Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ÐBQH Trịnh Ngọc Phương:
Cần phân định rõ hành vi tham nhũng với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng (*)
Thứ sáu: 06:10 ngày 26/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khác với “hành vi tham nhũng”, “hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng” có thể không phải là hướng tới “vụ lợi”, mà là việc không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định của pháp luật, hoặc quy tắc có tính xử sự chung được ban hành có tính bắt buộc thi hành trong cơ quan tổ chức khi thi hành công vụ.

ÐBQH Trịnh Ngọc Phương phát biểu góp ý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng.

Sáng 25.10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV thảo luận tại hội trường góp ý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng. Về dự thảo luật này, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định, tại khoản 2, Ðiều 19 quy định “Người có hành vi vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ bị xử lý theo quy định tại Ðiều 95 của Luật này và chịu trách nhiệm bồi thường như sau: a) Người cho phép sử dụng không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhằm trục lợi cho mình hoặc cho người khác phải bồi thường phần giá trị mà mình cho phép sử dụng không đúng; b) Người sử dụng không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ có trách nhiệm liên đới bồi thường với người có hành vi cho phép sử dụng không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ”.

Theo quy định này thì có hai chủ thể bị xử lý vi phạm về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Chủ thể thứ nhất là “người cho phép sử dụng không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhằm trục lợi cho mình hoặc cho người khác”; và chủ thể thứ hai là “người được phép sử dụng không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ” theo sự đồng ý của chủ thể cho phép. Như vậy, người cho phép và người sử dụng không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ là hai chủ thể độc lập nhau.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phương, quy định như vậy là chưa bao quát, đầy đủ, bởi rất nhiều trường hợp người sử dụng không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ cũng chính là người có thẩm quyền cho phép. Chẳng hạn như thủ trưởng đơn vị là người trực tiếp sử dụng không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ thì quy định nêu trên chưa đề cập tới, vì vậy chế tài đối với chủ thể này cũng chưa được đề cập.

Ðể chặt chẽ, đầy đủ và nêu cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong cơ quan tổ chức, đại biểu Phương kiến nghị sửa đổi bổ sung điểm a, khoản 2, Ðiều 19 như sau: “Người có thẩm quyền trực tiếp hoặc cho phép sử dụng không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhằm trục lợi cho mình hoặc cho người khác phải bồi thường phần giá trị mà mình cho phép sử dụng không đúng”.

Ðối với “Hành vi khá vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng”, tại Chương X của dự thảo luật quy định: “Xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng”, Mục 1 quy định nội dung “Xử lý tham nhũng”; Mục 2 quy định nội dung “Xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng”. Như vậy, có thể thấy “hành vi tham nhũng” và “hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng” là hai phạm trù khác nhau.

Ðối với hành vi tham nhũng đã được liệt kê 12 hành vi theo quy định tại Ðiều 2. Tuy nhiên, theo phần giải thích từ ngữ tại khoản 1 Ðiều 3: “Hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”, như thế yếu tố vụ lợi là vấn đề mấu chốt để xác định hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng trái quy định của pháp luật.

Khác với “hành vi tham nhũng”, “hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng” có thể không phải là hướng tới “vụ lợi”, mà là việc không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định của pháp luật, hoặc quy tắc có tính xử sự chung được ban hành có tính bắt buộc thi hành trong cơ quan tổ chức khi thi hành công vụ. Các hành vi này được liệt kê tại khoản 1 Ðiều 93 của dự thảo luật.

Tuy nhiên, một trong các hành vi vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng bị xử lý tại điểm b, khoản 1 Ðiều 95 là “vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ”, đại biểu cho rằng việc thống kê quy định này tại khoản 1 Ðiều 93 là không phù hợp.

Bởi vì “Vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ” đã cấu thành mục đích vụ lợi về mặt vật chất. Mà khi đã là vụ lợi thì không thể là “hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng” nữa, mà phải là “hành vi tham nhũng”. Thứ hai: “Vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ” nếu chiếu theo quy định tại Ðiều 2 của dự thảo thì tuỳ vào tính chất của hành vi, có thể là hành vi tham ô tài sản hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản...

Và khi đã thuộc một trong “các hành vi tham nhũng” quy định tại Ðiều 2 thì không thể là “hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng”… Qua phân tích như trên, đại biểu Phương kiến nghị bỏ quy định tại điểm b, khoản 1 Ðiều 95 của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng.

QUANG TÂM - DUY NHÃ

(Lược ghi)

________________________

 (*) Tựa đề do Toà soạn đặt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục