BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội:

Cần có cơ chế bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội (*)

Cập nhật ngày: 06/06/2014 - 06:34

Thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sáng ngày 3.6, các vị đại biểu Đoàn ĐBQH Tây Ninh đều cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật này. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Lê Minh Trọng tán thành các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức, mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan, còn những vấn đề cụ thể khác, đại biểu đề nghị tiếp tục quy định trong các luật khác.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm còn băn khoăn, cho rằng dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi lần này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Bởi vì, trong dự thảo Luật còn nhiều quy định chưa cụ thể, rõ ràng, để Quốc hội đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, như: Chương I- Về Quốc hội, trong Hiến pháp đã quy định rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhiệm kỳ của Quốc hội, nên nhiệm vụ của Luật Tổ chức Quốc hội là cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp. Trong khi đó dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chỉ nhắc lại quy định của Hiến pháp mà chưa được chuyển hoá thành các nội dung chi tiết.

Về cơ chế, điều kiện bảo đảm hoạt động cho ĐBQH; các đại biểu Lê Minh Trọng, Nguyễn Thành Tâm cho rằng các quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH trong dự thảo luật mới phản ánh được thực tiễn hiện nay, và mới chỉ có các điều chỉnh nhỏ mà chưa có những cải tiến lớn về cơ chế làm việc, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH.

Để ĐBQH thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện cho nhân dân, bên cạnh việc bản thân mỗi đại biểu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đại biểu, thì còn cần phải có các cơ chế bảo đảm cần thiết, hỗ trợ cho hoạt động của ĐBQH như cung cấp đầy đủ thông tin, có trợ lý, thư ký giúp việc và được bảo đảm kinh phí hoạt động.

Có như vậy mới khắc phục được phần nào tình trạng đại biểu Quốc hội tự thân vận động như hiện nay. Mặt khác, để bảo đảm đại biểu Quốc hội thực sự là người đại diện của nhân dân, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Quốc hội, thì cũng cần có thêm các quy định gắn trách nhiệm của đại biểu với cử tri, trước hết là cử tri tại nơi đã bầu ra đại biểu.

Các đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình; bổ sung các quy định nhằm hạn chế tình trạng hành chính hoá hoạt động của cơ quan dân cử, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quyết định của đại biểu Quốc hội.

Về Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (Điều 116), đại biểu Lê Minh Trọng cho rằng, việc quy định chức danh Tổng thư ký Quốc hội sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đối ngoại, và cũng phù hợp với cách thức tổ chức công tác phục vụ các hoạt động chung của nghị viện nhiều nước.

Tuy nhiên, đại biểu Trọng đề nghị cần tách các điều riêng để quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng thư ký Quốc hội, các Phó Tổng thư ký và Uỷ viên thư ký Quốc hội, đây là các đại biểu Quốc hội hay là các công chức thuộc bộ máy giúp việc; mối quan hệ công tác giữa Tổng thư ký Quốc hội, các Phó Tổng thư ký và các Uỷ viên thư ký với Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội trong việc thực hiện các hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội như thế nào.  

 Về Đoàn ĐBQH (Điều 58), đại biểu Nguyễn Hoài Phương đề nghị  quy định Đoàn ĐBQH là một cơ quan của Quốc hội ở địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn và kinh phí độc lập để tăng cường vị thế của Đoàn, hỗ trợ tốt hơn cho đại biểu Quốc hội trong điều kiện phần lớn đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm, để bảo đảm ĐBQH thực sự là chủ thể quan trọng, giữ vị trí trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, bên cạnh việc bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu và tạo điều kiện để đại biểu hoạt động thì cũng cần quy định rõ ràng cơ quan giúp việc của Đoàn ĐBQH ở địa phương

Duy Quang

(Lược ghi)

___________

(* ) Tựa đề do Toà soạn đặt