BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần công khai kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Cập nhật ngày: 04/11/2011 - 11:09

Dự án Luật Giáo dục Đại học (ĐH) cần chú trọng đến quản lý chất lượng hoạt động của các trường ĐH. Đây là một trong những nội dung thảo luận khá sôi nổi trong phiên họp của Quốc hội ở tổ sáng 4.11.

Chất lượng phải đặt lên hàng đầu

Trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH cần nêu rõ ràng đối với việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là thành lập các trường ĐH liên kết với nước ngoài. Đây là ý kiến của đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên-Huế). Ông cho rằng, việc xã hội hoá giáo dục và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục là rất cần thiết khi mà ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này không thể bao cấp đủ. Tuy nhiên, việc kêu gọi tổ chức, cá nhân mở trường dạy theo chương trình nước ngoài cần được kiểm tra sát sao. Bởi vì, mô hình học tập, chất lượng giáo dục nước ngoài có thể không phù hợp với nước ta hoặc áp dụng vào nước ta một cách hạn chế.

“Hằng năm, Bộ Giáo dục-Đào tạo nên công khai việc kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường ĐH để cho người dân biết rõ khả năng giảng dạy của các trường đến đâu” - Đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) nhấn mạnh và cho rằng, hiện nay, nước ta có quá nhiều trường ĐH được thành lập, tỉnh cũng có trường, hầu như Bộ, ngành nào cũng có nhưng chất lượng thì rất khó kiểm soát. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục-Đào tạo cần kiểm soát chất lượng hoạt động của các trường do các Bộ, ngành thành lập.

Đại biểu Lù Thị Lừu (đoàn Lào Cai) phát biểu ý kiến

Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Lù Thị Lừu (đoàn Lào Cai) nhấn mạnh: Trong giáo dục ĐH đang tồn tại hệ giáo dục ĐH tại chức nhưng nhiều trường mở ra và tuyển sinh ồ ạt nhưng chất lượng giảng dạy không đảm bảo. Thí sinh đi học không đủ số tiết, nhiều thí sinh còn thuê người học hộ, khi đến kỳ thi thì mới đến.

Đại biểu Lù Thị Lừu kiến nghị, Dự án Luật Giáo dục ĐH cần có thêm một chương quản lý chất lượng đối với hệ giáo dục ĐH tại chức cũng như cấp phát văn bằng cho hệ này.

Đề cập chất lượng giáo dục ĐH, đại biểu Hà Huy Thông (đoàn Thừa Thiên-Huế) kiến nghị: Dự thảo Luật Giáo dục ĐH có thêm quy định đối với việc báo cáo của các trường về số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm hàng năm là bao nhiêu; công khai đánh giá chất lượng giảng dạy của sinh viên đối với giảng viên.

Giao quyền tự chủ nhiều hơn cho trường làm tốt

Theo các đại biểu, Dự án Luật Giáo dục đại học (ĐH) cần đưa ra tiêu chí cụ thể đối với quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH.

Theo đại biểu Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình), trong Dự án Luật Giáo dục ĐH nên quy định rõ giao quyền tự chủ cho các trường ĐH về cái gì, đến đâu, tránh trường hợp các trường phải thực hiện cơ chế xin-cho. Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường sẽ thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo và sẽ có trách nhiệm đối với những hoạt động giáo dục của mình.

Đồng ý quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) cho rằng: Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường cần phải được quy định rõ ràng như: Quyền tự chủ về xây dựng cơ sở vật chất, tuyển sinh và tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, quyền tự chủ này phải được Bộ Giáo dục-Đào tạo quản lý, kiểm tra sát sao.

Tuy nhiên, đại biểu Hà Huy Thông (đoàn Thừa Thiên-Huế) nêu ý kiến: “Không thể giao hết quyền tự chủ cho các trường ĐH, bởi vì như thế hệ thống giáo dục ĐH sẽ hoạt động một cách rối loạn mà không có sự quản lý của Nhà nước. Việc giao quyền tự chủ cho các trường chỉ nên dựa trên năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của các trường. Trường nào đảm bảo chất lượng đào tạo tốt thì được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại. Có như vậy, các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và phát triển”.

Xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai sự thật

Các đại biểu nhất trí cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Quảng cáo trong bối cảnh hoạt động quảng cáo ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình quảng cáo mới xuất hiện, đặc biệt là quảng cáo trên Internet và các phương tiện điện tử.

Hệ thống phát luật về quảng cáo không còn phù hợp, bộc lộ nhiều mâu thuẫn bất cập, đặt ra yêu cầu phải có một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn điều chỉnh hoạt động quảng cáo trong tình hình mới.

Đa số đại biểu đề nghị giao cho Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về quảng cáo bởi mục đích chính của công tác quảng lý hoạt động quảng cáo là quản lý nội dung sản phẩm quảng cáo.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Nga của Hà Nội, Trịnh Xuyên của Thanh Hóa và nhiều đại biểu khác cho rằng cần giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về quảng cáo. Bộ cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan để công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo được thực hiện tốt hơn.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Xuân Trường của Hải Phòng lại đề nghị công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, nội dung quảng cáo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm, bởi hiện nay, có tới 80% thị phần quảng cáo được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch chỉ trực tiếp quản lý quảng cáo ngoài trời.

Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Nga, Phạm Thanh Hùng của Hà Nội hiện nay hoạt động quảng cáo còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân, nhất là việc quảng cáo sai sự thật vẫn đang tồn tại, gây hệ lụy rất lớn cho xã hội. Tin nhắn quảng cáo gửi vào điện thoại, phát tờ rơi ở ngã tư đèn đỏ, rao vặt bằng loa đài, âm thanh gây ồn ào nơi công cộng hoặc quảng cáo có yếu tố nước ngoài, không hề có tiếng Việt… là những vấn đề cần quy định cụ thể trong Luật với mức xử phạt thật nghiêm.

Đại biểu Lê Minh Thông của Thanh Hóa đề nghị cần quy định cấm sử dụng thuần túy tiếng nước ngoài vào quảng cáo; quy định rõ trách nhiệm của người quảng cáo, kinh doanh quảng cáo, phát hành quảng cáo để dễ quy kết khi có sai phạm.

Quảng cáo là lĩnh vực nhạy cảm nên cần phân định rõ nội dung cần xin phép và nội dung không cần xin phép; thận trọng khi cấp phép với loại hình quảng cáo nơi công cộng và quảng cáo bằng đoàn người; quy hoạch quảng cáo ngoài trời vẫn chưa thực sự rõ, cần gắn với quy hoạch đô thị, dân cư…

Theo VOV