BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần phải bảo tồn các di tích khảo cổ học 

Cập nhật ngày: 23/05/2018 - 08:13

BTN - Trong số hơn 110 di chỉ còn lại, không phải nơi nào cũng có các đình, chùa, miếu mạo dân gian bảo vệ. Cũng không phải nơi nào cũng có những ngôi miễu nhỏ do người dân tín ngưỡng lập nên để giữ gìn, tránh kẻ gian xâm phạm.

Gò miếu Bà Phước Thuận, Phước Chỉ.

Năm 2010-2011, Bảo tàng tỉnh phối hợp  với Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Ðiều tra xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh”.

Nhóm nghiên cứu đã xác định được trên địa bàn có tất cả 120 địa điểm di tích khảo cổ học, kể cả những di tích đã được phát hiện trước đây (thời Pháp thuộc- PV) và cả số di tích hiện nay đã bị phá huỷ hoàn toàn.

Ðây quả là một con số quá lớn, không kém bất kỳ một địa phương nào ở Nam bộ, kể cả những tỉnh được coi là trung tâm của nền văn hoá Óc-eo như An Giang hoặc các tỉnh miền Ðông có nhiều di chỉ của nền văn hoá Ðồng Nai như Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.

120 địa điểm, trên diện tích hơn 4.000km2! Một mật độ rất cao, rất đáng ngạc nhiên với không chỉ các nhà khảo cổ. Câu trả lời của họ là: “Tây Ninh, từ trước đến nay là một điểm hội tụ, giao lưu quan trọng của các nhóm cư dân giữa khu vực Ðông và Tây Nam bộ trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau” (trang 16 báo cáo đã dẫn).

120 di chỉ khảo cổ mà chỉ có 6 di tích được công nhận di tích lịch sử văn hoá (LSVH), trong đó có 3 di tích cấp nhà nước là gò Cổ Lâm (xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành) và hai khu đền tháp cổ (Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng và Chót Mạt, huyện Tân Biên). 

Hai ngôi tháp cổ đã được Nhà nước bỏ ra nhiều tỷ đồng để trùng tu tôn tạo. Ba nơi được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, đã được khoanh vùng bảo vệ là: miếu Bà (Bến Ðình), khu Dinh Ông (huyện Bến Cầu) và khu gò Cao Sơn (huyện Gò Dầu).

Dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhận xét: “Việc khoanh vùng bảo vệ các di tích khảo cổ học cấp tỉnh như hiện nay ở Tây Ninh còn quá ít, trong khi các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh được phát hiện khá nhiều...”.

Di vật đá trên gò đình Phước Lưu.

Trong số hơn 110 di chỉ còn lại, không phải nơi nào cũng có các đình, chùa, miếu mạo dân gian bảo vệ. Cũng không phải nơi nào cũng có những ngôi miễu nhỏ do người dân tín ngưỡng lập nên để giữ gìn, tránh kẻ gian xâm phạm.

Như ở các di chỉ đình Truông Mít (DMC) hoặc gò miếu Bà xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu. Do nhiều vị trí ở những nơi khuất nẻo, vắng người qua lại nên miễu thờ cũng không có nhiều ý nghĩa, nhất là với những quân trộm đạo hầu như không biết sợ điều gì.

Tuy nhiên, mối nguy cơ với các di chỉ khảo cổ học ở Tây Ninh lại không phải từ nạn đào trộm tìm của, hoặc do chiến tranh tàn phá. Mối nguy chính lại xuất hiện trong thời bình khi mà nơi nơi đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế.

Nhiều khu công nghiệp mọc lên, nhiều tuyến kênh mương thuỷ lợi được đào đắp. Bởi công cuộc đô thị hoá, phát triển nông thôn mới khiến nhu cầu đất đào đắp, san lấp mặt bằng tăng cao. Mà, di chỉ khảo cổ học ở Tây Ninh thường gắn với những gò đất đắp, có khi là rất lớn.

Cho đến năm 2010, theo tính đếm của nhóm nghiên cứu khảo sát, đã có 29 di chỉ khảo cổ bị biến mất hoàn toàn do khai thác đất hoặc san ủi lấy đất làm nông nghiệp. Nhiều khu gò nay đã hoá thành ruộng nước hoặc ao sâu.

Trước tình hình này, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị một danh sách các di tích cần được cơ quan chức năng làm hồ sơ trình UBND tỉnh để công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, nhằm bảo vệ kịp thời những di tích có nguy cơ biến mất trong một tương lai gần.

Danh sách ấy gồm 4 địa điểm thuộc huyện Trảng Bàng là: gò Chùa ở ấp Phước Dân; gò miếu bà thuộc ấp Phước Thuận; gò tháp Phước Hưng (còn có tên Truông Dầu hoặc Rừng Dầu thuộc ấp Phước Hưng.

