Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chiến lược phát triển du lịch Tây Ninh:
Cần một tầm nhìn mới
Thứ năm: 15:54 ngày 07/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tác động đến thương mại, đầu tư, tạo công ăn việc làm, và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo sự sung túc cho cộng đồng; là ngành xuất khẩu tại chỗ lớn hơn cả ngành ô tô, sắt thép và nông nghiệp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghe giới thiệu về lá trung quân trong chuyến thăm Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Đ.H.T.

Sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh quyết tâm biến du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Sự thống nhất về lãnh đạo và tham mưu sẽ đưa du lịch Tây Ninh phát triển. Các hội thảo, famtrip, presstrip…vv.. đặc biệt là sự nghiên cứu kinh tế du lịch của Chương trình Fulbright, kinh tế du lịch đã được triển khai, được lãnh đạo các cấp của tỉnh Tây Ninh hưởng ứng nhiệt tình.

Sự quyết liệt chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh… đã thổi một luồng gió mới cho phát triển kinh tế xã hội nói chung, du lịch nói riêng, đã và sẽ đưa du lịch Tây Ninh lên một tầm cao mới, ghi tên đậm nét vào bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực. Một Tây Ninh giàu tiềm năng du lịch, có núi Bà Đen, có Ma Thiên Lãnh, có hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông, kênh rạch ôm lấy vùng đất lịch sử - văn hoá - tâm linh Toà thánh Cao Đài… với người Tây Ninh hiền hoà, thân thiện, là cơ sở vững chắc để thu hút du khách nội địa và quốc tế.

Giàu tiềm năng du lịch, Tây Ninh cần triển khai các giải pháp phù hợp. Trước hết là tập trung đầu tư cụm núi Bà Đen thành một khu phức hợp, sản phẩm tổng hợp, công suất đầu tư lớn làm điểm nhấn thu hút khách; xây dựng thành phố Tây Ninh văn minh, bảo vệ môi trường, nhiều cây xanh và góc văn hoá - văn nhân - nhân vật lịch sử đã có nhiều công sức đóng góp cho sự phát triển của vùng đất này; tạo sự kết nối Thành phố với sông, kênh rạch; vùng nông thôn liên kết với resort sông, farmstay và homestay gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, sản phẩm xanh, sạch không hoá chất, tạo nên một vùng du lịch sinh thái có văn hoá bản địa đặc sắc, thu hút khách quốc tế trải nghiệm nông thôn Việt Nam.   

Tây Ninh cần có du lịch sinh thái núi rừng, sinh thái miệt vườn, sinh thái sông hồ, sinh thái vườn rau sạch, sinh thái làng nghề, sinh thái vườn dược thảo… Cần xây dựng du lịch tâm linh với thánh thất, đền, chùa, văn hoá lịch sử, khôi phục ẩm thực địa phương. Ngoài ra, cũng cần có du lịch thể thao, nghỉ dưỡng - loại hình du lịch kéo dài thời gian lưu trú, đón khách nghỉ đông đến từ các nước Bắc Âu có khí hậu lạnh giá, với kỳ nghỉ đông kéo dài. Hay du lịch golf là loại hình du lịch thể thao phổ biến hiện nay ở các nước phát triển và đang dần phổ biến ở Việt Nam. Đây là loại hình du lịch cao cấp thu hút doanh nhân và các nhà đầu tư, có số chi tiêu cao… Là điểm đến của các nhà đầu tư và doanh nhân, địa ốc, du lịch nghỉ dưỡng... Qua đó, các dự án lớn sẽ phát triển nhanh và bền vững.

Với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng, cụ thể, chúng ta chuẩn bị xây dựng thành phố Tây Ninh thông minh, sáng tạo, tập trung vào công tác an ninh, an toàn, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Tất cả vì môi trường sống, vì đời sống sung túc của cộng đồng nói chung và cộng đồng nông thôn nói riêng. Nông dân, nông thôn văn minh, văn hoá cao và sự sung túc của cộng đồng là mục tiêu quan trọng nhất để ổn định và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển bền vững.

Không còn con đường nào khác là phải phát triển nông nghiệp xanh, sạch, gắn liền với du lịch, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hoá cao, sung túc cho nông dân và cộng đồng nông thôn. Du lịch nông thôn gắn liền với homestay, farmstay phát triển tại Italy vào những năm đầu thập niên 1960 và nhanh chóng lan toả ra khắp châu Âu, tiếp tục phát triển ở châu Á và Đông Nam Á vào những năm 1990 của thế kỷ XX, nay đến Việt Nam.

Để có thể phát triển nhanh du lịch nông nghiệp cần phát triển 5 hệ thống trang trại sinh thái: trang trại thiên nhiên (natural farming); trang trại hữu cơ (organic farming); trang trại hỗn hợp (integrated farming); trang trại kết hợp với rừng (farming-forest) và cuối cùng là trang trại tư duy mới (new theory). Kết hợp được các sản phẩm và lưu giữ truyền thống của người nông dân trong mảnh đất nhỏ mà vẫn có đời sống văn minh, sung túc, xây dựng nông thôn mới đáng yêu, lãng mạn cùng với thiên nhiên, mới là nơi đáng sống nhất.

Để cho nông nghiệp, nông thôn và du lịch nông nghiệp phát triển, cơ chế chính sách cho nông dân và cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mang tính quyết định. Trước mắt cần có quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn xanh gắn với du lịch nông nghiệp, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, để tranh thủ chính sách nguồn lực và sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Hội Nông dân Việt Nam; cần có chính sách tín dụng, chính sách thuế ưu đãi cho nông dân và nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Cần phải có tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư tri thức cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cho du lịch nông nghiệp. Một khu vực với hơn 70% dân số, đóng góp lớn cho nền kinh tế mà tỷ lệ đầu tư về tư duy và tiền bạc, trí tuệ và vật chất chưa tương xứng với tiềm năng. Đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng là nền tảng để phát triển du lịch có trách nhiệm với cộng đồng và du khách. Các chuyên gia về du lịch, về nông nghiệp xanh sẽ hướng dẫn cho nông dân phát triển trang trại gắn liền với du lịch nông nghiệp.

Cuối cùng, công tác xúc tiến và quảng bá du lịch tỉnh nhà là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nhằm đưa thông tin và giới thiệu sản phẩm du lịch đến du khách trong và ngoài nước, qua đó xây dựng thương hiệu cho Tây Ninh, đưa vùng đất giàu tiềm năng du lịch, văn hoá, lịch sử vào bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

Lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Đ.H.T

N.H.T

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục