BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần nhiều nỗ lực để phát triển kinh tế-xã hội ổn định, bền vững

Cập nhật ngày: 28/10/2009 - 04:01

Sáng 28.10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội tiếp tục ngày thứ hai thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 và nhiệm vụ kinh tế-xã hội của năm 2010.

Các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung phân tích về hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ, chính sách an sinh xã hội và những vấn đề cụ thể được gọi là “vướng” hiện này để thực hiện thành công các chỉ tiêu năm 2010 mà Chính phủ đã nêu ra.

Các ý kiến đều nhấn mạnh, việc thực hiện thành công 18 trong tổng số 25 chỉ tiêu đặt ra trong năm được coi là thắng lợi trong bối cảnh năm 2009. Cùng với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đạt mức tăng trưởng 5,2%, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện càng củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân.

Trong thành công chung ấy, “gói kích cầu” của Chính phủ được đại biểu đánh giá cao, và ví như “thuốc quý” với các doanh nghiệp “đang ốm”. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất khi nói đến những mặt “chưa đuợc” của gói kích cầu. Con số khoảng 20% doanh nghiệp tiếp cận được vốn kích cầu cho thấy có sự thiếu công bằng với nhiều doanh nghiệp khi các doanh nghiệp này đều đủ tiêu chuẩn vay vốn. Nông dân là đối tượng được ưu tiên thụ hưởng nguồn vốn nhưng thực tế số vốn đến được với nông dân còn quá ít.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc phát biểu tại Quốc hội

Nguyên nhân tại sao? Đó là điều mà đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ và có kết luận rõ ràng đề tìm ra giải pháp cho năm tới. Rõ ràng, doanh nghiệp và dân chưa tiếp cận được vốn kích cầu không phải do họ mà do chính sách ban hành đi kèm. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị hết năm nay, Chính phủ nên dừng gói kích cầu vì giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

Để thực hiện thành công những chỉ tiêu năm 2010, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần tập trung giải quyết triệt để những vấn đề không phải mới nhưng năm nào cũng được nêu. Đó là tình trạng nhiều công trình xây dựng cơ bản dở dang, kéo dài, giải phóng mặt bằng còn nhiều vấn đề; Tình trạng tai nạn giao thông gia tăng với nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; Nạn ô nhiễm môi trường không giảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra ở nhiều nơi đe doạ sức khẻo người tiêu dùng; Công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua chưa thực sự được quan tâm, nhất là công tác phòng bệnh…; Ngành giáo dục và y tế phát động nhiều chương trình nhưng chưa phát huy hiệu quả, đầu tư cho khoa học công nghệ còn thấp, cán bộ khoa học còn quá mỏng, yếu; Tình trạng chạy chức, chạy quyền làm giảm lòng tin của nhân dân vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương.

Trong ngày làm việc thứ hai này, ngoài các ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về Báo cáo của Chính phủ đối với tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 và nhiệm vụ của năm 2010, 5 vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã có nhiều ý kiến, đánh giá góp phần làm rõ thêm những ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội trong các buổi thảo luận trên Hội trường và tại các tổ về các gói kích cầu đầu tư, tính hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế; vấn đề phát triển thị trường nội địa, chương trình khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, vấn đề phát triển thuỷ điện nhỏ, khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010, vấn đề quản lý Nhà nước về tình trạng khai thác khoáng sản và đánh giá về các chính sách an sinh xã hội.

Tiếp tục thực hiện kích cầu để hỗ trợ về đầu tư, giãn thuế…

Về gói kích cầu kinh tế, hiệu quả đầu tư, cơ cấu lại nền kinh tế, các chương trình mục tiêu…, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc (đại biểu đoàn Thanh Hóa) cho biết, tổng gói kích cầu đã thực hiện là 145.600 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD), đối với Việt Nam đây là con số lớn. Với con số khoảng 8 tỷ USD được đưa ra kích cầu trong một thời gian ngắn, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong, ngoài nước và bản thân Bộ Kế hoạch-Đầu tư đều cho rằng, gói kích cầu đã phát huy tác dụng, làm cho chỉ tiêu tăng trưởng không ngừng tăng lên qua từng quý. Gói hỗ trợ đầu tư chung đã huy động khoảng trên 90.000 tỷ đồng, giải quyết được phần nào các nhu cầu trước mắt là phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi), dẫn đến tỷ trọng tăng trưởng của ngành công nghiệp, xây dựng rất lớn, kéo theo việc tăng trưởng cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong ngành xây dựng.

Gói hỗ trợ về miễn giảm thuế khoảng 28.000 tỷ đồng đã đến được với hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như bà con vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa…

Về gói hỗ trợ về lãi suất 18.000 tỷ đồng, tuy có nhiều đánh giá khác nhau, nhưng Bộ Kế hoạch-Đầu tư vẫn cho rằng về tổng thể thì đó vẫn là gói kích cầu hiệu quả, được áp dụng chủ yếu cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng thừa nhận: Một số gói kích cầu còn chậm, chưa đến được đúng đối tượng do nhiều lý do, trong đó có lý do về thủ tục rườm rà. Trong thời gian tới, một số phần của gói kích cầu sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện: Hỗ trợ về đầu tư, giãn thuế…; sẽ xem xét lại một cách cẩn trọng gói kích cầu về hỗ trợ lãi suất.

Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng đã có kiến nghị Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng cụ thể và ưu đãi cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn không hỗ trợ trong 1-2 năm mà sẽ phải hỗ trợ lâu dài. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn thì không thể cào bằng mà trên tinh thần tạo sự ổn định, lâu dài cho các đối tượng này.

Về vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch-Đầu tư xây dựng Đề án để cơ cấu lại nền kinh tế. Trên thực tế, vấn đề cơ cấu lại hay tái cơ cấu thì cũng là việc điều chỉnh lại nền kinh tế, vấn đề mà lâu nay vẫn được đề cập tới rất nhiều trong các tài liệu, báo cáo, vẫn đang được thực hiện ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề rất lớn đòi hỏi phải có nhiều thời gian để xem xét một cách thấu đáo. Dự kiến, khoảng tháng 11, 12 tới, Bộ sẽ có báo cáo trình Chính phủ thông qua, sau đó sẽ trình Quốc hội.

Quan tâm thị trường nội địa

Đề cập vấn đề phát triển thị trường nội địa và chương trình khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, thời gian qua Bộ được Chính phủ giao trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất một số biện pháp để quan tâm hơn, đẩy mạnh hơn nữa thị trường nội địa. Đây là một quyết sách đúng đắn bởi với dân số 85,7 triệu người, đây là một thị trường rất lớn. Việc quan tâm đến thị trường nội địa cũng là quan tâm đến thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến lợi ích của người tiêu dùng.

Chính phủ đã dành khoản kinh phí 51 tỷ đồng phục vụ cho chương trình xúc tiến thương mại nội địa với mục đích để xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan thúc đẩy thị trường nội địa; tuyên truyền về chính sách thúc đẩy nội địa; tạo các nguồn thông tin đến với các doanh nghiệp đầy đủ hơn về nhu cầu của người tiêu dùng trong nước; tổ chức đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa. Bộ Công thương đã phê duyệt đề án này bắt đầu triển khai gói kích cầu thị trường nội địa.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thời gian qua, nhiều địa phương quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt là các thành phố lớn. Cùng với Đề án phát triển thị trường nội địa, chương trình khuyến khích người Việt dùng hàng Việt cũng là một quyết sách đúng đắn, được sự đồng tình của xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được giao làm đầu mối triển khai chương trình này là rất phù hợp bởi đây là một hoạt động xã hội đòi hỏi có sự hưởng ứng của toàn xã hội với mục đích ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, người Việt Nam có quyền yêu cầu các nhà sản xuất Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, giá cả, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam chứ không phải chỉ có yêu cầu một phía đối với người tiêu dùng. Ngược lại, đây cũng là trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh muốn người tiêu dùng Việt Nam có thể lựa chọn và sử dụng hàng Việt Nam thì cần tìm cách để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành… tạo điều kiện cho người tiêu dùng an tâm lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam.

Về vấn đề quy hoạch thuỷ điện nhỏ ở miền Trung, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định sự phát triển của nhiều công trình thuỷ điện nhỏ thời gian qua ở miền Trung đều nằm trong quy hoạch, đã có ý kiến tham gia của địa phương và đều nằm trong sự chỉ đạo của Chính phủ chứ không phải ý kiến chủ quan của một Bộ, ngành nào. Trong tổng sơ đồ phát triển điện, có các quy hoạch riêng về thuỷ điện. Những công trình lớn do Chính phủ quy định, những công trình có công suất nhỏ hơn 30MW do địa phương quy hoạch theo sự hướng dẫn của Bộ. Các công trình thuỷ điện ở miền Trung có thể tận dụng lợi thế của địa phương, với những đặc điểm về địa lý có thể đáp ứng được chất lượng công trình.

