BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần khẳng định vai trò giám sát của cộng đồng trong Luật Đầu tư công (*)

Cập nhật ngày: 20/11/2013 - 10:51

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương

(BTN) - Hôm 18.11 Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 24. Tham gia góp ý dự án Luật Đầu tư công, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tán thành việc ban hành Luật Đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế; hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) góp ý cần xem lại các quy định về đầu tư công trong lĩnh vực xây dựng, để cho các quy định về một nội dung cụ thể nào đó chỉ nên thể hiện trong một văn bản Luật, tránh tình trạng một nội dung được thể hiện trong nhiều văn bản như Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công.

Đại biểu cũng cho rằng, việc bố trí thứ tự các điều, khoản của quy định về nội dung báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các chương trình đầu tư công tại Khoản 5 và Khoản 6 chưa phù hợp; nên chăng đưa nội dung phân tích, đánh giá sơ bộ những ảnh hưởng, tác động về môi trường, xã hội của chương trình; tính toán hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế - xã hội của chương trình lên trước việc xác định chi phí liên quan trong quá trình thực hiện và chi phí vận hành sau khi chương trình kết thúc thì phù hợp hơn.

Cần bổ sung thêm từ “phải” vào Khoản 1 của Điều 65 về giám sát đầu tư của cộng đồng để khẳng định vai trò và trách nhiệm của Ban giám sát cộng đồng trong giám sát các chương trình, dự án đầu tư công.

ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Đầu tư công cần rà soát và đánh giá lại tính chính xác của một số định nghĩa, khái niệm được giải thích tại Điều 4 về giải thích từ ngữ như: vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư công, chương trình đầu tư công…

Đồng thời cần bổ sung và có giải thích một cách thống nhất về hiệu quả của đầu tư công, để đánh giá và làm tiêu chí xét, đánh giá trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng vốn ngân sách; xác định rõ hiệu quả về mặt chính trị, chính sách cần phải đạt, hay hiệu quả về mặt lợi nhuận; phân định rõ đầu tư kết cấu hạ tầng và không kết cấu hạ tầng; phân định rõ vốn Nhà nước dùng để thực hiện nhiệm vụ chính trị; vốn của Nhà nước đầu tư vì lợi nhuận để tách bạch nhiệm vụ của việc sử dụng vốn Nhà nước; cần cụ thể hoá và chi tiết các quy định về minh bạch; làm rõ các nguyên tắc cơ bản của việc minh bạch, do đây là cái gốc của vấn đề đầu tư công; xem xét lại nội dung thể hiện về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được thể hiện tại Điều 67 dự thảo Luật, do các quy định về thẩm quyền của Quốc hội đã được quy định trong các văn bản luật khác.

Đại biểu Tâm cũng đề nghị cân nhắc về thẩm quyền của HĐND trong việc quyết định những dự án đầu tư trung hạn do Luật Ngân sách chưa quy định thẩm quyền này của HĐND.

KIM HẠNH

(Lược ghi)

 (*) Tựa đề do Toà soạn đặt