Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Bến Cầu):
Cần được sửa chữa, đảm bảo điều kiện dạy và học
Thứ bảy: 23:17 ngày 19/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năm học này sẽ là năm học thứ tư, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Huệ phải mượn cơ sở vật chất của trường khác để duy trì việc dạy và học.

Trong khi các trường trên địa bàn tỉnh háo hức chuẩn bị đón năm học mới, giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Bến Cầu) đang trong tình trạng lo lắng khi cơ sở vật chất của trường đã bị hư hỏng từ năm 2020 đến nay, vẫn chưa được sửa chữa. Năm học này sẽ là năm học thứ tư, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Huệ phải mượn cơ sở vật chất của trường khác để duy trì việc dạy và học.

Cơ sở vật chất của Trường THPT Nguyễn Huệ đã bị hư hỏng cần được sửa chữa

Theo Ban Giám hiệu nhà trường, hiện các phòng chức năng của trường có hiện tượng dộp, nứt gạch hàng loạt. Cụ thể ngày thứ ba 31.1.2023 khi học sinh vào học phòng Tin 2, gạch dộp lên thành dãy; nhà thi đấu đa năng có hiện tượng xi măng rơi rớt lộ các khung sắt rất mất an toàn cho học sinh và giáo viên trong quá trình giảng dạy và học tập.

Từ ngày 2.10.2020, dãy 30 phòng học ngay mặt tiền của Trường THPT Nguyễn Huệ đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn cho học sinh. Trước tình hình trên, từ ngày 6.10.2020, Ban Giám hiệu nhà trường phải mượn Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp của huyện để làm phòng học cho học sinh khối 10, khối 11; đồng thời sử dụng một số phòng chức năng của điểm trường chính làm phòng học cho học sinh khối 12.

Từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023, nhà trường phải mượn điểm trường tiểu học Lợi Thuận cũ, học 2 ca và sử dụng phòng hội đồng, các phòng chức năng ở điểm chính để cho học sinh học tập. Đến năm học 2023-2024 này, trường tiếp tục mượn phòng học cũ của Trường tiểu học thị trấn Bến Cầu để giảng dạy.

Em Nguyễn Công Chính, học sinh lớp 11 cho biết: “Phòng em học tại cơ sở tạm có nhiều khó khăn, phòng học chật chội, nền bị bong tróc, phòng nóng nực. Em mong muốn trường được sửa chữa khang trang hơn, tạo điều kiện cho các bạn học sinh ở khoá sau có thể đi học thuận tiện hơn so với việc đi học ở trường tạm. Hiện đa số các bạn đi học xa hơn cơ sở chính nên có thể bị trễ giờ, ảnh hưởng rất nhiều cho việc học tập của các bạn”.

Nền gạch bị bong tróc gây khó khăn rất mất an toàn cho học sinh và giáo viên trong quá trình giảng dạy và học tập.

Em Lê Nguyễn Hồng Thắm, học sinh lớp 11 cho biết: “Do trường tạm cách xa cơ sở chính, học sinh phải di chuyển thêm 20 phút mới tới. Điều kiện của phòng học và hệ thống điện tại trường tạm không được bảo đảm; khi trời mưa do phòng thấp có thể bị ngập cho nên mất một khoảng thời gian tụi em mới có thể tập trung lại học được”.

Thầy Nguyễn Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã đề nghị các cơ quan chức năng sớm có kế hoạch sửa chữa hoặc xây dựng mới để có chỗ cho học sinh học tập. Học hai nơi rất bất tiện, học sinh di chuyển từ điểm này đến điểm kia để học, vừa mất thời gian vừa không bảo đảm vấn đề an toàn giao thông,  giáo viên rất khó sắp xếp thời khoá biểu. Ngoài ra, khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, cơ sở vật chất không bảo đảm, chất lượng việc thực hiện chương trình cũng khó mà đảm bảo.

Dù khó khăn, nhưng tập thể nhà trường và học sinh luôn nỗ lực duy trì thành tích 100% học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm. Điểm trung bình tốt nghiệp của học sinh thuộc tốp 5 trường có điểm trung bình cao nhất tỉnh.

Hiện nay, việc sử dụng các phòng học chức năng có các hiện tượng dộp, nứt gạch hàng loạt.

Ban Giám hiệu nhà trường lo ngại, đầu năm học 2023-2024 dãy phòng học chưa được sửa xong sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh vào lớp 10, vì năm học này học sinh hai khối 10 và khối 11 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục