Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương:
Cần kịp thời khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, tình trạng tiêu cực, lãng phí…
Thứ hai: 06:17 ngày 29/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phó trưởng Ðoàn ÐBQH Tây Ninh nhấn mạnh: Chính phủ cần kịp thời khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, tình trạng tiêu cực, lãng phí; tăng cường tính minh bạch, giải trình, kịp thời cung cấp thông tin, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo sự yên tâm, niềm tin cho nhân dân cả nước.

ÐBQH Huỳnh Thanh Phương.

Ngày 27.10, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019 của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng Ðoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH tỉnh đã có bài phát biểu, nhận định về những thành tựu nổi bật và hạn chế của 9 tháng năm 2018.

Ðại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, điểm nhấn của 3 quý vừa qua là nhiều chỉ tiêu KT-XH Quốc hội giao cơ bản được hoàn thành, dự kiến tất cả các chỉ tiêu của năm 2018 đạt và vượt, trong đó có 2/3 số chỉ tiêu vượt mức.

Công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục được đổi mới có hiệu lực, hiệu quả; môi trường đầu tư được cải thiện; công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ được nhân dân, doanh nghiệp tin tưởng, bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh tiến lên một bước quan trọng. Kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, và có tính bền vững, mức tăng trưởng cao, quy mô, các cân đối lớn của nền KT được giữ vững, lạm phát ở mức thấp, tỷ giá cơ bản ổn định, đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục tăng lên, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã và đang chứng minh vai trò, động lực trong tăng trưởng. Xuất khẩu có sự bứt phá trong hoàn cảnh thế giới, các thị trường xuất khẩu lớn có những biến động khó lường.

Lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo có nhiều thành công, nền nông nghiệp công nghệ cao đã và đang hình thành, góp phần quan trọng vào quá trình nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt được những thành tựu quan trọng, bảo đảm cho đất nước phát triển một cách hài hoà, độc lập tự chủ; chủ quyền, môi trường hoà bình an ninh của quốc gia được giữ vững, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tạo điều kiện cho đất nước phát triển. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu vừa kể, đại biểu Phương nhận xét, tình hình KT-XH vẫn còn bộc lộ những hạn chế, chất lượng tăng trưởng còn nhiều vấn đề đặt ra như: tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn, lao động, gia công cho nước ngoài; năng suất lao động tăng chưa nhiều; năng suất các yếu tố tổng hợp (TEP) đóng góp vào tăng trưởng ở mức thấp.

Cơ cấu kinh tế chưa được cải thiện nhiều: tốc độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước vẫn trong tình trạng chậm; tốc độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nhất là chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn nhiều bất cập, giá trị các sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chưa cao, người sản xuất còn nhiều thiệt thòi, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng trong nước, cũng như yêu cầu của thị trường nước ngoài; tình trạng sản xuất manh mún, vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; tình trạng được mùa, mất giá vẫn diễn ra, gây thiệt hại cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Mức thu nhập, điều kiện sinh hoạt, nhất là về nhà ở của số đông người lao động vẫn còn thấp, sức mua hạn chế; số có mức thu nhập khá và cao lại thường có tâm lý ưa dùng hàng ngoại, đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến động lực tiêu dùng nội địa đối với tăng trưởng.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tuy đã có bước tiến bộ, song vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện, vẫn còn nhiều rào cản trong đầu tư, kinh doanh. Môi trường sinh thái vẫn trong tình trạng ô nhiễm, có nơi ở mức độ nặng. Biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp vẫn còn là vấn đề phổ biến. Tình trạng giải thể doanh nghiệp còn cao. Vấn đề tham nhũng, lãng phí vẫn còn phức tạp.

Giáo dục, y tế còn xuất hiện nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, cần phải nghiêm túc khắc phục kịp thời, hiệu quả… Những vấn đề nói trên tiếp tục đe doạ đến ổn định vĩ mô, chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững nước ta.

Về phương hướng, giải pháp phát triển KT-XH năm 2019, đại biểu Huỳnh Thanh Phương thống nhất với mục tiêu tăng trưởng GDP, chỉ tiêu lạm phát mà Chính phủ đã nêu ra. Mức tăng trưởng này là khả thi vì động lực tăng trưởng thể hiện trong năm 2018 vẫn đang được duy trì với nhiều dấu hiệu tích cực, thậm chí có nhiều mặt tích cực hơn các năm trước, nhất là động lực đầu tư và xuất khẩu. Với mức tăng trưởng này, nền kinh tế có điều kiện để củng cố, tăng cường hơn nữa về chất lượng của tăng trưởng, không bị áp lực để đạt tăng trưởng bằng mọi giá.

Ðại biểu Phương góp ý thêm, năm 2019, có thể sẽ xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh về thương mại thế giới, về tỷ giá các đồng tiền mạnh, giá dầu thô..., cần phải kịp thời phân tích, dự báo, có chính sách và biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, chính sách thương mại, chính sách tài chính, tiền tệ một cách mềm dẻo, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính với chính sách tiền tệ để giữ vững ổn định vĩ mô.

Cần có chính sách hợp lý và tăng cường truyền thông, định hướng tiêu dùng, hướng mạnh vào động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Ðẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao niềm tự hào dân tộc và niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng nội địa.

Hoàn thiện sâu hơn về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là thể chế về sở hữu, phát huy các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Quyết liệt hơn trong tinh gọn bộ máy, biên chế và đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, cơ cấu lại và nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan, tổ chức trong bộ máy hành chính, dịch vụ công.

Ðổi mới cơ chế hoạt động, đẩy mạnh tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH và giảm chi phí thường xuyên. Tăng cường bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo đảm cho tăng trưởng và phát triển bền vững.

Kết thúc bài phát biểu về KT-XH, Phó trưởng Ðoàn ÐBQH Tây Ninh nhấn mạnh: Chính phủ cần kịp thời khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, tình trạng tiêu cực, lãng phí; tăng cường tính minh bạch, giải trình, kịp thời cung cấp thông tin, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo sự yên tâm, niềm tin cho nhân dân cả nước.

QUANG TÂM - DUY NHÃ

(Lược ghi)

Tin cùng chuyên mục