Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần những giải pháp chiến lược, tạo niềm tin trong nhân dân
Thứ năm: 09:06 ngày 23/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tại phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội cho rằng để giải quyết tốt các vấn đề xã hội cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời các cơ quan chức năng phải có những giải pháp mang tính chiến lược, tạo niềm tin trong nhân dân.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 22/5, các đại biểu thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 22/5. Ảnh: ĐT

Các đại biểu cho rằng, hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt giảm cơ chế xin cho, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn có những bước tiến rất quan trọng. Nổi bật là hiệu quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới; tích cực ngăn ngừa sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, trong khi dịch bệnh này đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới.

Các đại biểu Quốc hội nhận định, nhiều vụ án lớn, quan trọng đã được xét xử kịp thời, nghiêm minh; công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, kiểm toán và các cơ quan chức năng đã chuyển nhiều vụ việc cho các cơ quan điều tra xử lý; an ninh quốc phòng được giữ vững; đối ngoại đạt nhiều thành tựu khi tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế... Những kết quả đó không chỉ thể hiện nỗ lực của chính phủ, các cấp, các ngành, mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Để giải quyết tốt các vấn đề xã hội, các đại biểu cho rằng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời các cơ quan chức năng phải có những giải pháp mang tính chiến lược, tạo niềm tin trong nhân dân.

Phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước

Phân tích những vấn đề "nóng" đang xảy ra mà dư luận xã hội rất quan tâm, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, các cơ quan chức năng cần phát huy hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, tránh tình trạng giải quyết theo phong trào. "Chúng ta cần đi trước một bước, có những phương án đề phòng chứ không nên để sự việc xảy ra rồi mới tìm hướng xử lý", đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật của người dân là then chốt để tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng hiện nay còn rất hạn chế. Dân chủ là tốt nhưng phải gắn liền với kỷ cương, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Theo đại biểu, việc vi phạm luật giao thông, xả rác bừa bãi, hay những hành động lệch chuẩn vẫn diễn ra thường xuyên, nhưng chưa được xử lý nghiêm minh nên đã tạo những thành thói quen xấu.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại biểu cho rằng, quan trọng là do quản lý nhà nước, xử lý vi phạm còn hạn chế. Hiện đã có những tín hiệu đáng mừng là nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý, nhưng mới mang tính tình thế chứ chưa có giải pháp mang tính chiến lược. Theo đại biểu, nhiều sự việc xảy ra nhưng chỉ khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng mới vào cuộc nên vẫn chưa đảm bảo tính công bằng trong việc thực thi pháp luật.

Cho rằng, pháp luật liên quan đến các vấn đề xã hội phải có tính khả thi và thực tiễn mới đem lại hiệu quả, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường lấy ví dụ hành động sàm sỡ phụ nữ mà chỉ bị phạt 200.000 đồng là không đủ răn đe, hay việc uống rượu sau khi lái xe gây tai nạn ở mức nhẹ chỉ bị phạt hành chính cũng không đem lại hiệu quả...

Để việc thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu đưa ra những giải pháp hữu hiệu, nhưng cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như trao thẩm quyền cho người thi hành công vụ, tránh trường hợp người thực thi pháp luật không bảo vệ được sự an toàn của chính mình khi rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc làm rõ giá điện để dân yên tâm

Thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhấn mạnh cử tri rất quan tâm vấn đề điều chỉnh giá điện, xăng dầu và dù Bộ đã có giải trình về cơ chế tính nhưng cần làm rõ hơn để người dân yên tâm.

“Cử tri không biết cách tính giá nhưng biết tăng giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và so sánh với giá cả khác thì việc tăng giá mặt hàng này không hợp với cử tri” – ông Nguyễn Hữu Cầu nói và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không.

“Nếu kiểm toán và trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm” – ông Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại tổ, sáng 22/5. Ảnh: ĐT

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Lê Thu Hà – Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, qua tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố.

“Tôi đồng tình với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, có lẽ nên để Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện” – đại biểu Hà nêu quan điểm.

Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi các đại biểu liên quan đến vấn đề này, nhưng nữ đại biểu thuộc đoàn Lào Cai cho rằng chưa đáp ứng yêu cầu của cử tri. Đơn cử như việc Bộ lý giải tính luỹ tiến 6 bậc là căn cứ tham khảo của một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, song theo đại biểu Lê Thu Hà, ở các nước này họ có nhiều chính sách đi kèm như ở Mỹ có nhiều cơ quan cung cấp điện và cạnh tranh, phân biệt mức giá điện kinh doanh và điện sinh hoạt. Bên cạnh đó, những hộ thu nhập thấp được giảm giá đáng kể để không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.

Tương tự, ở Hàn Quốc thì Chính phủ còn giảm giá điện để giúp các hộ dân vượt qua thời điểm nắng nóng, bởi họ coi đó là thiên tai và cuộc sống người dân cần được bảo đảm.  Nước này cũng giảm giá cho hộ thu nhập thấp, cho cơ sở phúc lợi, gia đình có con nhỏ...

Đại biểu Lê Thu Hà đề nghị, cần có câu trả lời rõ ràng về chính sách bù lỗ giá điện thực chất là thế nào và vấn đề này có liên quan đến tăng giá điện hay không. Về giải pháp lâu dài, bên cạnh quan tâm đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió thì “đến lúc cần suy nghĩ đa dạng hoá thành phần tham gia vào phân phối điện lực”. Bởi thực tế của ngành hàng không cho thấy người dân có nhiều lựa chọn hơn sau khi các đơn vị tư nhân tham gia.

Đại biểu Mai Sỹ Diến – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thanh Hóa cho biết, báo cáo vừa qua khẳng định việc điều hành giá điện là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên một điều hành mà có bức xúc trong cử tri, nhân dân thì nên xem xét lại. Và hiện nay Chính phủ đang giao thanh tra quá trình điều hành giá điện.

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, ngoài việc thanh tra kịp thời, báo cáo công khai dư luận vấn đề đúng hay chưa đúng việc điều hành giá điện, đề nghị Quốc hội giao UBTVQH có giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán điện, điều chỉnh giá điện, bởi đây là vấn đề liên quan đến đời sống của người dân.

Trong báo cáo của Bộ Công thương, cũng có quan điểm điều hành để hỗ trợ cho những người sử dụng ít, khuyến khích người sử dụng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, vị đại biểu này cho rằng, đối với cơ chế thị trường, quan điểm này chưa phù hợp. Bởi đối với người nghèo, người sử dụng ít, Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền điện. Theo đó, đại biểu kiến nghị ngành điện phải xây dựng lại bậc thang bảng giá điện.

Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Cần Thơ) đánh giá, điểm sáng trong Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ là nợ công Việt Nam tới cuối năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua (cuối năm 2018, nợ công là 58,4%; nợ Chính phủ 50%). Lý giải về kết quả này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đó là do tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, mức cao nhất trong 11 năm gần đây, chính sách tài khóa tốt, nguồn thu tăng nên áp lực phải huy động thêm để chi ngân sách giảm.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: Tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2018, những tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế khá cao (quý I/2019 đạt 6,79%) nhưng thấp hơn mức cùng kỳ năm 2018. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Kết quả đạt được những tháng đầu năm 2019 là khá toàn diện, không chỉ thành tựu về kinh tế mà cả các lĩnh vực văn hóa xã hội cũng đạt những kết quả quan trọng, quốc phòng an ninh được giữ vững…

Về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần chú ý tác động từ bên ngoài. Kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng nên khi kinh tế thế giới biến động, chắc chắn sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực tới Việt Nam, trong đó cần xem xét kỹ tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp năm nay bị ảnh hưởng lớn do thiên tai, dịch bệnh; giá nông sản thấp hơn năm trước sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu của ngành, tỷ trọng của ngành trong GDP đồng thời tác động đến 70% người dân ở khu vực nông thôn và làm nông nghiệp.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lo lắng về giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP), BOT, BT ngành giao thông gặp rất nhiều khó khăn…

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới, việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần thực hiện các giải pháp đồng bộ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đẩy mạnh dự án trọng điểm quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ “giấy phép con”, thu hút có chọn lọc đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài./.

Nguồn cpv

Tin cùng chuyên mục