BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần có chính sách ưu tiên phát triển ngành nghề nông thôn

Cập nhật ngày: 01/04/2009 - 10:07

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo trước đoàn giám sát

Để thẩm tra các nội dung phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh thứ 16 (kỳ họp chuyên đề), Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát công tác tổ chức, xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh vào ngày 31.3.2009.

Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày về công tác xây dựng dự án quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn Tây Ninh. Theo đó, kết quả điều tra vào tháng 9.2007 toàn tỉnh có khoảng 30 ngành nghề nông thôn, với hơn 5.600 hộ và gần 16.000 lao động tham gia hoạt động. Tuy nhiên các ngành nghề nông thôn hiện đang gặp không ít khó khăn. Các sản phẩm làng nghề nông thôn đang chịu sự canh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng dây chuyền công nghệ mới. Công nghệ và mẫu mã các sản phẩm ngành nghề nông thôn chưa phong phú về chủng loại. Hầu hết các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ; đa số ngành nghề hoạt động tự phát theo nhu cầu của xã hội, một số ngành nghề còn gây ô nhiễm môi trường… Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai lập dự án “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020”. Mục tiêu cụ thể là xây dựng các phương án phát triển ngành nghề nông thôn; bảo tồn và phát triển làng nghề nông thôn Tây Ninh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên cơ sở thực tiễn và khoa học, góp phần chuyển dịch tăng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn trên địa bàn Tây Ninh giai đoạn 2008-2020 bình quân 9-9,5%; nâng tỷ trọng lao động ngành nghề ở nông thôn lên từ 6 -8% tổng lao động xã hội, góp phần tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn; thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề tăng lên gấp 1,85-1,9 lần so với năm 2007; đạt từ 17-18 triệu đồng/người/năm; bảo tồn và phát triển một số làng nghề truyền thống như: sản xuất bánh tráng, mây tre, làm nhang, xây dựng các làng nghề mới gắn với thế mạnh của địa phương, làm cơ sở cho phát triển ngành nghề nông thôn toàn tỉnh. Khái toán tổng vốn đầu tư của dự án 385,057 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách 19,123 tỷ đồng; còn lại vốn vay 365,934 tỷ đồng…

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh thay mặt đoàn giám sát phát biểu thống nhất chủ trương xây dựng Dự án “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên ngành chức năng cần bổ sung thêm các ý kiến đóng góp của các thành viên đoàn giám sát. Trong đó quan tâm đến việc thực hiện các chế độ chính sách ưu tiên cho ngành nghề nông thôn, như: ưu tiên về vay vốn, ưu tiên về chính sách thuế, hỗ trợ kinh phí cho người học nghề và người dạy nghề nông thôn; cần có chính sách cụ thể cho từng loại ngành nghề, từng đối tượng tham gia các loại ngành nghề ở nông thôn.

D.H