BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần có phương thức mới trong tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số 

Cập nhật ngày: 24/11/2022 - 07:43

BTNO - Ngày 22.11, bà Tôn Ngọc Hạnh- Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 – 2030”, giai đoạn 1 từ 2022-2025 (gọi tắt là Chương trình).

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Minh Nay báo cáo kết quả thực hiện chương trình.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong.

Tây Ninh bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình

Ông Trần Minh Nay- Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, để thực hiện Chương trình, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tham mưu trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 24.8.2022 về phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và Nghị quyết 66/NQ-HĐND ngày 24.8.2022 về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện Chương trình. 

Trong năm 2022, tổng mức vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh hơn 11 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp là hơn 3,4 tỷ đồng và nguồn vốn địa phương đối ứng trên 1,4 tỷ đồng. 

Trong giai đoạn 1, Tây Ninh triển khai thực hiện 7 dự án thành phần. Cụ thể: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong thông tin một số nội dung về dân tộc, tôn giáo cho Trung ương Hội.

Theo ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tây Ninh có 21 DTTS, chiếm 90% là dân tộc Khmer, Chăm và Hoa, còn lại 10% là 18 DTTS khác. Về tôn giáo có gần 50% là tôn giáo Cao Đài. Là tỉnh có nhiều DTTS, số dân theo tôn giáo chiếm tỷ lệ cao, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tôn giáo, dân tộc nên công tác tôn giáo, dân tộc ở Tây Ninh luôn ổn định, chưa từng xảy ra vấn đề phức tạp trên lĩnh vực này. 

Năm 2023, Tây Ninh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào DTTS, như: xây dựng nhà hỏa táng tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên; xây dựng đường giao thông nông thôn nhựa, bê tông trong khu đồng bào DTTS; đầu tư trạm nước sạch cho đồng bào DTTS, riêng những hộ sống riêng lẻ sẽ được hỗ trợ các thiết bị xử lý nước.

Tỉnh cũng đang đầu tư nâng cấp trường học dành cho con em đồng bào DTTS, xây dựng chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho đồng bào DTTS. Tỉnh cũng đang chỉ đạo rà soát các chương trình bảo tồn văn hoá của đồng bào DTTS để có hướng triển khai. 

Cán bộ Hội cần nói được tiếng đồng bào dân tộc thiểu số

Qua thực tế tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên và nghe báo cáo của tỉnh, các sở, ngành, Phó Chủ tịch Trung ương hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh đánh giá cao những kết quả của Tây Ninh đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó là nhờ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trong công tác chăm lo cho đời sống đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ DTTS. 

Trong thời gian tới, bà Hạnh mong rằng, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác phụ nữ, bảo đảm cơ sở vật chất cho các cấp Hội cũng như công tác thông tin, chuyển đổi số cho các cấp Hội mạnh mẽ hơn nữa, để hướng tới xã hội số. 

Đối với các dự án về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị và thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, theo bà Hạnh, trên địa bàn tỉnh không có đối tượng thụ hưởng cũng như không có xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng tỉnh vẫn tiếp tục quan tâm, tổ chức lồng ghép, tích hợp vào các chương trình của tỉnh như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển các tổ, nhóm cho phụ nữ DTTS… tạo chuyển biến tích cực trong đời sống của đồng bào DTTS. 

“Về công tác bình đẳng, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã triển khai khá nhiều nội dung, nhưng phần nhiều tập trung vào đối tượng cán bộ viên chức, người lao động. Mong rằng sau này, tỉnh sẽ có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, tập trung cho các đối tượng không chỉ là phụ nữ DTTS, mà cả phụ nữ vùng sâu vùng xa, những người yếu thế, kiến thức còn hạn chế. Tây Ninh không phải là điểm nóng về vấn đề bạo lực gia đình, nhưng địa phương cần xây dựng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ tư vấn xây dựng gia đình hạnh phúc”- Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam nói.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS tại Tây Ninh.

Bà Tôn Ngọc Hạnh đề nghị Hội LHPN tỉnh tiếp tục quan tâm đến phụ nữ tôn giáo, xây dựng lực lượng nòng cốt để cùng cán bộ hội tuyên truyền; nghiên cứu ngay những kế hoạch dài hơi để tham mưu cho UBND tỉnh cũng như đồng hành với các sở, ngành để có những hoạt động tạo điểm nhấn cho phong trào hội trong chăm lo đời sống của phụ nữ DTTS.

Lãnh đạo Trung ương hội LHPN Việt Nam lưu ý Tây Ninh cần có giải pháp đối với rào cản ngôn ngữ trong công tác tuyên truyền. Việc phiên dịch nội dung tuyên truyền, đào tạo ngôn ngữ cho cán bộ hội… giúp cho việc chuyển tải thông tin được nhanh hơn, để đồng bào DTTS tiếp cận thông tin trực tiếp, thay vì qua phiên dịch là già làng, người uy tín như hiện nay. 

Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống với 5.551 hộ/20.415 người, chiếm 1,73% dân số toàn tỉnh. Trong đó, chủ yếu là dân tộc Khmer (chiếm 0,78%); dân tộc Chăm (chiếm 0,38%), dân tộc Hoa (chiếm 0,26%). 

Về tôn giáo, Tây Ninh có 8 tôn giáo với 382 cơ sở tôn giáo được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, gồm: Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Baha’I, Phật giáo Hoà Hảo. Đạo Cao Đài Tây Ninh chiếm gần 50% dân số tỉnh. Tổng số tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trong tỉnh là 834.848 người, chiếm 70,85% dân số tỉnh. 

Ngọc Diêu