Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trái mãng cầu núi Bà Đen nổi tiếng từ lâu, nhưng cũng chỉ được bán dưới dạng nguyên trái, hiếm có loại sản phẩm nào khác được chế biến từ loại trái cây này để đưa ra thị trường.
Chăm sóc mãng cầu núi Bà Đen ở Ma Thiên Lãnh. Ảnh: Nguyễn Minh Thiện
Theo anh Kiên (ngụ xã Phan, huyện Dương Minh Châu), người trồng và cũng là thương lái mua mãng cầu, thời gian qua, giá mãng cầu rất thất thường, có lúc 50 ngàn đồng/kg, nhưng chỉ vài ngày sau chỉ còn hơn 20 ngàn đồng/kg.
Trái mãng cầu được phân thành 3 loại, có giá khác nhau. Mãng cầu loại một trái to, đẹp, khoảng 3 đến 4 trái/kg, có giá bán cao nhất. Còn trái mãng cầu loại 3 nhỏ nhất (còn gọi là mãng cầu bi), có giá rẻ nhất.
Do đó, lúc giá mãng cầu xuống thấp, mãng cầu bi trở nên “rẻ như cho”, trong khi chất lượng mãng cầu loại một và mãng cầu bi hầu như không khác gì nhau. Trong thực tế, nhiều nông dân phải thu hoạch đa phần mãng cầu bi do thời tiết bất lợi hoặc do sự cố trong quá trình chăm sóc. Mà như thế, nông dân có lãi ít hoặc không có lãi.
Vì vậy, nông dân mong muốn các ngành chức năng, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu, chế biến ra những sản phẩm từ trái mãng cầu như mứt, rượu, nước ép... Qua đó, người nông dân sẽ có thêm kênh tiêu thụ trái mãng cầu, và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Anh Bửu, người trồng mãng cầu ở xã Thạnh Tân cho hay, nếu mãng cầu có thị trường thu mua và giá cả ổn định, nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư, chăm sóc vườn để cho ra sản phẩm có chất lượng cao hơn. Mặt khác, nếu trái mãng cầu được chế biến thành nhiều sản phẩm theo xu hướng hiện đại, chắc chắn thị trường tiêu thụ sẽ được mở rộng, ổn định và có lợi cho nông dân hơn.
Bà Ngô Thị Mon- một doanh nhân rất tâm huyết với việc nghiên cứu, chế biến sản phẩm từ trái mãng cầu cho biết đã sản xuất thành công sản phẩm rượu mãng cầu từ nhiều năm qua, và đã đưa ra thị trường dưới dạng sản phẩm “homemade”.
Theo bà Mon cho biết, trước đây, bà đã định đầu tư một cơ sở sản xuất rượu mãng cầu có diện tích lớn tại ấp Phước Long 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu. Dự án này có khả năng tiêu thụ trung bình khoảng 2 tấn trái mãng cầu/ngày. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay dự án chưa triển khai được. Dù vậy, bà Mon vẫn đam mê nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất rượu mãng cầu với quy mô nhỏ để bán ra thị trường.
Phân loại trái mãng cầu sau khi thu hoạch.
Thời gian qua, có nhiều người đề nghị hợp tác sản xuất rượu mãng cầu nhưng bà Mon vẫn còn phân vân. “Nếu như có nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm từ trái mãng cầu, tôi sẽ chủ động xây dựng nhà máy, mua trang thiết bị - dây chuyền sản xuất với quy mô lớn, rồi xây dựng thương hiệu...
Lúc đó, tôi sẽ đưa rượu mãng cầu Tây Ninh trở thành sản phẩm đặc sản của tỉnh, đồng thời còn giúp người nông dân tiêu thụ được sản phẩm mãng cầu chín- vốn được xem là phụ phẩm, bán rất rẻ”.
Bà Mon cho biết thêm, nếu dự án sản xuất rượu mãng cầu có điều kiện triển khai, công ty của bà sẽ ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm mãng cầu chín với nông dân, đồng thời sẽ cho ra đời thêm nhiều sản phẩm khác từ trái mãng cầu như nước ép, kẹo.
Được biết, cuối tháng 5.2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định triển khai đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh với tên gọi “Nghiên cứu chế biến sản phẩm nước trái cây lên men từ trái mãng cầu ta Tây Ninh do Trường đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện. Việc triển khai đề tài khoa học này nhằm nâng cao giá trị sử dụng, giá trị gia tăng, đa dạng hoá sản phẩm từ trái mãng cầu.
THIÊN TÂM