Đảm bảo an sinh xã hội

Một trong những nội dung của Báo cáo Chính phủ được nhiều đại biểu quan tâm đó là việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội cũng như hiệu quả của các chính sách đó. Đánh giá chung về tình hình thực hiện an sinh xã hội thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân (đại biểu đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, trong bức tranh tổng thể, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội đã được thực hiện tốt dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Các nước ASEAN và trên thế giới đánh giá cao Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa chúng ta đã hết những hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót trong việc thực hiện mục tiêu này; đánh giá riêng từng mặt, từng chính sách cụ thể thì có lúc, có nơi, việc này, việc kia được làm chưa tốt, chưa đúng trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì thế, như đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, chất lượng giảm nghèo chưa cao, chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nhận thức được điều này, Chính phủ cho rằng vấn đề giảm nghèo, an sinh xã hội không thể đứng riêng mà phải gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư cơ sở hạ tầng, trồng rừng, dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân… Cũng với lý lẽ đó, bảo đảm an sinh xã hội không phải là vấn đề ngắn hạn mà là mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, trong đó vấn đề giảm nghèo phải được quan tâm, thực hiện trước tiên trong rất nhiều vấn đề thuộc về an sinh xã hội.

Trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, trong kế hoạch công tác hàng năm, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội luôn được thể hiện nhất quán với hệ thống chính sách khá đầy đủ, đặc biệt có riêng một chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Về cơ bản, hệ thống chính sách đó đã giúp cho dân nghèo và những đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội đã được tiếp cận những điều kiện cơ bản, nhất về ăn ở, khám chữa bệnh, học hành, đi lại, việc làm, thông tin, trợ giúp pháp lý… Nhà nước cũng đã dành nguồn lực đáng kể trong điều kiện ngân sách còn khó khăn để chi cho công tác bảo đảm an sinh xã hội (trên 22.000 tỷ đồng).

Trong công tác này, vai trò của Mặt trận Tổ quốc là vô cùng lớn, đã vận động được từ nhiều nguồn hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương nghèo, tạo thêm một nguồn lực cùng với Nhà nước giải quyết tình trạng hộ nghèo. Riêng trong năm 2009, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng hơn 77.000 ngôi nhà của người dân tộc trong 62 huyện nghèo phải được hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Cho đến thời điểm này đã khởi công hơn 52.000 căn, đã bàn giao được 15.000 căn cho người dân sử dụng.

Giải đáp nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc áp dụng chuẩn nghèo so với tình hình hiện nay là không còn phù hợp thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thừa nhận thực trạng này và cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới để thực hiện trong giai đoạn tới. Chuẩn nghèo đang sử dụng hiện nay đã được xây dựng từ năm 2005 áp dụng cho chương trình mục tiêu 5 năm từ 2006-2010, tuy nhiên cho tới nay không còn phù hợp. Tuy nhiên, trong khi chưa điều chỉnh được chuẩn nghèo vì phải liên quan tới rất nhiều vấn đề khác, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực giúp cho người nghèo, vùng nghèo ổn định đời sống, một mặt đẩy nhanh việc nghiên cứu một chuẩn nghèo mới phù hợp với tình hình thực tế của đất nước và với chuẩn nghèo của các nước trong khu vực cũng như của quốc tế.

Như vậy, sau 1,5 ngày thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009 và nhiệm vụ của năm 2010, đã có 64 vị đại biểu và 5 vị Bộ trưởng trình bày ý kiến. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, không khí phát biểu nhìn chung sôi nổi, liên tục, đi vào đúng trọng tâm vấn đề và có tính xây dựng cao.

Đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009, các đại biểu đã làm rõ cả mặt được và chưa được, có những phân tích sâu sắc đi sâu vào cốt lõi vấn đề. Về các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của năm 2010, nhiều đại biểu đưa ra những kiến nghị mới, có thêm căn cứ để xây dựng, hoàn chỉnh Nghị quyết của Quốc hội về các nhiệm vụ của năm 2010 và đánh giá năm 2009.

(Theo VOV News)