BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao của dự án luật, pháp lệnh

Cập nhật ngày: 04/06/2009 - 07:54

Thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 sáng 4.6, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng luật, pháp lệnh cần đảm bảo về chất lượng và phải mang tính khả thi cao nhằm phát huy tác dụng tích cực trong đời sống xã hội.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010

Theo một số đại biểu, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 nên được cân đối, phân bổ hợp lý đối với cơ quan chủ trì xây dựng dự án nhằm đảm bảo tính khả thi và chất lượng của các dự án luật trước khi đưa ra trình Quốc hội. Bên cạnh đó, cần tính đến khả năng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để tránh tình trạng dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan.

Về vấn đề trên, đại biểu Trần Thị Thanh Bình (Bến Tre), Lê Thị Mai (Hải Phòng) đưa ra dẫn chứng, có một số Bộ phải chủ trì quá nhiều dự án xây dựng luật, pháp lệnh (Bộ Tư pháp trong năm 2010, chủ trì xây dựng 6 dự án luật/24 dự án luật đề nghị thông qua tại các kỳ họp của Quốc hội). Nhiều năm trước đây, có những dự án luật được đưa ra Quốc hội song các đại biểu phải mất quá nhiều thời gian để đóng góp cho dự thảo luật đó; một số dự án luật dù đã được trình nhưng vẫn có đại biểu còn bày tỏ sự băn khoăn về tính cần thiết phải ban hành luật...

Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 gồm 35 dự án thuộc Chương trình chính thức, trong đó có 34 dự án luật (thông qua 24 dự án, cho ý kiến 10 dự án), 1 dự án pháp lệnh; 22 dự án luật thuộc Chương trình chuẩn bị.

Các đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh), Hoàng Văn Thái (Ninh Thuận) cho rằng, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 nên chú ý tới việc xây dựng và ban hành các đạo luật trực tiếp góp phần chống suy giảm kinh tế, chủ động phòng, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân.

Nhiều đại biểu khác cũng chỉ ra một số dự án luật thực sự không cần thiết phải đưa vào Chương trình xây dựng như Luật Nuôi con nuôi, Luật Giáo viên, bởi đây là đây là những vấn đề, lĩnh vực được điều chỉnh trong Luật Hôn nhân và Gia đình và Luật Giáo dục... Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, việc ban hành các dự án luật cần hết sức tránh sự chồng chéo, bởi sự chồng chéo sẽ dẫn tới việc ban hành một luật phải sửa đổi nhiều luật khác.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị trong Chương trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh năm 2010 không nên đưa các dự án luật như: Luật Nuôi con nuôi, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo viên, Luật Bưu chính và Chuyển phát... vào chương trình chính thức, bởi đây là những những luật chưa thực sự bức thiết.

Bên cạnh đó, việc điều chuyển một số dự án luật vào chương trình chính thức như: dự án Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Dự án Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân... cũng được nhiều đại biểu đề nghị.

* Chiều cùng ngày, trong phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh những vấn đề như: cấp chứng chỉ hành nghề đối với đội ngũ cán bộ y tế; vấn đề công chức, viên chức y tế hành nghề khám chữa bệnh (KCB) tư nhân; xã hội hoá các bệnh viện công; chất lượng của cơ sở KCB...

Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Đa số các đại biểu đều nhất trí về tính cần thiết và nội dung cơ bản của Dự án Luật này với 8 chương và 81 điều; cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được ban hành sẽ góp phần tạo môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở KCB của Nhà nước với cơ sở KCB tư nhân, trên cơ sở đó đáp ứng ngày càng tốt hơn chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về tên gọi của Dự án Luật, cũng có ý kiến đề nghị đổi tên thành Luật hành nghề y vì Dự thảo luật quy định chủ yếu liên quan đến người hành nghề y, điều kiện hành nghề, cấp mới, thu hồi, gia hạn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB.

Về cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, các đại biểu Trần Kim Hồng (TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Hữu Tín (Bình Dương) nhất trí với quy định phải cấp chứng chỉ hành nghề cho tất cả cán bộ y tế công lập và tư nhân như trong Dự thảo Luật, bởi tác dụng chuẩn hoá các đối tượng hành nghề y.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề y tế tư nhân, không nhất thiết phải cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế làm việc tại các cơ sở KCB của Nhà nước vì trước khi được tuyển dụng vào các cơ sở KCB nhà nước những người này đều đã được kiểm tra trình độ về chuyên môn, y đức.

Hơn nữa, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho khoảng 250.000 cán bộ y tế trong điều kiện hiện nay của ngành y tế là không dễ thực hiện.

Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, đại biểu Nguyễn Hữu Tín (Bình Dương) đề nghị bổ sung thêm điều kiện có chứng nhận đủ tiêu chuẩn về y đức.

Về việc cấp và đổi giấy phép hoạt động của các cơ sở KCB, một số ý kiến đề nghị không nên lấy tên là giấy phép hoạt động mà nên lấy tên là giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở KCB. Bởi, theo Luật doanh nghiệp, hoạt động của các cơ sở KCB là hoạt động có điều kiện, như vậy việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở KCB là phù hợp.

Điều 52 về cấp cứu, đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung trách nhiệm của cơ sở KCB trong việc cấp cứu người bệnh và trách nhiệm của thầy thuốc, cũng như người dân trong việc cấp cứu bệnh nhân ở ngoài cơ sở KCB.

Theo đại biểu Võ Minh Thức (Phú Yên) và một số đại biểu khác, các bệnh viện công đang được khuyến khích thực hiện chủ trương xã hội hoá nhằm huy động nguồn lực phục vụ KCB, chia sẻ gánh nặng về KCB với nhà nước và cải thiện đời sống cán bộ y tế. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp lý làm căn cứ xử lý hậu quả phát sinh về tranh chấp, quyền sở hữu tài sản giữa các bên tham gia xã hội hoá. Đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc bổ sung thêm một số quy định nguyên tắc về vấn đề này.

Điều về công chức, viên chức y tế hành nghề KCB tư nhân nhiều đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng cần tạo ra ranh giới pháp lý rõ ràng giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân, tránh tình trạng lạm dụng các bệnh viện Nhà nước để phục vụ lợi ích cá nhân.

Về công nhận chất lượng đối với cơ sở KCB, một số ý kiến cho rằng, cần xem xét để bổ sung các quy định cụ thể về tiêu chuẩn quản lý chất lượng, quy trình công nhận chất lượng đối với cơ sở KCB và các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận chất lượng đối với cơ sở KCB.

(Theo chinhphu.vn)