Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐBQH Trịnh Ngọc Phương:
Cần phân biệt hành vi vi phạm hành chính nhiều lần với tái phạm
Thứ bảy: 21:56 ngày 20/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong phiên thảo luận ngày 18.6 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh đã có một số ý kiến phát biểu đối với dự án Luật này như sau:

Về quy định sửa đổi tại khoản 5 Điều 2, khoản này có 2 nội dung liên quan đến tái phạm là:

1. Tái phạm trong xử phạt vi phạm hành chính (VPHC).

2. Tái phạm trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH Tây Ninh) phát biểu tại phiên họp.

Theo đại biểu Phương, “Tái phạm” được xem xét khi hội đủ các điều kiện sau: Cùng một hành vi VPHC nhưng trước đó đã vi phạm ít nhất một lần trở lên và đã bị ra Quyết định xử phạt VPHC; Chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý VPHC; Hành vi vi phạm pháp luật không thuộc trường hợp quy định của Bộ Luật hình sự.

Đại biểu Phương cho biết, trong quá trình giám sát về xử phạt VPHC, đại biểu nhận thấy tình tiết “tái phạm” như dự thảo nêu còn một số vấn đề chưa phù hợp: Cùng một hành vi VPHC đã xảy ra, đã được phát hiện nhưng chưa bị ra quyết định xử phạt VPHC thì không được coi là “tái phạm”.

Tại khoản 2 Điều 66 Luật Xử lý VPHC quy định: “Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc khoản 3 Điều 63 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành”.

Đại biểu Phương nhận định, từ quy định trên có thể thấy rằng nếu hành vi phạm hành chính đã xảy ra nhưng thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không bị xử phạt, nhưng người có thẩm quyền vẫn ban hành quyết định khắc phục hậu quả. Hiện nay, theo các Nghị định quy định của Chính phủ về xử lý VPHC thì Quyết định khắc phục hậu quả đều phải nêu lý do vì sao không ra quyết định xử phạt. Đại biểu cho rằng cần phải xác định hành vi VPHC đã xảy ra và đã bị phát hiện được thể hiện bằng Biên bản VPHC, làm căn cứ xác định hành vi tái phạm mà từ đó có hình thức xử lý phù hợp.

Cần phải thấy rằng việc lập biên bản vi phạm hành chính cùng với việc giải trình của chủ thể vi phạm là cần thiết làm căn cứ xác định có vi phạm hay không; còn việc có ban hành quyết định xử phạt VPHC hay không thì chủ thể có thẩm quyền phải căn cứ theo luật định.

Khi đã lập biên bản VPHC nhưng không thể ra Quyết định xử phạt VPHC là do luật định, nhưng cần phải xác định là một lần vi phạm để xác định tái phạm lần tiếp theo.

Trừ trường hợp được ra quyết định xử phạt tại chỗ không phải lập biên bản VPHC được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý VPHC với hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức. Còn lại mọi trường hợp, việc ban hành quyết định xử phạt VPHC được ban hành trên cơ sở biên bản VPHC. Như vậy, việc VPHC dù có bị xử phạt hay không thì cũng có căn cứ xác định là đã vi phạm dựa trên Biên bản VPHC hoặc quyết định xử phạt VPHC. Do vậy, một hành vi VPHC đã xảy ra rồi, đã bị phát hiện nhưng không bị ra quyết định xử phạt nhưng sau đó lại vi phạm mà không xác định là tình tiết “tái phạm” là không phù hợp.

 Thực tế hiện nay, một số tổ chức cá nhân cố tình vi phạm khi đã bị lập biên bản VPHC. Chẳng hạn như lĩnh vực xây dựng, chủ thể vi phạm đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản VPHC với yêu cầu dừng mọi hoạt động xây dựng. Khi người có thẩm quyền chuẩn bị ra quyết định xử phạt VPHC thì lại phát hiện tổ chức cá nhân lại tiếp tục vi phạm, cơ quan có thẩm quyền lại phải lập biên bản VPHC tiếp lần 2. Do vậy, cần phải xác định rằng lần đầu đã vi phạm rồi nhưng người có thẩm quyền xử phạt chưa ra quyết định xử phạt VPHC mà người vi phạm lại vi phạm tiếp tục lần 2 trở lên thì phải xác định là “tái phạm”.  

Quy định của pháp luật về xử phạt VPHC có xu hướng ngày càng phạt hành vi tái phạm nặng hơn nhiều so với với hành vi VPHC lần đầu. Các chủ thể vi phạm thường lợi dụng việc đã bị phát hiện vi phạm nhưng người có thẩm quyền xử phạt chưa ra hoặc không thể ra được quyết định xử phạt VPHC để tiếp tục vi phạm pháp luật, dẫn tới việc chấp hành pháp luật không nghiêm và khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình xử lý. 

 Tại khoản 5 Điều 2 có quy định “Không tính tái phạm đối với các hành vi vi phạm hành chính thuộc trường hợp được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm và bị xử lý hình sự”. Đại biểu Phương cho rằng, đây là quy định thừa, bởi vì khi hành vi vi phạm pháp luật đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì không còn là hành vi VPHC nữa. Tại khoản 1 Điều 2 Luật xử lý VPHC đã quy định: “VPHC là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt VPHC”.

Do vậy, đại biểu Phương cho rằng tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo là không phù hợp. Đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 2 như sau: “Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị lập biên bản VPHC hoặc đã bị ra quyết định xử phạt VPHC nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt VPHC mà lại thực hiện hành vi VPHC đã được xác định hoặc bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện các hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.

Về quy định sửa đổi, bổ sung tại điểm d, khoản 1 Điều 3: “Một người thực hiện nhiều hành vi VPHC hoặc VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng”, đại biểu Phương cho rằng quy định như trên về xử phạt VPHC nhiều lần là không phù hợp, bởi vì:

 Cần phân biệt hành vi VPHC nhiều lần với tái phạm, bởi vì VPHC nhiều lần là việc một chủ thể đã vi phạm pháp luật về cùng một hành vi nhưng bị phát hiện cùng một lúc về hành vi đó. Còn tái phạm trong VPHC là bị phát hiện nhưng lại tiếp tục vi phạm.

Quy định “vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm” dẫn đến cách hiểu, mỗi lần vi phạm về cùng một hành vi dù đã hoàn thành hay đang tiếp diễn thì sẽ chia ra số biên bản VPHC hay Quyết định xử phạt sẽ tương ứng với số lần vi phạm. Quy định này là trái với quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 10 Luật xử lý VPHC hiện hành. Theo đó hành vi VPHC nhiều lần chỉ là tình tiết tăng nặng, là yếu tố để quyết định mức hình phạt một hành vi ở mức cao hơn mức trung bình đã được quy định trong luật hiện hành.

Quy định “VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm” mặc dù là tình tiết tăng nặng đã được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 10, nhưng tại dự thảo này lại quy định “trừ trường hợp Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng”. Đại biểu Phương cho rằng, luật đã quy định là tình tiết tăng nặng rồi thì Chính phủ không được quy định nữa, sẽ chồng lấn nhau. Mặt khác, Điều 10 Luật Xử lý VPHC không cho phép Chính phủ quy định thêm tình tiết tăng nặng.

Do vậy, đại biểu Phương kiến nghị sửa đoạn cuối của điểm d, khoản 1 Điều 3 như sau: “Một người thực hiện nhiều hành vi VPHC khác nhau thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm” cho phù hợp như phân tích của đại biểu.

Kim Chi (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục