Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý – Đoàn ĐBQH Tây Ninh:
Cần nghiên cứu kỹ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung
Thứ hai: 22:22 ngày 20/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phát biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vào chiều 20.11, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý– Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị cần nghiên cứu kỹ phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 20.11

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhất trí với việc ban hành Nghị quyết cũng như nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi điều chỉnh là quy định việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với người nộp thuế theo Quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Theo Quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu hiện nay có 4 nhóm quy định, nhưng theo báo cáo của Chính phủ thì hiện nay Việt Nam chỉ áp dụng 2 nhóm: quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn từ năm 2024.

Đại biểu đề nghị phạm vi điều chỉnh cần quy định chi tiết hơn, cụ thể là: Nghị quyết này quy định về thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn trong quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, nhằm thể hiện rõ phạm vi điều tiết của Nghị quyết.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, Điều 4 và Điều 5 về công thức tính thuế có đề cập đến khoản: “Thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có)”, nhưng lại chưa làm rõ về nội hàm của khoản thuế bổ sung này. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo trên cơ sở Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, bổ sung quy định làm rõ về khoản thuế bổ sung này.

Ngoài ra, trên thực tế sẽ có những khoản thuế bị điều chỉnh thu thêm theo nội luật thông qua công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được xử lý như thế nào đối với nghĩa vụ thuế đã kê khai của các năm trước trong công thức tính thuế suất thực tế.

Về kê khai và nộp thuế, đại biểu cho rằng, khoản 4 Điều 6 có quy định, phần thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định thuế tối thiểu toàn cầu được nộp vào ngân sách Trung ương theo quy định. Đại biểu cho rằng, đây là khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và về bản chất đây vẫn là khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Và để bảo đảm tính thống nhất trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật; và việc phân định rõ ràng, thống nhất trong các quy định thì cơ quan thu thuế cũng dễ dàng hơn khi áp dụng pháp luật, đại biểu đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Quy định này nên được sửa đổi là khoản thu được phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước đã được ban hành trước đó và phương án 2: Nếu vẫn giữ quy định tại khoản 4 Điều 6 của Dự thảo Nghị quyết thì cần sửa đổi Điều 35 của Luật Ngân sách nhà nước 2015 theo hướng đây là khoản thu 100% vào ngân sách Trung ương.

Với các nội dung liên quan đến khả năng khiếu kiện, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có những quy định chi tiết hơn, mang tính nguyên tắc khi thực hiện việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung trong trường hợp này theo hướng giảm thiểu khả năng khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài khi bị điều tiết thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam và hai là, xác định nguyên tắc giải quyết trong trường hợp có khiếu kiện xảy ra để giảm thiệt hại cho Việt Nam.

Về tổ chức thực hiện và điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết quy định tại khoản 2 Điều 7 dự thảo Nghị quyết: “Trường hợp người nộp thuế theo quy định tại Nghị quyết này có đề nghị được đảm bảo ưu đãi đầu tư thì Chính phủ xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về đầu tư để đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp".

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chi tiết hơn, ít nhất là cần phải quy định rõ thứ tự ưu tiên giữa việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và nguyên tắc bất hồi tố đối với ưu đãi đầu tư trong quy định pháp luật về đầu tư.

Tố Tuấn

Tin cùng chuyên mục