Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý – Tây Ninh:
Cần nghiên cứu thêm các quy định mang tính đột phá gắn với đặc thù của Thủ Đô
Thứ hai: 15:09 ngày 27/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Góp ý về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị cần nghiên cứu thêm các quy định mang tính đột phá gắn với đặc thù của Thủ đô.

Toàn cảnh phiên họp sáng 27.11

Sáng 27.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Góp ý về dự án Luật, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đánh giá cao việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Vì theo đại biểu, Luật thủ đô lần này có rất nhiều điểm mới so với Luật Thủ Đô năm 2012.

Trong đó, dự thảo Luật có khoảng 10 nội dung quản lý ngành, lĩnh vực có "vượt" so với quy định chung dành cho cả nước, thuộc các lĩnh vực thiết yếu cho sự phát triển của Thủ đô như đầu tư, công nghệ, y tế, xây dựng, nhân sự… Những quy định này về cơ bản là sát với nhu cầu điều chỉnh của Hà Nội và sẽ giúp Thủ Đô Hà Nội có thêm sức bật mới về thể chế.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị một số nội dung được xem là "vượt trội" như tờ trình có đề cập, thực chất, chính là các quy định có tính “tháo gỡ” những bất cập của các quy định chung mà địa phương nào cũng cần chứ không chỉ riêng có Hà Nội. trong đó, như quy định “ký hợp đồng có thời hạn khi có nhu cầu với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm” tại Điều 16 Dự thảo Hoặc quy định về thu hút nhân tài tại Điều 17 Dự thảo thì là quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn chứ không có thấy sự vượt trội ở đây.

Hay các quy định về liên kết giáo dục công lập với nước ngoài hay mô hình cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học ở Điều 24, rõ ràng "vượt trội" vì cả nước không được áp dụng cơ chế này mặc dù đây là quy định có thể áp dụng được và phát huy hiệu quả ở hầu hết các địa phương và vẫn hoàn toàn áp dụng được ở nhiều địa phương khác có điều kiện chứ không phải là quy định mang tính khai phóng những nguồn lực mang tính riêng có của Hà Nội. Nên cần nghiên cứu thêm các quy định mang tính đột phá gắn với đặc thù của Hà Nội .

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Bên cạnh đó, theo đại biểu dự thảo có khoảng 6 nội dung được thể chế từ Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Tp. Hồ Chí Minh; tuy nhiên đại biểu cho rằng, các quy định này áp dụng cho Thủ Đô Hà Nội cần xem xét thêm vì mặc dù đều là đô thị đặc biệt nhưng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có sự khác biệt về nhu cầu quản trị, điều hành.

Ngoài ra, các quy định của Nghị quyết 98 được ban hành trên cơ sở đề xuất để giải quyết điểm nghẽn tại chỗ cho Tp. Hồ Chí Minh và cũng mới được đưa vào áp dụng, chưa có sơ kết và tổng kết. Nên cần xem xét, đánh giá kỹ hơn trước khi Luật hoá.

Đối với các góp ý cụ thể về dự án Luật, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị cần xem lại tính logic của quy định tại Khoản 3 Điều 2 “Trụ sở cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình, thành phố Hà Nội” vì không thuộc nội hàm của “vị trí, vai trò” của Thủ Đô Hà Nội và không liền mạch, liên kết kém với hai khoản trên về cách tiếp cận mà chỉ là nhắc lại một phần nội dung đã được quy định ở khoản 2, đó là “Thủ đô là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước…”, Do đó, cần cân nhắc bỏ khoản 3 Điều 2 Dự thảo. Hoặc gộp khoản 3 vào khoản 2 điều này nếu muốn nhấn mạnh.

Đồng thời, tại Điều 2, cần bổ sung một quy định về vị trí hành chính theo pháp luật hiện hành và tính chất lãnh thổ của Thủ Đô, cụ thể là: “Thủ Đô Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt”. Đây là quy định có ý nghĩa xác định vị trí và tính chất đô thị, là cơ sở để đưa ra các quy định vượt trội cho chính quyền Thủ Đô.

Tại Điều 7 quy định về danh hiệu công dân danh dự Thủ Đô. Đại biểu cho rằng quy định là hợp lý. Tuy nhiên, theo đại biểu để phù hợp với tinh thần phát huy trách nhiệm của công dân Thủ Đô và công dân cả nước trong xây dựng, bảo vệ Thủ đô thì ngoài danh hiệu công dân danh dự Thủ Đô được trao cho người nước ngoài cần bổ sung thêm danh hiệu khác dành cho chính công dân Thủ Đô hoặc công dân Việt Nam có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển Thủ Đô, ví dụ như danh hiệu “công dân ưu tú Thủ Đô” .

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tham dự phiên họp sáng 27.11

Đối với quy định tại Điều 20 về Biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, đại biểu cho rằng đây là điều luật quy định về biện pháp tổ chức thực hiện chứ không đưa ra quy định mang tính quy phạm chung của Luật.

Theo Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Luật của Quốc Hội quy định các vấn đề về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền công dân và các chính sách cơ bản về ngành, lĩnh vực; và điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền Chính phủ quy định về “Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội”. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ Điều 20 Dự thảo, thay vào đó bổ sung quy định “Chính phủ quy định chi tiết biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch”.

Đối với nội dung lĩnh vực liên kết vùng Thủ đô quy định tại Điều 49, đại biểu cho rằng việc Luật liệt kê 10 lĩnh vực liên kết vùng được ưu tiên mặc dù cho thấy có tính chiến lược. Tuy nhiên, điều này có thể gây khó khăn trong quá trình liên kết thực tế, nếu có lĩnh vực nào đặc biệt cần được ưu tiên nhưng lại không thuộc 10 nhóm trong Luật nêu thì sẽ gây khó khăn trong liên kết.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy góp ý cho Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Do đó, đại biểu đề nghị các lĩnh vực ưu tiên liên kết trong nội bộ vùng nên để Hội đồng điều phối vùng quyết định chứ không nên đưa vào Luật này, vì theo đại biểu lĩnh vực liên kết ngoài tính chiến lược thì quan trọng không kém là tính thời điểm, tính phù hợp trong từng giai đoạn khác nhau.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cũng đề nghị cần xem xét bổ sung quy định rõ hơn về vị trí, tính chất pháp lý của Hội đồng điều phối Thủ Đô được quy định tại  Điều 50 của dự thảo Luật.

Tố Tuấn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục