BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần phải xã hội hoá việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cập nhật ngày: 13/11/2010 - 04:17

Phỏng vấn ĐBQH Đặng Vũ Minh (Đ.V.M), Uỷ viên TW Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ & Môi trường của Quốc hội

- Thưa đại biểu ĐVM, được biết sau nhiều lần QH thảo luận, cho ý kiến, tại kỳ họp lần này QH sẽ xem xét thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD). Luật này có tác động thiết thực đối với cuộc sống người dân, ông có thể cho bạn đọc Báo Tây Ninh biết rõ vị trí của Luật BVQLNTD trong hệ thống pháp luật hiện hành, và phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của Luật?  

ĐBQH Đặng Vũ Minh.

Về những vấn đề này, là người được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) uỷ nhiệm giải trình trước kỳ họp, tôi xin cung cấp cho bạn đọc thông tin như sau: Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải sử dụng cả một hệ thống pháp luật điều chỉnh. Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của hầu hết các nước trên thế giới cũng cho thấy điều đó.

Liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh; chẳng hạn như các Bộ luật Dân sự, Hình sự, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Cạnh tranh, Luật Khám chữa bệnh, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm..., hay các Pháp lệnh về quảng cáo, về đo lường, về giá… Các văn bản pháp luật này đã quy định chi tiết những vấn đề liên quan tới hàng hoá, dịch vụ trong từng lĩnh vực. Chính vì vậy, dự thảo Luật BVQLNTD không quy định lại từng lĩnh vực cụ thể, mà tiếp cận theo hướng chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản pháp luật hiện hành nào điều chỉnh; đặc biệt là tập trung quy định các cơ chế để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình.

Với cách tiếp cận như trên và tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh” của dự thảo Luật đã được bổ sung, chỉnh sửa lại như sau: “Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”

- Chúng tôi được biết, khi thảo luận dự thảo Luật BVQLNTD, một số ĐBQH cho rằng dự thảo Luật quy định chưa rõ, chưa cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Đồng thời cũng có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm và nội dung cung cấp thông tin, quảng cáo về sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; trách nhiệm của tổ chức cá nhân đối với sản phẩm có khuyết tật và trách nhiệm bảo hành hàng hoá... Về những vấn đề này, UBTVQH giải trình như thế nào, thưa ông?

Trong dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp lần trước, vấn đề  trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đã được quy định trong cả ba giai đoạn: trước, trong và sau giao dịch với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thể hiện trong Luật một cách tập trung và thống nhất hơn về các trách nhiệm này, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa lại bằng cách gộp cả 3 chương (II, III và IV) thành một chương mới là Chương II- “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng”.

Đối với vấn đề trách nhiệm và nội dung cung cấp thông tin, quảng cáo về sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; trách nhiệm đối với sản phẩm có khuyết tật; và trách nhiệm bảo hành hàng hoá; trong dự thảo Luật đã chỉnh sửa các quy định cụ thể nội dung thông tin về hàng hoá, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ cung cấp cho người tiêu dùng; quy định cấm lừa dối hoặc gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng thông qua việc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che giấu thông tin; chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm của bên thứ ba (bao gồm các cơ quan truyền thông đại chúng) trong việc quảng cáo, tiếp thị hàng hoá, dịch vụ. Đồng thời dự thảo Luật cũng làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá về bảo hành hàng hoá để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với pháp luật nhằm bảo đảm tính khả thi và phù hợp thực tế. 

- Và trong thực tế còn có những giao dịch giữa người tiêu dùng với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, không phải đăng ký kinh doanh; đối với trường hợp này Luật quy định ra sao về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông? 

Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, thực tiễn người tiêu dùng giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh rất đa dạng, phong phú, nên dự thảo Luật không thể quy định cụ thể mà giao cho Chính phủ căn cứ vào các quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan mà quy định trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời giao cho UBND cấp xã, Ban quản lý các chợ, khu thương mại căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết theo các điều kiện cụ thể trên địa bàn quản lý của mình.

- Về phía Nhà nước, Luật quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào, thưa đại biểu ĐVM?

Nhìn chung, ý kiến của các đoàn ĐBQH nhất trí về việc Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, song cũng có những ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, UBND các cấp trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; việc phân công, phân cấp của Chính phủ trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, chứ không chỉ là trách nhiệm của một Bộ hoặc một vài Bộ nào; Dự thảo Luật BVQLNTD không đi theo hướng quy định trách nhiệm của từng cơ quan trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà chỉ quy định chung về cơ quan đầu mối, cũng như nguyên tắc trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ do Chính phủ quy định cụ thể theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ cũng như tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và thực tiễn yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng thời kỳ.

Xây dựng tốt hệ thống phân phối hàng hoá cũng là một cách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng- Trong ảnh: Mô hình CoopMart Tây Ninh.

- Như vậy, các tổ chức xã hội có vai trò, địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm gì trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chúng ta thấy rằng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, như vậy ngoài việc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc tham gia của các tổ chức xã hội vào hoạt động này là hết sức cần thiết để xã hội hoá việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay đã và đang có sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội (như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…). Riêng về Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một loại hình tổ chức xã hội có các chức năng đặc thù. Khác với các tổ chức xã hội khác, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động không chỉ bảo vệ quyền lợi của bản thân hội viên mà nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đông đảo người tiêu dùng. Với cách tiếp cận như trên, dự thảo Luật chỉ quy định việc tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà không luật hoá hình thức tổ chức của bất kỳ một tổ chức xã hội nào cụ thể. Riêng về vai trò của Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, bổ sung các quy định về nội dung tham gia bảo vệ người tiêu dùng của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 28, “Nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức xã hội”).

Về ý kiến cho rằng cần xem xét, cân nhắc quy định quyền khởi kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với thực tế và pháp luật hiện hành, UBTVQH giải trình như sau: Trên thực tế, có nhiều trường hợp, giá trị các tranh chấp của người tiêu dùng thường không lớn nên người tiêu dùng thường có tâm lý ngại khởi kiện (chẳng hạn, các vụ việc vi phạm như xăng pha aceton, nước tương nhiễm 3-MCPD, gian lận đo lường trong kinh doanh xăng dầu, việc xả thải gây ô nhiễm môi trường... không có cá nhân người tiêu dùng nào khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình), tuy nhiên, thiệt hại cho xã hội trong các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng này là rất lớn. Chính vì vậy, việc giao quyền cho tổ chức xã hội khởi kiện theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc vì mục đích công cộng là cần thiết, đây là đặc thù, phù hợp với thực tế hiện nay và phù hợp pháp luật tố tụng dân sự. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức xã hội có quyền tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng. (Điều 28, “Nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức xã hội”)

- Xin cảm ơn ĐBQH Đặng Vũ Minh đã vui lòng trả lời phỏng vấn của Báo Tây Ninh về vấn đề cử tri rất quan tâm này.

NGUYỄN TẤN HÙNG

(Thực hiện qua e-mail)