BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần có một cơ quan điều phối tần số vô tuyến điện

Cập nhật ngày: 26/10/2009 - 03:54

Sáng 26.10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tần số vô tuyến điện của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện gồm 8 chương, 48 điều, quy định về quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý hoặc sử dụng tần số vô tuyến điện, sản xuất, nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện.

Dự án Luật tần số vô tuyến điện đã được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Đa số ý kiến đại biểu đều nhất trí cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật tần số vô tuyến điện, đã tiếp thu được rất nhiều ý kiến đóng góp cần thiết và rất quan trọng của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đưa ra tại kỳ họp trước. Đại biểu Phan Xuân Dũng (đoàn Thừa Thiên-Huế) cho rằng đây là một trong số ít dự thảo Luật được quy định rất cụ thể, chi tiết trong các điều, khoản. Sau khi được thông qua, Luật này có thể áp dụng ngay vào cuộc sống.

Hầu hết ý kiến các đại biểu Quốc hội cũng tán thành với nhận định của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội rằng, tần số vô tuyến điện là tài nguyên quan trọng đặc biệt và gắn liền với an ninh quốc gia. Vì vậy, cần có sự quản lý chặt chẽ tần số vô tuyến điện, bằng các quy định pháp luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện.

Về chính sách quản lý của Nhà nước về tần số vô tuyến điện, đa số đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật quy định tại điều 4, trong đó xác định ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện; tăng cường hợp tác quốc tế về tần số vô tuyến điện để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh…

Đối với quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về tần số vô tuyến điện, hầu hết các đại biểu cho rằng, cần có điều khoản quy định riêng, cụ thể và chặt chẽ, nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong công tác quản lý tần số vô tuyến điện, nguồn tài nguyên đặc biệt gắn liền với an ninh quốc gia. Đa số đại biểu đều đồng tình với Báo cáo giải trình của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh việc cần thiết phải có một Uỷ ban quản lý tần số vô tuyến điện. Đại biểu Phan Xuân Dũng, đoàn Thừa Thiên - Huế nêu ý kiến: “Tần số vô tuyến điện là lĩnh vực công nghệ cao, không chỉ phục vụ kinh tế xã hội mà quan trọng là phối hợp kinh tế với quốc phòng an ninh. Việc phải có một cơ quan điều phối, cơ quan tư vấn về lĩnh vực này rất có lợi cho việc bảo vệ an ninh quốc gia cũng như nhiều vấn đề khác mà một Bộ, ngành không thể giải quyết được”.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu góp ý kiến trong phiên thảo luận sáng 26.10 là vấn đề thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện. Nhiều đại biểu cho rằng việc giao cho thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông thực hiện trọng trách này là chưa hợp lý. Đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh) cho rằng dự thảo Luật quy định giao cho thanh tra Bộ Thông tin-Truyền thông thực hiện chức năng thanh tra ngành về tần số vô tuyến điện là chưa linh hoạt trong việc triển khai thực hiện và cũng không có gì khác biệt so với Luật Thanh tra hiện hành. Hơn nữa, do việc quản lý của Bộ là đa ngành, đa lĩnh vực, nếu để thanh tra Bộ thực hiện chức năng thanh tra ngành e rằng sẽ quá tải, không đủ lực lượng, đặc biệt là lực lượng cán bộ có chuyên môn sâu về tấn số vô tuyến điện.

Cũng về vấn đề thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện, nhiều đại biểu đề nghị không quy định tổ chức này trong Luật mà thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, có thể quy định trong Luật, nhưng chỉ mang tính định hướng, tạo điều kiện cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định; không nên quy định quá cụ thể, trong khi Luật Thanh tra đang trong quá trình sửa đổi.

Chiều 26.10, các đại biểu Quốc hội làm việc ở Tổ, thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

(Theo VOV News)