Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Góc nhìn

Cần giảm tải cho trường học 

Cập nhật ngày: 19/12/2018 - 04:30

BTN - Sau hơn hai năm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có thể xem đây là một trong những ý kiến chỉ đạo sát thực tế nhất của người đứng đầu ngành Giáo dục cả nước. Phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong ngành.

Giáo viên, học sinh ở Khu dân cư Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Mới đây, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Áp lực của giáo viên - thực trạng và giải pháp”. Tại buổi toạ đàm này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo: “Đề nghị các vụ, cục có liên quan chỉ đạo theo tuyến quản lý và hiệu trưởng cho rà soát tất cả các hoạt động của giáo viên. Những hoạt động hành chính nào không cần thiết, sổ sách và các loại thủ tục gây phiền hà thì lên danh mục cắt giảm theo lộ trình.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thời gian cho thầy cô, không để những áp lực không đáng có. Kiên quyết không đưa ra những chỉ tiêu thi đua kiểu như giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, rất nhiều nhiều thứ giỏi. Cái giỏi phải được thể hiện ở hiệu quả cuối cùng. Những chỉ tiêu như 100% học sinh lên lớp thì mới được thi đua.

Không phải. Chúng ta đang đi ngược lại nguyên lý của giáo dục, vì nguyên lý của giáo dục là tạo môi trường cho mọi người và mọi người được học trong khả năng của mình. Đánh giá học sinh là một quá trình, thà có một giáo viên tốt còn hơn là giỏi theo hình thức”.

Sau hơn hai năm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có thể xem đây là một trong những ý kiến chỉ đạo sát thực tế nhất của người đứng đầu ngành Giáo dục cả nước. Phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong ngành.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, rất nhiều giáo viên đã đề xuất, “hiến kế” nên bỏ thủ tục này, cắt giảm hồ sơ kia. Những “bình luận” của giáo viên xuất phát từ thực tế đã và đang tồn tại trong hoạt động của ngành Giáo dục. Tuy đưa ra những đề xuất cụ thể nhưng hầu như không thấy (hoặc rất ít) ý kiến nhìn nhận tính tổng thể của vấn đề. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ việc “không lấy gì làm hay ho” trong ngành Giáo dục.

Song có một vấn đề rất quan trọng, được xem như căn nguyên dẫn đến những hành vi, ứng xử sai trái của giáo viên là hành chính hoá giáo dục. Nền giáo dục Việt Nam đã và đang bị hành chính hoá hết sức nặng nề- chuyện này đã được đề cập nhiều lần. Tính chất hành chính hoá ấy được thể hiện cả trên phương diện quản lý và trong chuyên môn, cả ở cấp trung ương lẫn địa phương, cơ sở. Có điều kiện theo dõi ngành giáo dục sẽ không khó để nhận thấy, nhiều quy định trong các loại văn bản, nghị định, thông tư được soạn thảo, ban hành có nội dung xa rời thực tế. Ví dụ, quy định về các phong trào thi đua, danh hiệu, chỉ tiêu, điều kiện, xử phạt…

Mới đây nhất, dư luận ồn ào khi Bộ GD-ĐT xây dựng dự thảo phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu giáo viên có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Mức phạt có thể  từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Nếu vi phạm, giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ một tháng đến 6 tháng.

Cách nay vài năm, trong một đợt giám sát của Hội đồng nhân tỉnh Tây Ninh về lĩnh vực giáo dục, một vị hiệu trưởng ở huyện Hoà Thành đã thống kê, trong năm học, cả thầy và trò tham gia đến hơn 40 cuộc thi lớn nhỏ. Có những cuộc thi, hội thi dành cho học sinh nhưng vì các em không thể làm được nên giáo viên phải làm thay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo: “Những hoạt động hành chính nào không cần thiết, sổ sách và các loại thủ tục gây phiền hà thì lên danh mục cắt giảm theo lộ trình” và “kiên quyết không đưa ra những chỉ tiêu thi đua kiểu như giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, rất nhiều nhiều thứ giỏi. Cái giỏi phải được thể hiện ở hiệu quả cuối cùng”.

Vô số các chỉ tiêu thi đua đã, đang và sẽ còn tiếp tục hành hạ giáo viên. Phải phân biệt cho được, giáo dục là một quá trình lâu dài chứ không phải như một cuộc thi thể thao, thi đấu xong rồi thôi. Cái giỏi của giáo viên là ở hiệu quả dạy học. Sản phẩm của giáo dục là con người. Muốn có được “con người mới”, hoạt động giáo dục phải thực chất.

Đúng như vị bộ trưởng nói, “nguyên lý của giáo dục là tạo môi trường cho mọi người và mọi người được học trong khả năng của mình”. Trí tuệ đâu có chia đều cho mỗi người, song vì bị hành chính hoá, chỉ tiêu hoá nên nền giáo dục đã và đang có xu hướng “ép những đứa trẻ thành thiên tài”. “Tôi đã nghe nhiều về cuộc thi đối với giáo viên, tôi không đồng tình và đang yêu cầu các vụ, cục rà soát để cắt giảm, nhiều cuộc thi hình thức, gây áp lực, không nâng cao được chất lượng cho giáo dục. Thi đua dạy tốt, học tốt nhưng phải tốt thật chứ không phải áp lực theo hướng xấu. Cuộc thi không thiết thực, diễn là chính rất phản cảm. Năm ngoái, Bộ đã cắt một loạt các cuộc thi rồi, năm nay tiếp tục rà soát”. Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khi làm việc với một số địa phương, được báo chí trích dẫn.

Trong vài năm qua, Bộ GD - ĐT đã có nhiều chỉ đạo theo tinh thần đơn giản, gọn nhẹ các thủ tục hành chính, giảm họp hành để giáo viên tập trung cho việc dạy học. Nhưng, tình hình hiện nay, “cơ bản” vẫn như cũ.

Năm 2013, nhận thấy đã đến lúc phải “lột xác” ngành Giáo dục, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế. Nghị quyết 29 có đoạn: “Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp... chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn. Tư duy bao cấp còn nặng, làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đào tạo.

Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất”. Chẩn đoán đúng bệnh nhưng có chữa trị được hay không mới là điều quan trọng. Những cán bộ quản lý, giáo viên thật sự có trình độ, có tâm huyết, muốn thay đổi phương pháp, cách thức dạy học cũng không phải dễ. Lý do đơn giản, những người này tuy làm khoa học nhưng phải tuân theo mệnh lệnh hành chính, làm khác đi là không được.

Theo tinh thần mới, công tác quản lý trong nhà trường phải chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý chất lượng giáo dục. Những người trong ngành đều biết, nhiều thập niên qua (và cho đến hôm nay), nền giáo dục nước ta đã và đang bị hành chính hoá hết sức nặng nề. Chỉ khi nào xoá bỏ được hành chính hoá, hạn chế sự áp đặt, khi đó giáo dục mới có thể phát triển lành mạnh, thân thiện, vì trường học đâu phải trường đua.

VIỆT ĐÔNG