BAOTAYNINH.VN trên Google News

Luật khám bệnh, chữa bệnh:

Cần làm rõ nhiều khái niệm trong chuyên môn và hành chính 

Cập nhật ngày: 23/09/2022 - 00:21

BTN - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 21.9, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện sở, ban, ngành liên quan.

Một bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Ảnh minh hoạ: Tâm Giang

Tại hội nghị, sau khi bà Hoàng Thị Thanh Thuý nêu một số nội dung còn có những ý kiến khác nhau trong dự thảo luật sửa đổi, ông Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tán thành đề nghị tính toán liên quan đến giá dịch vụ cấu thành theo nguyên tắc tính đúng tính đủ. Vấn đề khuyến mãi trong dịch vụ khám, chữa bệnh, ông Sơn cho rằng cần kiểm soát tốt, “muốn cấm khuyến mãi cũng khó, do đó nên tán thành hình thức này nhưng cần kiểm soát tốt để tránh lạm dụng”- ông Sơn nói.

Góp ý cho dự thảo luật, ông Đặng Xuân Lãnh- Uỷ viên Thường trực UBMTTQVN tỉnh đề nghị điều chỉnh khái niệm “tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là…” thành “sự cố y khoa là…” để bảo đảm theo tinh thần của Điều 68 trong dự thảo. Sự cố y khoa là gây tai biến đối với người bệnh do sai sót về chuyên môn khám, chữa bệnh hoặc do rủi ro ngoài ý muốn của người khám, chữa bệnh.

Đối với Điều 13 (quy định quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, đề nghị bỏ khoản 1 và 2 (điều chỉnh người thành niên có văn bản hoặc không có văn bản thể hiện nguyện vọng của mình trước thời điểm rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế... khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi). Lý do: Dự thảo luật đưa ra hai tình huống này làm rối thêm, bởi vì trong lúc khám, chữa bệnh, bác sĩ là nhà chuyên môn đưa ra các giải pháp để khám, chữa bệnh và thực hiện trao đổi với người đại diện theo uỷ quyền, uỷ quyền theo pháp luật là đủ. Như vậy thuận lợi cho bác sĩ khám, chữa bệnh, thuận lợi cho người uỷ quyền, đáp ứng kịp thời trong việc khám, điều trị người bệnh.

Đối với quy định tại mục 1, chương II về quyền, nghĩa vụ của người bệnh, đề nghị điều chỉnh Điều 14 quy định “quyền kiến nghị và bồi thường” thành “quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo” nhằm bảo đảm thực hiện các quyền theo dự thảo từ Điều 8 đến Điều 13. Nếu các quyền này bị xâm hại, người bệnh có quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều 14 quy định chỉ có quyền kiến nghị và quyền được yêu cầu bồi thường là chưa thoả đáng. Hơn nữa, chưa phù hợp với dự thảo điểm đ, khoản 1 Điều 92 quy định quyền và nghĩa vụ của người tham gia thử nghiệm lâm sàng và cũng chưa phù hợp với dự thảo Điều 99 về xác định mức bồi thường thiệt hại do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến trong khám, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật (thừa nhận quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo).

Chương IX của dự thảo luật đặt tên gọi “sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh”, đề nghị điều chỉnh thành tên gọi “xác định sự cố y khoa trong khám bệnh, chữa bệnh”. Lý do, đặt đúng tên cho phù hợp với nội dung một số điều dự thảo Điều 98; mặt khác, đây là chương quy định trình tự, thủ tục để xác định có hoặc không có sai sót chuyên môn thông qua hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 68 và Điều 97.

Điều 102 (đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề) quy định Nhà nước “hỗ trợ miễn học phí và được hỗ trợ chi phí sinh hoạt toàn khoá”, với điều kiện khi ra trường “sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, nếu không công tác trong ngành y tế hoặc không công tác đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ theo quy định của pháp luật về giáo dục”. Đề nghị điều chỉnh thành “sau khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành y tế thì phải bồi thường, không để thời gian sau 2 năm”; còn thời gian cụ thể thì có Khoản 6 Điều 102 giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này, nên để Chính phủ quy định cụ thể.

Đối với Điều 109 (quy định cơ sở khám, chữa bệnh được áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp) như “tịch thu phương tiện, công cụ, vật dụng được sử dụng để gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, đề nghị điều chỉnh “thu giữ” thay thế cho “tịch thu” vì có những phương tiện có giá trị lớn như xe ô tô… và thẩm quyền tịch thu phải bảo đảm quy định của pháp luật.

Điều 114 quy định Bộ trưởng Bộ Y tế có quyền điều động nhân lực và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm hoạ và dịch bệnh; nhưng dự thảo Khoản 2 của Điều 114 quy định bộ trưởng các bộ, ngành khác và Chủ tịch UBND tỉnh điều động nhân lực thuộc thẩm quyền, lại không quy định thẩm quyền trưng dụng cơ sở y tế là chưa phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, đề nghị bổ sung khoản 2 theo hướng tăng thẩm quyền, được trưng dụng, huy động cơ sở y tế.

Bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu tán thành quy định khuyến mãi trong khám bệnh, chữa bệnh nhưng cần quy định cụ thể, tránh lạm dụng. Đối với quy định người nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh phải thành thạo tiếng Việt là không cần thiết, vì “đã có phiên dịch làm điều này”- bà Phú nói.

Việt Đông