Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cần có giải pháp gìn giữ nghề truyền thống
Thứ tư: 00:13 ngày 05/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong Kế hoạch số 2182 ngày 12.7.2022 về phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh năm 2022, UBND tỉnh nêu rõ mục đích “Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”.

Nghề làm nhang ở Long Thành Bắc, Hoà Thành 

Nghề truyền thống đang dần mai một

Khu phố Bình Nguyên 1, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng, xưa vốn nổi tiếng với nghề đương đệm. Bà Trần Thanh Thuỷ làm nghề đương đệm đã 40 năm. Bà cho biết, từ năm 19 tuổi, bà lấy chồng về đây và học nghề đương đệm. Nhà nào cũng có người đương, không kể đàn ông hay phụ nữ. Hiện nay, chỉ còn khoảng 10 hộ duy trì nghề đương đệm, đa số là những người lớn tuổi.

“Chủ yếu các bà ở nhà giữ cháu rồi đương, kiếm chút tiền chợ. Đương này giờ chỉ kiếm đủ tiền mua rau. Cả ngày ngồi đương được 1 tấm đệm bán 140.000 đồng, trong đó hết một nửa là tiền vốn rồi. Nên nếu làm nghề để nuôi gia đình thì không làm được đâu”- bà Thuỷ nói.

Chị Lê Thị Gái, người thu mua đệm bàng tại phường Gia Bình và cũng là người cung cấp cọng bàng cho các hộ đương đệm nơi đây. Mỗi năm, chị Gái mua bàng ở Long An về bán cho các hộ trữ lại để đan cả năm. “Nghe nói, bên Long An người ta đang có quy hoạch làm khu công nghiệp, vài năm nữa, sợ không còn bàng để đương. Nghề này có khi phải mất”- chị Gái lo lắng.

Tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, mọi người biết đến với nghề chằm nón lá đã mấy chục năm. Tuy nhiên, hiện nay, công việc này còn rất ít người làm.

Chị Trần Thị Ánh (khu phố Ninh Thọ) cho biết, từ nhỏ, chị đã thấy mẹ chằm nón. “Hồi xưa, chằm nón có ăn. Nguyên liệu rẻ, mình còn trẻ, mắt tỏ, làm gì cũng nhanh, nên chằm nón là nghề thu nhập chính của cả nhà. Mấy năm nay, vật giá cái gì cũng lên, mà tiền nón bán ra mấy năm trời mới lên được 1-2 ngàn đồng. Tôi giờ công việc chính là đi phụ nấu đám tiệc, rảnh mới chằm nón. Làm để mình không ở không, chủ yếu lấy công làm lời thôi, chứ sống bằng nghề này thì thua rồi”- chị Ánh nói.

Nhà của bà Lưu Thị Công (73 tuổi) ở khu phố Ninh Lộc từng một thời nón lá chất đầy nhà, nhưng nay, trong nhà chỉ lác đác vài chồng nón. “Mấy chục năm trước, cả xóm chằm nón. Có tới 20 người thu mua mà vẫn có nón để mua, bán. Còn nay chỉ còn tôi với một người nữa mua mà sáng giờ mua chưa được 50 cái nón. Hồi xưa làm nuôi con, giờ làm không đủ sống đâu”- bà Công nói.

Bà Công còn giới thiệu cho chúng tôi hai cây nón lá vành nhựa bà mới nhập về. Bà Công cho biết, đây là nón công nghiệp, vành nhựa, may máy, cho ra thành phẩm nhanh nên giá thành “mềm” hơn so với nón truyền thống. Dù có tiếc nuối về một làng nghề thịnh vượng ngày xưa, nhưng bà cũng hiểu quy luật kinh tế thị trường, cái gì rẻ, tiện thì dễ tiêu thụ hơn.

