công tác và cống hiến cho ngành Cơ yếu. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) chia sẻ.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn Bắc Kạn) cho rằng: Không nên cho nghỉ hưu sớm đối với người làm việc trong ngành Cơ yếu. Bởi vì như vậy sẽ thiệt thòi cho nhiều cán bộ làm cơ yếu trong ngành Ngoại giao, cơ quan của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Việc quy định thời hạn nghỉ hưu đối với cán bộ làm việc trong ngành Cơ yếu nên theo quy định trong Bộ Luật Lao động.

Theo VOV