Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bếp ăn bán trú trường học:

Cần được quan tâm, đầu tư để phát triển 

Cập nhật ngày: 07/12/2020 - 00:27

BTN - Theo Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) thành phố Tây Ninh, tính đến thời điểm hiện tại, 100% trường mầm non, mẫu giáo và 12/19 trường tiểu học có bếp ăn bán trú. Thành phố cũng là địa phương có nhiều bếp ăn bán trú khối tiểu học nhất tỉnh.

Giờ ăn trưa của học sinh khối 1, 2 Trường tiểu học Trần Phú.

Ngoại trừ bếp ăn bán trú tại các trường mầm non bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, bếp ăn bán trú khối tiểu học xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh.

Bà Lưu Thị Thu- Phó trưởng Phòng GD&ÐT thành phố Tây Ninh cho biết, tất cả các bếp ăn bán trú trên địa bàn đều được xây dựng theo nguyên tắc một chiều, đúng hướng dẫn của Sở GD&ÐT và được kiểm tra trước khi đưa vào hoạt động.

Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm lựa chọn các nhà cung cấp thực phẩm cho bếp ăn trên cơ sở có sự bàn bạc, thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhằm bảo đảm chất lượng, nguồn gốc thực phẩm được cung cấp.

Bên cạnh đó, nhân viên trực tiếp chế biến trong bếp ăn phải bảo đảm các giấy tờ cần thiết như giấy khám sức khoẻ, giấy tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, có tay nghề, kinh nghiệm trong chế biến thức ăn cho trẻ. Thực đơn cho trẻ được xây dựng và thay đổi hằng tuần nhằm kích thích khẩu vị, bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ theo nhóm tuổi. Sau mỗi bữa nấu, các trường đều lưu mẫu món ăn 24 giờ theo đúng quy trình.

Bên cạnh việc triển khai bếp ăn bán trú, công tác kiểm tra, giám sát bếp ăn bán trú được Phòng GD&ÐT Thành phố đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Phòng kết hợp tổ chức các đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học, căn-tin.

Nhờ triển khai tốt khâu kiểm tra, giám sát, trong thời gian qua, trên địa bàn Thành phố chưa có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào từ bếp ăn bán trú trường học. Các bếp ăn bán trú được Ban đại diện cha mẹ học sinh đồng giám sát với kết quả khả quan, chưa có trường hợp kiến nghị nào của phụ huynh về chất lượng bữa ăn bán trú tại trường học.

Hiện tại, tiền ăn của học sinh bán trú tại thành phố Tây Ninh là 25.000 đồng/ngày đối với học sinh mầm non và 18.000 đồng/ngày đối với học sinh tiểu học. Với số tiền này, trẻ mầm non sẽ được ăn 3 bữa/ngày gồm bữa sáng, trưa và xế; trẻ tiểu học sẽ được ăn 2 bữa/ngày gồm bữa trưa và xế. Theo cô Thu, mức tiền ăn trên còn thấp so với thị trường, dù vậy, các trường vẫn cân đối để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho trẻ. Trong thời gian qua, một số phụ huynh có đề nghị tăng tiền bữa ăn cho học sinh bán trú nhằm bảo đảm bữa ăn chất lượng hơn, song để tăng tiền ăn cũng là một việc khó khăn, cần sự thống nhất của nhà trường và phụ huynh.

Bà Trần Kim Oanh- Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Ca (phường 1, TP. Tây Ninh) cho biết, toàn trường có 222 học sinh từ 3 đến 5 tuổi. Thời gian qua, bếp ăn bán trú của trường luôn bảo đảm an toàn thực phẩm và khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ. Một số trẻ mới vào trường có tình trạng suy dinh dưỡng, nhẹ cân, nhưng sau một thời gian học, các bé đều cải thiện được tình trạng nhẹ cân, theo kịp chuẩn phát triển của độ tuổi.

Theo bà Oanh, ở trường, các em không chỉ được dạy học mà còn được chăm sóc, phát triển thể chất. Chính vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm, tuyệt đối không để xảy ra sai sót trong khâu tiếp phẩm và chế biến thức ăn cho trẻ.

Công ty cung cấp thực phẩm, thực đơn bữa ăn được công khai cho phụ huynh học sinh cùng theo dõi. Ðể bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ, nhà trường xây dựng thực đơn 20 món không trùng lắp và thay đổi theo tuần để trẻ được ăn đa dạng, cung cấp đủ năng lượng cho một ngày học tại trường. Sau mỗi bữa nấu, nhân viên nhà bếp đều thực hành lưu mẫu và dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ.

So với các trường mầm non, các trường tiểu học có ít kinh nghiệm hơn trong việc triển khai thực hiện bếp ăn bán trú. Khoảng 5 năm trở lại đây, các bếp ăn bán trú trường tiểu học mới bắt đầu triển khai, trước đó rất ít. Trường tiểu học Trần Phú (phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh) là một trong số ít trường có bếp ăn bán trú sớm, từ năm 2008 đến nay.