15 năm trước đây, đi qua khu vực Long Chí, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành, mọi người sẽ bắt gặp tầm vông, tre… được các vựa mua về để làm thành sản phẩm ghế tre, giường tre… Nhưng nay chỉ một số ít hộ còn làm nghề. Chị Võ Thị Ngọc Phát- chủ Công ty TNHH MTV mây tre lá Hùng Phát cho biết, đây là nghề truyền thống của gia đình. Công ty có khoảng 10 người làm. “Trước đây nhiều hộ làm lắm, nhưng giờ người ta nghỉ hết rồi. Nhà tôi còn làm là để mình không phải đi làm thuê cho người khác. Giờ hàng chủ yếu xuất khẩu nên yêu cầu cao hơn, cây phải đẹp, không được trầy xước, đóng gói kỹ lưỡng. Do đó, tiền công thợ cũng nhiều lắm. Chủ yếu lấy công làm lời thôi”, chị Ngọc Phát nói.

Nghề chằm nón lá ở Ninh Sơn.

Cần có giải pháp kịp thời

Trên địa bàn thị xã Hoà Thành hiện có các nghề truyền thống như mộc gia dụng, làm nhang, mây tre đan… Theo ông Lê Hồng Vân- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành, hoạt động của các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thị xã ổn định, song chưa phát triển về số lượng và chất lượng; chưa đầu tư vốn, công nghệ cho các nghề này, việc quản lý các nghề truyền thống chưa chặt chẽ, còn bất cập. Thu nhập bình quân của lao động ngành nghề nông thôn còn thấp (trung bình 4-6,5 triệu đồng/người/tháng).

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các dự án khuyến công, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xúc tiến đầu tư và thương mại du lịch. Có chính sách kèm theo hướng dẫn về xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn và chính sách ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất ngành nghề, ưu tiên cho các lĩnh vực: bảo quản chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ... chính sách về đào tạo, thu hút các nghệ nhân tham gia các hoạt động đào tạo, đào tạo nghề cho các thế hệ kế cận, bảo tồn nghề truyền thống”- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành cho biết.

Còn theo ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng, khó khăn hiện nay trong phát triển nghề truyền thống là các cơ sở, hợp tác xã và doanh nghiệp về ngành nghề nông thôn vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chủ yếu về mặt cơ chế tín dụng và thủ tục vay vốn. Một số nghề truyền thống đã được hình thành ở các địa phương từ lâu đời như nghề chằm nón lá, sản xuất đũa tre, nghề rèn… sản xuất mang tính nhỏ lẻ, cầm chừng, không ổn định, hiệu quả thấp, có xu hướng mai một, nhưng các địa phương có nghề truyền thống chưa có kế hoạch hỗ trợ cụ thể nhằm bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống.

“Chúng tôi sẽ kêu gọi doanh nghiệp, huy động vốn trong dân, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư cho các nghề truyền thống đã bị mai một và phát triển các làng nghề có tiềm năng kết hợp du lịch. Cùng với đó, địa phương sẽ rà soát tình hình hoạt động của các làng nghề, ngành nghề nông thôn đối với những nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trong quá trình bị mai một và có khả năng bị thất truyền như nghề đương đệm, mây tre đan… xác định bảo tồn là chính, coi đó là tài sản văn hoá”- ông Hà Minh Dảo cho biết.

Nghề mây tre đan ở Long Thành Trung.

Ông Trương Tấn Đạt- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, một trong những khó khăn để phát triển ngành nghề nông thôn do phần lớn quy mô sản xuất nhỏ, các vùng nguyên liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt, các sản phẩm ngành nghề nông thôn chưa gắn kết với các điểm, tuyến du lịch có phần hạn chế việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Đạt, để có thể phát triển ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có kế hoạch tổ chức lại các hoạt động sản xuất trong lĩnh vực này theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức hợp đồng liên kết gắn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết. Đồng thời, ngành sẽ nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng hỗ trợ đối với các sản phẩm nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản khác của địa phương.

Ngọc Diêu

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục