BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần đối xử công bằng với đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở xã

Cập nhật ngày: 03/06/2011 - 11:03

Một cán bộ không chuyên trách rất mẫn cán nhưng không được ưu đãi

Hiện nay đội ngũ cán bộ giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBMTTQVN, Phó Chủ tịch các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, phó chỉ huy trưởng BCH quân sự xã, chủ nhiệm UBKT Đảng, Ban Tuyên giáo Đảng uỷ… ở các xã, thị trấn đều được xếp vào loại “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã” (trước đây còn được gọi là “cán bộ không chuyên trách”).

Nhiều năm qua đông đảo cán bộ không chuyên trách ở các địa phương đã nhiệt tình tích cực đóng góp nhiều công sức để củng cố, xây dựng và phát triển các phong trào thi đua của các ban ngành, đoàn thể. Đồng thời có nhiều nỗ lực để tuyên truyền vận động mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết,  phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về kinh tế xã hội và ANQP. Vai trò của đội ngũ cán bộ “không chuyên trách” là rất tích cực, hiệu quả và cần thiết cho sự nghiệp củng cố, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối ĐĐK toàn dân tộc, xây dựng và phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng, góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhưng thực tế không ít cán bộ không chuyên trách bức xúc và buồn nản phản ánh: đều là cán bộ làm việc cho Nhà nước ở cấp xã, đều được cấp trên ra quyết định công nhận chức danh, nhiệm vụ rõ ràng, trong khi giá cả hàng hoá tăng cao, đời sống mọi người đều khó khăn như nhau, nhưng Nhà nước lại có phân biệt và có chế độ chính sách chưa công bằng đối với hàng ngũ cán bộ không chuyên trách.

Xin nêu ví dụ cụ thể ở một xã trong tỉnh ta (vì lý do tế nhị xin không nêu tên xã). Đó là trường hợp của hai cán bộ Nguyễn Văn H và Phạm Văn N đều được Đại hội UBMTTQVN xã bầu vào Ban Thường trực UBMTTQ. Nguyễn Văn H được bầu làm Chủ tịch và Phạm Văn N làm Phó Chủ tịch. Cũng như các đoàn thể chính trị xã hội khác, anh H được gọi là cán bộ “chuyên trách”, được hưởng chế độ tiền lương của Nhà nước, ngoài ra còn được hưởng tiền phụ cấp chức vụ và tiền khu vực. Điều quan trọng là anh H được tham gia bảo hiểm xã hội. Còn Phạm Văn N là Phó Chủ tịch được xếp vào “người hoạt động không chuyên trách”, không được hưởng lương mà chỉ được hưởng “phụ cấp”, nhưng không được hưởng tiền phụ cấp chức vụ và tiền khu vực, không được tham gia bảo hiểm xã hội. Hết nhiệm kỳ 5 năm, Nguyễn Văn H và Phạm Văn N đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên được bầu lại làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch nhiệm kỳ tiếp theo. Nguyễn Văn H được tăng lương và hưởng đầy đủ các chế độ khác, còn Phạm Văn N vẫn là “người hoạt động không chuyên trách” nên không được tăng “phụ cấp” và cũng không được hưởng bất cứ chế độ ưu đãi nào. Mặc dù Phó Chủ tịch các tổ chức chính trị xã hội rất vất vả và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng tiền “phụ cấp” dù công tác liên tục 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa… vẫn không được tăng, thực tế chỉ được tăng khi Nhà nước có điều chỉnh hoặc tăng lương cho tất cả CBCNVC trong cả nước, nhưng phải chờ HĐND cấp tỉnh quyết nghị. Dù gọi là cán bộ hay “người hoạt động không chuyên trách” thực tế đều là những người lao động làm việc cho Nhà nước. Đã là người lao động làm cho Nhà nước thì phải công bằng về chế độ chính sách. Giá cả hàng hoá đắt đỏ tăng cao, đời sống mọi người đều gặp khó khăn, tại sao hàng ngũ cán bộ không chuyên trách tiền phụ cấp đã thấp lại không được hưởng tiền phụ cấp chức vụ và tiền khu vực. Phải chăng Nhà nước chưa quan tâm, còn có phân biệt chế độ đối với người lao động?

Một trường hợp khác:  Nguyễn Thị S (SN 1954) là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã. Bà tham gia làm Hội phó Hội Phụ nữ xã từ năm 1994 (từ năm 2001 đổi thành Phó Chủ tịch) bà liên tục tham gia công tác và mãi đến năm 2005 mới được tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng đến đầu năm 2011 lại bị cắt, không được tham gia bảo hiểm xã hội nữa. Tham gia công tác liên tục 17 năm, hiện nay bà Nguyễn Thị S tuổi đã cao, sức yếu và về nghỉ thì chỉ được hưởng mỗi năm 1,5 tháng lương cơ bản của 5 năm được tham gia bảo hiểm xã hội. Còn 12 năm sau, vẫn liên tục làm việc cho Nhà nước nhưng khi về nghỉ hoàn toàn trắng tay, không được hưởng dù chỉ một chút xíu chế độ nào. Với chính sách hiện nay của Nhà nước thì tất cả hàng ngũ cán bộ “không chuyên trách” đều rơi vào hoàn cảnh như bà Nguyễn Thị S. Trong khi đó, Điều 141 trong chương XII về bảo hiểm xã hội của Luật Lao động quy định: “loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ở những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức này, người sử dụng lao động, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 149 của bộ luật này và người lao động được hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội ốm đau, tai nạn lao động… hưu trí và tử tuất”. Luật Lao động quy định rõ ràng như thế, vậy việc cán bộ không chuyên trách là những người lao động làm việc cho Nhà nước lại không được các chế độ nêu trên và không được bảo hiểm xã hội là đúng hay sai?

Do chính sách của Nhà nước chưa quan tâm đúng mức đối với cán bộ không chuyên trách nên việc bồi dưỡng sắp xếp cán bộ ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Một số cán bộ không chuyên trách đã cao tuổi, sức yếu phải nghỉ công tác, những cán bộ trẻ có trình độ đều né tránh không chịu làm cán bộ không chuyên trách. Có người do tổ chức giao nhiệm vụ bắt buộc phải làm thì làm chểnh mảng, lơ là, hiệu quả công tác thấp kém. Có không ít người có trình độ năng lực đã bỏ đi nơi khác kiếm việc làm với mức lương cao hơn. Chúng ta đang phấn đấu thực hiện đường lối chủ trương của Đảng xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Để thu hút các tài năng trẻ và động viên mọi người gắn bó với công tác ở địa phương, hăng hái tích cực làm việc với chất lượng hiệu quả cao, Nhà nước nên có chế độ chính sách hợp lý, quan tâm đến quyền lợi của đội ngũ cán bộ không chuyên trách.

TRƯƠNG CÔNG HUÂN

(Phó Chủ tịch UBMTTQVN

xã Tân Hội, Tân Châu)