BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong xử lý vi phạm về giao thông 

Cập nhật ngày: 05/04/2024 - 10:33

BTNO - Ngày 4.4, đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh do ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tham gia đoàn có bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các thành viên Ban ATGT tỉnh.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Đặng Hoàng Chương- Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải cho biết, Tây Ninh có 2 phương thức vận tải là đường bộ và đường thuỷ nội địa (chưa có đường sắt, đường hàng không, không có đường hàng hải), trong đó vận tải đường bộ là chủ yếu.

Đối với đường thuỷ nội địa, tỉnh có 2 sông lớn (sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông) có các tuyến đường thuỷ nội địa kết nối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 15 năm thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT cùng với công cuộc đổi mới của đất nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng, lĩnh vực giao thông vận tải và TTATGT có bước phát triển đáng kể. Hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng, đồng bộ, tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông bảo đảm; tổ chức giao thông (đèn cảnh báo, vạch sơn, gờ giảm tốc, biển báo hiệu đường bộ) không ngừng được đầu tư lắp đặt; công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch lái xe thực hiện đúng quy trình.

Hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm được lực lượng chức năng thường xuyên đổi mới về hình thức, phương pháp thực hiện, chú trọng sử dụng các phương tiện thiết bị kỹ thuật hiện đại. 

Việc huy động lực lượng cảnh sát khác và công an cấp xã phối hợp với Cảnh sát Giao thông tuần tra, kiểm soát trong trường hợp cần thiết theo quy định của Bộ Công an được kịp thời, đúng quy định, góp phần phòng ngừa, kéo giảm tai nạn.

Thành viên đoàn giám sát phát biểu ý kiến.

Các dịp lễ, tết, Cảnh sát Giao thông phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm, qua đó phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 861.800 trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục và thẩm quyền ban hành đa số văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật về lĩnh vực giao thông cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật nhưng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có lúc còn chậm so với thực tế thi hành luật, nghị định, thông tư. Công tác phối hợp thực hiện các quy định có lúc chưa được thường xuyên.

Qua báo cáo của UBND tỉnh, thành viên đoàn giám sát đặt ra các vấn đề cần làm rõ như: tình trạng ngập cục bộ ở một số nơi trên địa bàn tỉnh; công tác xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera phạt nguội; hoạt động tuyên truyền miệng đối với từng nhóm đối tượng; hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; việc tổ chức triển khai Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay vốn đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh; nguyên nhân khiến ý thức của người tham gia giao thông còn thấp; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; việc giảng dạy pháp luật về ATGT trong trường học…

Các thành viên Ban ATGT tỉnh đã tham gia giải trình một số nội dung về ý thức người tham gia giao thông còn thấp, đa phần là các lỗi cố ý, độ tuổi từ 27 - 55 gây ra tai nạn chiếm tỷ lệ cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT được triển khai chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn một phần do quá trình tiếp nhận thông tin tuyên truyền của người dân chưa chủ động.

Thời gian tới, việc tuyên truyền cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào đối tượng thường xuyên tham gia giao thông, dễ vi phạm; quan tâm đến hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội, nội dung chuyển tải có chọn lọc, ngắn gọn, thu hút; công tác phối hợp tuyên truyền cần thực hiện tốt hơn nữa.

Đại tá Trần Văn Luận– Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu.

Đối với những khó khăn, hạn chế trong phát triển giao thông đường thuỷ nội địa, kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm thực hiện dự án nạo vét, cải tạo và nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi đến cầu Bến Củi (Tây Ninh) nhằm khai thác hiệu quả hành lang vận tải thuỷ Tây Ninh - Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu (khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải), nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hoá và vận tải bằng đường thuỷ nội địa, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị ngành chức năng đánh giá lại các nguyên nhân gây tai nạn giao thông trong thời gian qua, phân tích cụ thể những trường hợp gây tai nạn do sử dụng rượu bia tham gia giao thông, hạ tầng giao thông hay phương tiện; siết chặt quản lý việc cấp giấy phép lái xe.

Kết luận giám sát, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, công tác xử lý vi phạm phải kịp thời, từ đó tác động đến ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm; có những giải pháp căn cơ phòng ngừa tai nạn giao thông từ xe gắn máy.

Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận.

Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm hơn đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn liền với tổ chức giao thông để chống ùn tắc; chỉ đạo quyết liệt, tạo sự lan toả trong thực hiện các mô hình tại hệ thống trường học để xây dựng văn hoá giao thông; cần theo dõi, phân tích về các lỗi vi phạm phổ biến trên địa bàn, đối tượng, thời điểm, lứa tuổi, trên cơ sở đó xác định rõ phương thức, đối tượng tuyên truyền cụ thể.

Phương Thảo