Bà Huỳnh Thuý Kiều- Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú cho biết, toàn trường có 429/513 học sinh đăng ký bán trú với mức tiền ăn 18.000 đồng/ngày, số lượng học sinh khối 4, 5 đăng ký bán trú ít hơn 3 khối còn lại. Trong những năm qua, số lượng học sinh bán trú tăng lên đáng kể, hiện tại gần 84% học sinh toàn trường.

Lúc mới triển khai, bếp ăn bán trú và nhà ăn tạm của trường chỉ đủ đáp ứng cho khoảng 150 học sinh. Với số lượng học sinh bán trú tăng dần mỗi năm, nhà ăn của trường đã quá tải. Năm học 2020-2021, Trường tiểu học Trần Phú được Phòng GD&ÐT đầu tư xây dựng dãy nhà ăn và phòng ngủ cho học sinh bán trú với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng.

Hằng năm, nhà trường đều bổ sung đồ dùng, vật dụng và tu sửa cơ sở vật chất phục vụ bán trú cho học sinh. Riêng bếp ăn của trường luôn được tổ giám sát bếp ăn theo dõi chặt chẽ từ khâu tiếp phẩm đến chế biến, lưu mẫu nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn của học sinh. Thời gian tới, khi công trình nhà ăn và phòng ngủ xây xong, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư để bếp ăn bán trú nhà trường ngày càng hoàn thiện hơn.

Bà Kiều cho biết thêm, năm học vừa rồi có nhiều phụ huynh đề nghị nâng mức tiền ăn cho học sinh bán trú của trường, song năm học này do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhà trường vẫn giữ nguyên mức tiền ăn cũ.

Theo bà Kiều, mức tiền ăn 18.000 đồng/ngày của học sinh tiểu học còn khá thấp, dù vậy nhà trường vẫn cố gắng bảo đảm chất lượng bữa ăn cho học sinh. Tuy nhiên, định hướng tương lai, trường sẽ nâng nhẹ tiền ăn của học sinh để bữa ăn của các em ngày càng chất lượng và đầy đủ dinh dưỡng hơn, vì các em đang ở lứa tuổi phát triển mạnh về thể chất. Song, để làm được điều này, nhà trường rất cần sự đồng hành, ủng hộ của phụ huynh học sinh.

Nhân viên bếp ăn chuẩn bị bữa trưa cho học sinh tại Trường tiểu học Trần Phú.

Tính đến hiện tại, thị xã Hoà Thành có 12/21 trường tiểu học thực hiện bán trú cho học sinh, 100% trường mầm non có bếp ăn bán trú. Theo Phòng GD&ÐT thị xã Hoà Thành, mức tiền ăn bán trú của học sinh mầm non là 25.000 đồng/ngày, học sinh tiểu học trung bình 20.000 đồng/ngày. Công tác kiểm tra, giám sát bếp ăn bán trú tại các trường học được Phòng GD&ÐT Thị xã phối hợp kiểm tra thường xuyên. Nhìn chung, các bếp ăn bán trú trên địa bàn đều bảo đảm an toàn vệ sinh, bữa ăn đa dạng và đủ chất.

Ông Nguyễn Hữu Huy- Phó trưởng Phòng GD&ÐT Thị xã nhận định, mô hình trường học bán trú đang là xu thế phát triển hiện nay. Khi trẻ được chăm sóc tốt ở trường học, ba mẹ sẽ yên tâm làm việc hơn. Ðiều quan trọng không kém trong việc thực hiện bếp ăn bán trú là tạo được sự tin tưởng cho phụ huynh học sinh.

Ðể phụ huynh có thể đồng giám sát bữa ăn của con em mình ở trường, Phòng GD&ÐT thị xã Hoà Thành dự kiến thực hiện phương án gắn camera trong bếp ăn và chỉ mở cho phụ huynh kiểm tra khẩu phần ăn của trẻ sau khi được nấu và chia xong. Còn phương án để phụ huynh học sinh vào giám sát rất khó thực hiện vì bếp ăn không thể tuỳ tiện ra vào và trường học cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Riêng về công tác tổ chức thực hiện bếp ăn bán trú tại trường, Phòng GD&ÐT Thị xã đang xem xét thực hiện phương án chuyển giao bếp ăn bán trú tại trường cho doanh nghiệp phụ trách nhằm giảm gánh nặng cho Ban giám hiệu nhà trường.

Khi đó, Ban giám hiệu nhà trường chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát bếp ăn, có nhiều thời gian tập trung cho chuyên môn giảng dạy hơn. Với những hiệu quả tích cực của bếp ăn bán trú, trong thời gian tới, Phòng dự kiến triển khai thí điểm bếp ăn bán trú cho học sinh khối THCS có nhu cầu, định hướng phát triển bếp ăn bán trú cho học sinh THCS trong tương lai.

Lê Thuỳ