Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm 2018 là năm thứ 15 tỉnh duy trì mức sinh thay thế. Tây Ninh là một trong 10 tỉnh có mức sinh thấp nhất trong cả nước, và tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công. Quy mô gia đình hai con được đa số các cặp vợ chồng chấp nhận.
Mục tiêu đến năm 2030 của tỉnh Tây Ninh là đạt 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Qua 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, và hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình ở Tây Ninh đã nhận được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân.
Chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình ở tỉnh Tây Ninh đã thật sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2018 là năm thứ 15 tỉnh duy trì mức sinh thay thế. Tây Ninh là một trong 10 tỉnh có mức sinh thấp nhất trong cả nước, và tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công. Quy mô gia đình hai con được đa số các cặp vợ chồng chấp nhận. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên còn 0,69% vào cuối năm 2017. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động cuối năm 2017 đạt 58,46%.
Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2016 đầu năm 2017 trên 36 triệu đồng, tuổi thọ trung bình đạt trên 74 tuổi. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người dân có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Công tác truyền thông, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hoá gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan toả, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hoá gia đình được mở rộng đến vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với chất lượng ngày càng cao. Các hoạt động nâng cao chất lượng dân số từng bước được triển khai thực hiện.
Theo báo cáo sơ bộ của Chi cục dân số - KHHGĐ tỉnh, công tác DS-KHHGĐ năm 2018 đã hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản như: tỷ suất sinh thô đạt 12,36 phần nghìn, giảm 0,32 phần nghìn so với năm 2017; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 0,69%; tỷ số giới tính khi sinh 108,6 bé trai/100 bé gái; số bà mẹ mang thai sàng lọc trước sinh đạt 34,65% (vượt chỉ tiêu kế hoạch 7,85%); số trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh đạt 29,7%; tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại vượt chỉ tiêu kế hoạch 40,74%; tỷ lệ người cao tuổi khám sức khoẻ định kỳ tăng 10% so năm 2017.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay, công tác dân số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn một số hạn chế, bất cập. Đó là, mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đang có chiều hướng gia tăng trong đảng viên, công chức, viên chức; chất lượng dân số chưa được chú trọng; chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên và khám sức khoẻ trước hôn nhân chưa được quan tâm thường xuyên, tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên ngày càng nhiều; dân số đang chuyển dần sang giai đoạn già hoá. Hơn thế, các nội dung về dân số trong hoạch định phát triển kinh tế - xã hội chưa được chú trọng đúng mức.
Công tác truyền thông, giáo dục về dân số - kế hoạch hoá gia đình tại một số địa phương hiệu quả chưa cao. Kiến thức và kỹ năng sống của vị thành niên và thanh niên về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, hôn nhân và gia đình còn hạn chế.
Xác định chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển, ngày 27.3 năm nay, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 67-KH/TU, và UBND tỉnh Tây Ninh cũng ban hành kế hoạch thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Qua đó, chính quyền tỉnh đã xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, ngành Y tế Tây Ninh sẽ là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước bền vững.
Tính đến nay, dân số toàn tỉnh là 1.126.179 người. Quy mô dân số nước ta gần 95 triệu người. Việt Nam là nước đông dân thứ 14 trên thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á, trong đó có hơn 64 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm trên 68% dân số). Đây là nguồn nhân lực to lớn cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đầu tư phát triển giáo dục, y tế và việc làm cho lực lượng lao động trẻ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò cốt yếu trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi đó, vị thành niên, thanh niên Việt Nam (nhóm dân số từ 10 - 24 tuổi) chiếm trên 22% dân số, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì thế, Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26.12 năm nay có chủ đề: “Chăm sóc sức khoẻ vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”. Điều này có ý nghĩa rằng, chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.
Vấn đề sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên được Bộ Y tế xác định là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược dân số - sức khoẻ sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên còn gặp nhiều khó khăn.
Vị thành niên, thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi trẻ con sang làm người lớn, có nhiều điều các em chưa nhận thức hết được tầm quan trọng cũng như những nguy hiểm mà các em có thể gặp phải. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, giáo dục cho vị thành niên, thanh niên thì mọi người đều có ý e dè, né tránh không muốn nhắc đến nội dung chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ, trong khi chính đối tượng này lại rất cần được hướng dẫn đầy đủ và sâu sắc.
Thanh thiếu niên vẫn thiếu kiến thức và thực hành về chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Hiện nay, trên cả nước có 7,8% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 đã quan hệ tình dục trước 15 tuổi, và chỉ có 54% thanh thiếu niên sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Trong khi đó, rất ít vị thành niên tham vấn với cha mẹ và thầy cô giáo trong tìm hiểu thông tin và dịch vụ về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục.
Đến năm 2030, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn đạt 90%.
Đây là những thách thức rất lớn đối với công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, thanh niên ở nước ta hiện nay. Thông qua chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26.12 năm nay, chúng ta tin tưởng rằng vị thành niên, thanh niên Việt Nam nói chung và vị thành niên, thanh niên của tỉnh Tây Ninh nói riêng sẽ được quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ tốt hơn; sẽ là nguồn nhân lực chất lượng đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.
THANH HẠNH