Ba địa điểm trên đều thuộc xã Phước Chỉ. Ðịa chỉ thứ tư là khu gò tháp 1,2,3,4, còn gọi là gò ông Hoan ở ấp An Phú, xã An Tịnh. Huyện Gò Dầu có một di chỉ, chính là gò Tháp đã kể thuộc ấp Phước Bình B, xã Phước Thạnh. Huyện Tân Biên có một điểm là gò Tháp, hiện ở trên đất trồng cao su của gia đình ông Lâm Chí Dũng thuộc ấp Hoà Hội, xã Hoà Hiệp.

Huyện Bến Cầu có hai địa điểm là: gò chùa Thầy Lưỡng ở ấp B, xã Tiên Thuận và gò Tháp thuộc ấp Long Hưng, xã Long Thuận. Huyện Châu Thành cũng có một di chỉ là gò Tháp, nay thuộc ấp Bến Cầu, xã Biên Giới.

Tuy nhiên, trong lần cùng Bảo tàng tỉnh lên ấp này để đưa các tấm điêu khắc đá về thì di chỉ này cũng đã chìm khuất dưới một rẫy mì bằng phẳng.

Cho đến nay, đã qua 7 năm, nhưng chưa có một địa điểm nào của danh sách kiến nghị nêu trên được xếp hạng. Nhiều khả năng, kết quả nghiên cứu này cũng có nguy cơ rơi vào quên lãng.

Ðầu tháng 5.2018, có một sự kiện được dư luận quan tâm. Ðấy là dự án xây dựng trung tâm hành chính của TP. Hồ Chí Minh, trong đó dự kiến phải đập bỏ toà Dinh Thượng Thơ (nay là Sở TT&TT) xây dựng năm 1864.

Ý kiến ủng hộ đập bỏ là công trình này chưa phải là di tích xếp hạng. Còn ý kiến phản biện lại, đã cho rằng công trình này “có giá trị lịch sử, giá trị như là một thành phần hiếm hoi trong di sản của Thành phố... góp phần tạo dựng nên diện mạo của Sài Gòn- TP. Hồ Chí Minh có một quá trình tồn tại lâu dài và có sự tích luỹ tài nguyên đô thị...” (Kiến trúc sư Hoàng Ðạo Kính, Báo Tuổi trẻ ngày 4.5.2018). Tác giả này còn nhắc đến một khái niệm trừu tượng về “tâm hồn thành phố”.

Vậy thì các gò tháp nói riêng, và các di chỉ khảo cổ nói chung hiện còn rất nhiều ở Tây Ninh cũng chính là các tài nguyên của quê hương Tây Ninh. Bởi vì đấy là “Ðiểm hội tụ, giao lưu quan trọng của các nhóm cư dân giữa khu vực Ðông và Tây Nam bộ” như phát hiện của các nhà khảo cổ.

Mà tài nguyên này lại có từ rất xa xưa, từ một đến vài ngàn năm của các nền văn hoá, từ Ðồng Nai cho đến Óc-eo, hậu Óc-eo. Và nếu có tâm hồn thành phố, thì cũng có tâm hồn các miền quê kiểng nông thôn, cội nguồn cho các thành phố ấy sinh ra và lớn lên.

Nguồn tài nguyên văn hoá lịch sử này không chỉ rất có giá trị với các thế hệ người hôm nay, mà càng vô giá hơn với các thế hệ tương lai.

Danh sách 9 địa điểm đã kể trên thảy đều xứng đáng. Ai mà không rung động tâm tư khi đi qua ấp Phước Bình B, Phước Thạnh, thấy một bóng cây cổ thụ quắc thước trên gò đất tuyệt đẹp nổi giữa cánh đồng? Ai mà không ngỡ ngàng trước ngôi miếu chơ vơ nổi bật trên gò miếu Bà Phước Thuận? Ðến gần hơn, ta sẽ thấy cả những phiến đá xám đen, lì nhẵn từng “trơ gan cùng tuế nguyệt” đã ngàn năm.

Hay, những viên gạch cổ có lõi cháy đen còn lưu giữ bao điều bí mật về sức sống ngàn năm không vụn vỡ. Ngoài danh sách ấy, cũng còn nhiều địa chỉ cần bảo tồn lưu giữ, dù có thể hôm nay nó đã được tạm thời bảo tồn nhờ các ngôi miếu đình đã có.

Như ở miếu Ngũ Hành, khu phố 5, phường 1, TP. Tây Ninh. Gốc rễ cây duối và bồ đề ở đây đang ôm trọn lấy một tàn tích kiến trúc xây bằng gạch giống như gò Cổ Lâm- niên đại 1.200 năm.

Nơi ấy còn từng là căn hầm bí mật của ông Ba Liên- một cán bộ cách mạng thị xã Tây Ninh thời kháng chiến chống Mỹ. Di chỉ này có xứng là di tích hay không?

Bắt chước kiến trúc sư Hoàng Ðạo Kính, tôi cũng xin ví von những di chỉ khảo cổ ở Tây Ninh cũng là những mảnh ký ức tâm hồn của quê hương núi Ðiện sông Vàm.

Trần Vũ