Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, sáng 23.5, các đại biểu thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ sáng 23.5
Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tham gia thảo luận tại tổ 11, cùng với các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang và Tp.Đà Nẵng.
Phát biểu thảo luận tại tổ 11, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra; tuy nhiên ông Phạm Hùng Thái cũng nêu một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Trong đó, đáng chú ý như trong năm 2023 có 89.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, tăng 20% so với năm 2022.
Ông Phạm Hùng Thái cho biết, lao động ở khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, hầu hết lực lượng lao động này có trình độ chuyên môn thấp và thiếu tính bền vững trong việc làm; có đến 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo và10% là lao động thất nghiệp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các chính sách xã hội như là bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội…
Ông Phạm Hùng Thái cũng đề cập đến việc thừa và thiếu cục bộ giáo viên còn khá phổ biến, nhất là ở vùng sâu vùng xa, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục; tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa có chuyển biến tích cực và chưa khắc phục được.
Đại biểu Phạm Hùng Thái phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Với những nội dung tồn tại, hạn chế và những vấn đề đại biểu quan tâm, ông Phạm Hùng Thái đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện tập trung, quyết liệt với các giải pháp cụ thể để cải thiện những cái vấn đề này trong thời gian tới.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần xem xét trách nhiệm trong việc khắc phục chưa triệt để tình trạng thiếu thuốc, hoá chất trong khám chữa bệnh thuộc danh mục thuốc bảo hiểm y tế ở khu vực công; việc Bộ Y tế chậm ban hành thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí cho người tham gia bảo hiểm y tế do thiếu thuốc.
Bên cạnh đó, bàn về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, thực hiện có chất lượng, đạt chỉ tiêu đến năm 2025 có 40% tỉnh, thành phố có ít nhất 1 cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người đồng tính, song tính, chuyển giới (gọi chung là giới tính thứ 3), vì đến nay, theo báo cáo chỉ có 9/63 địa phương thực hiện (đạt 14%);
Đề nghị Chính phủ quan tâm tăng cường tuyên truyền nhận thức về giới, chống phân biệt đối xử, bạo lực, xâm hại đối với người thuộc giới tính thứ 3, nhất là trong trường học để các em được bình đẳng, an toàn, tự tin phát triển nhân cách.
Tố Tuấn
(lược ghi)